Nghiện game online: 16 tuổi mà như 5 tuổi

Hậu quả của việc nghiện game online là có những người đã bước vào độ tuổi thanh niên nhưng biểu hiện, nhận thức chỉ như một đứa trẻ. Không ít người có xu hướng tự tử, cuồng bạo vì suy nhược cơ thể và tinh thần trầm trọng.

Nghiện game online: 16 tuổi mà như 5 tuổi

Dù đã 16 tuổi nhưng khi đến khám tại Bệnh viện Quân y 103, N.M.T. (TP.Hà Nội) khiến các bác sĩ bất ngờ khi trí tuệ, tương tác chỉ như đứa trẻ năm tuổi. Bác sĩ Nguyết Tất Định (Học viện Quân y 103) cho biết, T. nghiện các trò chơi điện tử trực tuyến (game online) nhiều năm, thường chơi thâu đêm từ ngày này qua ngày khác. Ăn uống hay những giấc ngủ chớp nhoáng đều diễn ra ở bàn máy tính…

Chính vì vậy, cơ thể T. trở nên gầy gò, suy kiệt, đôi mắt bơ phờ như người mất hồn. Thấy vậy, mẹ T. đã yêu cầu em dừng chơi, cắt internet. Nhưng T. phản ứng dữ dội, thậm chí bỏ trốn ra ngoài để tiếp tục chơi. 

Nghien game online: 16 tuoi ma nhu 5 tuoi

Những đứa trẻ không thể lớn vì nghiện game online

Trường hợp của T. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì nghiện game online mà các bệnh viện tiếp nhận gần đây. Thông tin ban đầu từ nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mới công bố, có 62% người sử dụng internet để chơi game online.

Bệnh nhân nghiện game online thường vào viện trong tình trạng sức khỏe và công việc, học tập đã suy giảm nghiêm trọng. Có trường hợp người 21 tuổi nhưng tính cách, nhận thức như trẻ 12 tuổi. Nguyên nhân là do thời gian chơi game triền miên khiến các bệnh nhân này quên ăn, quên ngủ và cắt đứt các giao tiếp với cuộc sống thực tại bên ngoài. 

“Người sử dụng internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội”, thạc sĩ - bác sĩ Lê Thanh Hà (Học viện Quân y 103) - thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay. Bác sĩ Hà cũng cảnh báo về tình trạng một số trẻ nghiện game có ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. 

Đáng lưu ý, theo các chuyên gia, người nghiện game online sẽ làm gia tăng các dopamine và một số hoóc-môn trong cơ thể, từ đó tạo ra những thái cực mới, những bất thường trong cuộc sống của họ.

Bác sĩ Nguyễn Tất Định cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hướng đi để điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh nhân nghiện game online bằng việc nghiên cứu so sánh nồng độ các hoóc-môn trong máu người nghiện game online và những người khỏe mạnh. Từ đó, đánh giá hiệu quả phương pháp điều trị dựa vào nguyên lý điều chỉnh nồng độ các hoóc-môn này.

“Hy vọng nghiên cứu này sẽ mở ra cơ hội điều trị tốt và giảm thời gian trẻ phải nghỉ học, nghỉ làm để tập trung tại các cơ sở giáo dưỡng hay điều trị rối loạn tâm thần cũng như đem lại cơ hội duy trì ổn định tâm lý của trẻ sau điều trị được lâu hơn”, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ. 

Tuy nhiên, một trong những việc đầu tiên mà các bác sĩ khuyến cáo là phụ huynh cần quan tâm hơn tới thói quen, sinh hoạt của trẻ. Khi con cái chơi game thâu đêm, không ăn uống, đặc biệt có các biểu hiện loạn thần như hay gào thét bất thường hoặc ủ ê, không quan tâm mọi thứ xung quanh hay hoang tưởng… thì phải nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế để khám chữa, can thiệp kịp thời.

Theo Phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ