Nghị lực phi thường của thủ khoa khiếm thị

GD&TĐ - Đôi mắt chỉ nhìn thấy màn đêm và phải học muộn tới 9 năm, nhưng Nguyễn Thị Hồng vẫn xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong sự nể phục của nhiều người.

Thủ khoa Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NVCC.
Thủ khoa Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NVCC.

Lúc chào đời, Nguyễn Thị Hồng (SN 1988 tại Thanh Trì, Hà Nội) vốn là một cô gái hoàn toàn bình thường. Năm 2002, Hồng gặp tai nạn, bị vật cứng đâm vào mắt khi đang chơi đùa. Vết thương nặng khiến mắt phải của Hồng hỏng nhãn cầu và tê liệt dây thần kinh, gây ảnh hưởng đến mắt trái.

Được gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương, Hồng trở về nhà với mắt phải là giả, mắt trái thị lực chỉ còn 1/10. Hồng khi đó vẫn có thể hoàn thành những công việc vệ sinh cá nhân hàng ngày dù mắt trái chỉ nhìn được lờ mờ.

Đến năm 2006, dịch đau mắt đỏ ở miền Bắc đã lấy nốt chút ánh sáng ít ỏi từ mắt trái của Hồng, khiến cô không thể phân biệt ngày hay đêm. Lúc đó, em cảm thấy mọi thứ như khép lại trước mặt. Người bạn duy nhất của Hồng lúc đó là chiếc đài cassette được mẹ mua về để nghe cho đỡ buồn.

Nghe đài, Hồng học được nhiều điều hay. Có lần, cô nghe được câu chuyện về một người bị liệt nhưng vẫn đi bán vé số, cả ngày ca hát vui đùa.

Lần khác trong lúc nghe đài, Hồng nghe được câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn hàng ngày đến trường, được làm việc. Và Hồng xin mẹ cho đi học. Lúc đó em đã gần 20 tuổi.

Sau khi được dạy bảng chữ nổi và cách sử dụng máy tính tại Hội người mù huyện Thanh Trì, Hồng đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để học hết chương trình phổ thông. Cô học vào những ngày cuối tuần, còn ngày thường làm xoa bóp, bấm huyệt với thu nhập khoảng 600.000 đồng mỗi tháng để phụ giúp bố mẹ.

Đến năm 2015, Hồng hoàn thành xong chương trình lớp 12. Cô đăng ký xét tuyển vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với thành tích học tập tốt, hồ sơ của Hồng được chấp nhận.

Lên đại học, Hồng tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác. Chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến cô không thể ghi chép được bài. Mất nửa học kỳ đầu, Hồng cảm thấy bất lực vì không có tài liệu, không thể đọc được giáo trình.

Những tưởng không thể tiếp tục, nhưng sau học kỳ đầu, Hồng đã có một số sáng tạo để quen với phương pháp học tập mới. Không có tài liệu học tập, Hồng chăm chú nghe cô giảng trên lớp và ghi âm lại, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng.

Hồng chia sẻ: “Với môn Triết, học đến học thuyết nào, em lên mạng tìm kiếm tất cả các bài phân tích về những học thuyết ấy. Sau đó, dùng phần mềm đọc màn hình để nghe xem bài phân tích nào đúng góc độ mà cô giáo giảng rồi lấy đó là căn cứ để làm tài liệu sử dụng. Cứ thế trong những năm đại học, nhờ phương pháp này, em đã vượt qua được tất cả các môn”.

Sự cần cù cùng với phương pháp học tập đúng đã giúp Hồng vượt qua được tất cả các môn. Thậm chí cô đã làm được những điều mà nhiều người bình thường phải mơ ước, đó là hoàn thành chương trình đại học chỉ mất 3,5 năm và xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Với Hồng, danh hiệu thủ khoa xuất sắc là niềm vinh dự, tự hào nhưng đây chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình dài ở phía sau.

Cô gái muốn chứng minh có những người cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống. Đó cũng là lý do Hồng lựa chọn ngành công tác xã hội và luôn nỗ lực học tật tốt. Hồng muốn trở thành người kết nối, giúp người khuyết tật khẳng định được giá trị của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ