Để bảo tồn và lưu truyền các TCDG, Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu văn hóa quốc tế (ICEP – HaNoi Classy) phối hợp với nhóm dự án Sân Đình – một tổ chức phi lợi nhuận đã tổ chức sự kiện “Olympic TCDG Việt Nam”. Sự kiện này đã được UNESCO công nhận và lấy ngày 18/8 là “Ngày TCDG Việt Nam”.
Di sản văn hóa mang tính cộng đồng
TCDG là một di sản văn hóa quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Đó là những sáng tạo chung mang tính cộng đồng với đầy đủ các giá trị thể chất, tinh thần, xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất của ông cha ta. TCDG có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền qua các thế hệ, vùng miền với rất nhiều biến thể cho phù hợp hơn với hoàn cảnh vùng miền.
Bà Nguyễn Thanh Nga – Phụ trách nhóm Sân Đình – Trưởng ban tổ chức “TCDG Việt Nam 2018” chia sẻ: “TCDG không chỉ là hình thức giải trí như các trò chơi điện tử mà nó còn có rất nhiều giá trị khác như là học được các kĩ năng mềm, kỹ năng trải nghiệm, hiểu được các giá trị dân gian xưa. Qua đó, chúng tôi muốn kết nối cộng đồng giữa các thế hệ với nhau. Ví dụ như: Trẻ em với cha mẹ, trẻ em với ông bà”.
TCDG là hình thức kết nối mọi người dễ nhất thông qua hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, TCDG đang mất dần đi sự hiện diện. Các giá trị tốt đẹp của TCDG đang dần bị mai một, lãng quên.
Với mong muốn mang những giá trị văn hóa cổ truyền trở về với cuộc sống đương đại, mang đến hơi thở mới cho những giá trị cũ và giúp văn hóa dân gian có thể hòa hợp với môi trường đô thị, nhóm dự án sân đình đã cùng với Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu văn hóa quốc tế (ICEP – HaNoi Classy) tổ chức sự kiện “Olympic TCDG Việt Nam” nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Song song với đó, nhóm dự án đã triển khai, thực hiện Dự án “Ngày TDCDG Việt Nam”, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng “TCDG Việt Nam.
Không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ
Trong kí ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, ai cũng đã từng chơi ít nhất một vài TCDG như: Ô ăn quan, đánh đáo, nhảy dây, đá cầu, nhảy bao bố, đi cà kheo...
TCDG tạo nên sợi dây gắn kết giữa các thế hệ cộng đồng của người Việt, giữa bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên trong đời sống hiện đại với nhiều sự giao thoa văn hóa, với những phát triển của công nghệ thông tin hiện đại… khiến cho TCDG của Việt Nam hiện hữu ít hơn trong đời sống hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu văn hóa quốc tế (ICEP – HaNoi Classy) chia sẻ: “Hồi nhỏ, mỗi dịp cuối tuần hoặc lúc rảnh rỗi, tụi trẻ trong xóm chúng tôi lại tụ tập nhau để chơi: Bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu... Phải nói rằng, tuổi thơ như thế hệ chúng tôi, gần như được trải nghiệm tất cả các TCDG. Qua các TCDG, tôi nhận thấy mình học hỏi và phát huy được những điều hay qua các trò chơi đó như: Kỹ năng mềm, kỹ năng học tập từ trò chơi, từ các bạn bè, rồi cả những giá trị kết nối xung quanh khác...
Tuy nhiên, những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến cho giới trẻ hiện nay thiếu chỗ chơi. Cũng với đó là sự du nhập của công nghệ, đặc biệt là các trò chơi điện tử, smartphone... đã làm cho nhiều trẻ em sinh ra chứng “ghiền” game online. Những trò chơi này chỉ mang tính giải trí nhưng lại thiếu đi giá trị tinh thần. Đồng nghĩa với đó là giá trị văn hóa xưa gần như bị mai một.
Bài toán làm sao để cho trẻ em có được những sân chơi trải nghiệm và phát huy những TCDG Việt Nam là điều khiến chúng tôi trăn trở.
Sau một thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức phi lợi nhận như: Sân Đình, Tôi Xê Dịch... tổ chức các TCDG cho trẻ nhỏ vào dịp cuối tuần tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Tôi rất cảm động khi các bạn trẻ ở nhóm Sân Đình có ý nguyện gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền những giá trị văn hóa qua các TCDG; Khôi phục và mang đến cho trẻ nhỏ những TCDG nhiều ý nghĩa nhân văn và giáo dục cao cả.
Các bạn trẻ trong nhóm Sân Đình, Tôi Xê Dịch thật sự là những người bạn nhỏ bé với trái tim đầy nhiệt huyết đã cùng chúng tôi mang đến hơi thở mới cho những giá trị cũ để văn hóa dân gian mãi được gìn giữ và trao truyền. Để trẻ nhỏ có những trải nghiệm đẹp thông qua các TCDG”.
Nhóm Tôi Xê Dịch, với mục đích truyền thông xã hội. Nhóm được thành lập từ năm 2012, với sứ mệnh khuyến khích người trẻ đi nhiều hơn, sống sâu hơn và hiểu biết nhiều hơn về các giá trị truyền thống của dân tộc.