Tác hại của việc chơi game online
Người nghiện thường có biểu hiện tự cô lập mình với gia đình, bạn bè hoặc mọi hình thức tiếp xúc với xã hội và dồn sự tập trung nhiều nhất vào chơi game (trên Internet) vì bị thu hút mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống.
Theo ThS.BS Lê Thanh Hà, Học viện Quân y cho biết: “Nghiện game hay Internet gây nhiều tác hại. Người sử dụng Internet 5 - 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều người chơi đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu con có biểu hiện chơi game thâu đêm không ăn uống; loạn thần như hay gào thét bất thường hoặc buồn phiền, cáu giận thất thường, không quan tâm mọi thứ xung quanh; hoang tưởng phải đi khám ngay.
Nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng, một số khác có thể chết vì kiệt sức do chơi liên tục trong nhiều giờ”.
Không những thế, nghiện game còn tiêu tốn tiền bạc và khiến trẻ dễ trở thành tội phạm nguy hiểm. Theo nghiên cứu của Hội Tâm thần học Mỹ cho biết: “Trẻ em hàng ngày phải đến trường học tập để kiến tạo nghề nghiệp chứ không phải lao động kiếm tiền. Thế nhưng với những đứa trẻ nghiện game việc kiếm tiền luôn thôi thúc khiến trẻ luôn có động cơ tìm mọi cách để có tiền. Hiện nay thế giới chưa có mã bệnh về nghiện game hay nghiện sử dụng Internet vì còn có vấn đề trong phân định ranh giới giữa sử dụng Internet với mục đích cho công việc hay chỉ là vui chơi, giải trí”.
Nguy cơ nghiện game
Bản chất cơ chế bệnh sinh của nghiện game và trầm cảm đều có điểm tương đồng vì đều gây ra bởi tình trạng rối loạn cân bằng của nhóm 5 hormone Dopamin, Endorphin, Testosterol, Oxytocin, Serotonin - còn gọi là dàn nhạc 5 hormone hạnh phúc.
Giải thích về nguyên nhân gây bệnh, BS Nguyễn Tất Định, Học viện Quân y cho biết: “Không giống như nghiện ma túy, nghiện game online, vai trò của yếu tố sinh học không rõ ràng mà tâm lý đóng vai trò trội hơn. Người nghiện game online, Dopamin liên tục được sản sinh và tăng dần ngưỡng thích nghi của cơ thể. Vì thế, khi chơi game online, họ cảm thấy thích thú, dễ chịu hơn và nếu như không chơi, khiến họ bứt rứt, không yên và tìm mọi cách để được chơi. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung cuốn hút của game khiến người nghiện game khó rứt ra được. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ người chơi game trở thành nghiện game nhưng ngưỡng trở thành nghiện thì rất khác biệt ở từng cá thể và hoàn cảnh sống của họ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, khi chơi game, người chơi có sự tăng giải phóng Dopamin, tăng sản xuất các morphin nội sinh như Endorphin. Các chất này tạo nên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện game. Ở những người nghiện game, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin tại khe sinap ở não. Các xét nghiệm tìm kiếm Serotonin trong huyết tương và trong dịch não tủy của người nghiện game cũng chứng tỏ điều này. Sự sụt giảm nồng độ Serotonin giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt. Hiện người ta chưa rõ trầm cảm, lo âu là hậu quả của nghiện game hay là nguyên nhân gây ra nghiện game online.
|
...Và mắc bệnh trầm cảm
Giải thích về việc người nghiện game dẫn đến trầm cảm, BS Nguyễn Tất Định, Học viện Quân y cho biết: “Ban đầu, người ta đã nghĩ rằng cả Adrenalin và Serotonin đều được coi là nguyên nhân gây nên trầm cảm. Sự giảm nồng độ của một trong 2 chất dẫn truyền thần kinh này có ảnh hưởng đến khí sắc. Quan niệm đơn giản này đã bị những nghiên cứu gần đây phủ định. Có vẻ như khí sắc là kết quả của sự tương tác giữa Serotonin và Adrenaline. Thậm chí nó có thể là kết quả của sự tương tác giữa hai chất này với các cơ quan khác của não. Tuy nghiện chơi Internet và trầm cảm là 2 vấn đề bệnh lý khác nhau nhưng đều có biểu hiện của trầm cảm và ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của thanh thiếu niên, giảm sút khả năng học tập và lao động, tạo ra mối quan hệ căng thẳng với người thân của mình, tách mình khỏi đời sống xã hội, nhiều trường hợp gây rối trật tự, an ninh an toàn cho cộng đồng, phạm tội và tăng nguy cơ tự sát”.
Tới thời điểm này, số lượng người chơi game online đã tăng lên chóng mặt. Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu người chơi game online thì đến năm 2011, con số này là 11 triệu người. Theo báo cáo điều tra quốc gia về Vị Thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game. Trầm cảm và nghiện game online đều làm thúc đẩy tỷ lệ lạm dụng rượu và ma tuý, không chỉ gây ra những thiệt hại cho cá nhân, rối loạn trầm cảm mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của gia đình và xã hội.
Hiện nay, cơ sở triển khai điều trị nội trú cho trẻ nghiện game online của nghiên cứu sẽ được thực hiện tại Khoa Tâm thần tuyến cuối của Bộ Quốc phòng, Quân y Viện 103. Sau đó tùy nhu cầu và số lượng bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất mở rộng hợp tác điều trị với Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, Khoa Tâm thần của một số uy tín. Việc điều trị tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và ngành tâm thần học. Điều trị nội trú tại bệnh viện bằng thuốc, giai đoạn sau là bảo tồn bằng chuỗi các hoạt động tâm lý liệu pháp được cá thể hóa dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý liệu pháp của Học viện Quân y, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Phòng Tâm lý liệu pháp - Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y tế Công cộng.