(GD&TĐ) - Một tuổi, sau trận đậu mùa, bé gái mồ côi cha Trương Thị Bích Diễm (sinh năm 1981, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) mù cả hai mắt. Sống chung với bóng tối nhưng ở Diễm luôn sáng bừng hoài bão. Bích Diễm đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức với một nghị lực phi thường để được biểu diễn trên sân khấu, được ngồi chơi đàn tranh, ghitar, hay organ…
Mắt mù tâm sáng
Vượt qua đêm đen, cô gái nhỏ ngày nào đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Trương Thị Bích Diễm hiện là Ủy viên thường trực Hội người mù Quảng Nam. Bằng chất giọng cao vút, cùng với ngón đàn điêu luyện của một cựu sinh viên Học viện âm nhạc Hà Nội, nhiều năm qua, Bích Diễm tích cực tham gia các chương trình văn nghệ thiện nguyện ở trong và ngoài tỉnh.
Mồ côi cha, sống cùng mẹ, Bích Diễm kể, năm 7 tuổi, chị theo mẹ đến nhà một người chú bà con. Lần sờ thấy cây đàn ghita treo ở góc nhà, chị liền bấm thử, nghe phát ra những tiếng tích tịch tình tang. Chú quát: “Đừng phá”. Tức quá, chị về lấy một nắp xô, khoét lỗ ở giữa, lắp 6 dây xu căng ngang làm thành một cây đàn chẳng giống ai, rồi gảy. Niềm đam mê âm nhạc dấy lên từ dạo đó.
Bích Diễm bên cây đàn tam thập lục - người bạn tri âm tri kỷ của cô. |
Năm 1992, một người ở Đà Nẵng vào trường, tình cờ nghe Bích Diễm hát: “Cả nhà ta cùng thương yêu nhau” hay quá, mới giới thiệu cô bé ra học Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Ở đây, 13 tuổi Bích Diễm đã học đàn tranh. Học xong phổ thông, Bích Diễm tiếp tục thi đậu vào Học viện Âm nhạc Hà Nội. Năm 1997, chị “liều” đăng ký cuộc thi tài năng trẻ do Học viện TP HCM tổ chức. Với bài Lý mười thương (dân ca Huế), Lý quạ kêu (Nam Bộ) và ca khúc Mùa thu quê hương (Xuân Khải), chị nhận được Huy chương vàng bảng A. Năm 2000, tham gia cuộc thi liên hoan nghệ thuật quần chúng thành phố Đà Nẵng, lại nhận được HCV. Rồi Liên hoan văn nghệ thể thao Hội người khuyết tật toàn quốc vào năm 2003, chị cũng nhận hai HCV với phần độc tấu đàn tranh. Ngoài ra, chị còn được nhận nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khác nữa…
Ngoài đàn tranh, chị còn biết chơi organ, guitar, thổi sáo… Ra trường, ngoài việc làm cho Tỉnh hội người mù, chị còn rong ruổi khắp nơi biểu diễn cho các chương trình thiện nguyện. “Mình đã cố gắng hết sức vì đam mê. Mình là người khuyết tật, tiếng đờn, tiếng hát là cái để cho mình bấu víu và cũng là cái duy nhất để mình cống hiến cuộc đời này.” – chị bộc bạch.
Thương lắm cô gái mù “hát quên trời đất”
Đêm văn nghệ gây quỹ cho hội người khuyết tật huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) diễn ra vào ngày 20/4 vừa rồi, rất đông người đến xem. Hình ảnh một cô gái mù hát “quên trời quên đất”, quên cả sự hiện diện của người xung quanh để đắm chìm trong âm nhạc, đã nhận không ngớt những tiếng vỗ tay hoan hô cùng lời trầm trồ khen ngợi. Chị không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu chương trình gây quỹ như thế nhưng đêm nào cũng hết mình, cũng như lần cuối.
Hồi còn học ở Hà Nội, NSND Tường Vi, cũng là người quê hương Tam Kỳ - Quảng Nam là người mẹ đỡ đầu, dạy cho chị từng ngón đàn, cách luyến láy… và cũng là người đã hướng chị đến những chương trình thiện nguyện. Chị tham gia những chương trình thiện nguyện ở khắp nơi, từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến TP HCM, Hà Nội...
Hình ảnh một cô gái mù vừa đánh đàn vừa hát “quên trời quên đất”, đã quen thuộc trong các chương trình thiện nguyện ở Quảng Nam. Chị nói vui: “Có lẽ mình mù nên người ta không biết, mới nói mình nhắm mắt mà hát.”
Chị tâm sự: “Mình bị mù nhưng mình muốn sống như một người bình thường. Mình khuyết tật thể xác chứ không khuyết tật tâm hồn. Mình không muốn bị sống một kiếp thừa và cái mà mình đóng góp cho đời đó là tiếng đờn, giọng hát. Và mình khao khát được đóng góp…”
Mai Thành Dũng