Nghề thoát và xử lý nước thải: Đào tạo theo tiêu chuẩn Đức

GD&TĐ - Đào tạo nghề kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải định hướng theo bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của Đức và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam là chương trình đầu tiên áp dụng mô hình đào tạo phối hợp, trong đó các đối tác liên quan đã cùng nhau đưa ra quyết định trong việc triển khai và đánh giá chương trình đào tạo.

Các học viên được thực hành “kỹ thuật thoát và xử lý nước thải” ngay tại nhà máy.
Các học viên được thực hành “kỹ thuật thoát và xử lý nước thải” ngay tại nhà máy.

Thiết thực và phù hợp

Đây cũng là lần đầu tiên tại Đông Nam Á, một Hiệp hội nghề nghiệp - Hội Cấp thoát nước Việt Nam - đóng vai trò đầu mối trung tâm của khối doanh nghiệp (DN) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả đào tạo.

Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao cho 11 giám khảo và 31 giáo viên và DN theo tiêu chuẩn Đức.

Sau ba năm đào tạo, 17 trong số 21 học viên tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Đức. Tiêu chuẩn này đã được Phòng Công nghiệp Thương mại Dresden và Công ty Thoát nước Dresden chứng nhận. Đây là các cơ quan có chức năng đào tạo nghề được công nhận ở Đức và đã trực tiếp tham gia đánh giá năng lực.

Lễ tổng kết khóa đào tạo phối hợp thí điểm nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” được tổ chức, đã đánh dấu một bước tiến mới của hoạt động đào tạo nghề ở Việt Nam.

Bà Trương Thị Thu Thảo, cán bộ đào tạo thuộc Công ty Cổ phần Nước Môi trường Bình Dương cho biết: Mô hình hợp tác đào tạo đem lại rất nhiều lợi ích cho các DN. Thứ nhất, các DN có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật tương lai. Thứ hai, các học viên đã quen thuộc với môi trường nhà máy và trực tiếp thực hiện nhiều công việc kỹ thuật trong học phần đào tạo tại DN sẽ giúp họ tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo đầu vào.

“Chương trình đào tạo rất thiết thực và phù hợp với điều kiện làm việc thực tế trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam. Các học phần đào tạo tại DN đã rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, cho chúng em kinh nghiệm thực tiễn để xử lý các tình huống công việc thực tế.

Việc được đào tạo và thi tốt nghiệp theo định hướng tiêu chuẩn Đức giúp chúng em nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động” - chị Nguyễn Thị Nhẫn, học viên tốt nghiệp của khóa đào tạo chia sẻ.

Khuyến khích nhân rộng

Sự thành công của mô hình đã chứng minh đào tạo nghề gắn với DN là một xu hướng tất yếu, khả thi và hiệu quả. Điều này cho thấy sự đúng đắn trong chủ trương hợp tác của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH).

Khái niệm về nghề “Kỹ thuật thoát và xử lý nước thải” hiện còn khá mới mẻ tại Việt Nam, việc đào tạo chính quy cho nghề này vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Vì vậy, nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như tạo sự quan tâm chú ý của thanh niên trong việc định hướng nghề và tham gia học nghề xử lý nước thải là một mục tiêu quan trọng được đặt ra. 

Theo ông Phạm Xuân Điều, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chương trình đào tạo chính quy nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” đã phần nào đáp ứng được nhu cầu nhân sự cấp bách trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam.

Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác phát triển Việt Đức, Hội đã có một đội ngũ giảng viên và giám khảo đạt tiêu chuẩn Đức, đóng vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng kỹ thuật của các DN”.

Sự thành công của mô hình hợp tác đào tạo đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN và khối DN.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho rằng: Đây là một trong những điển hình tiêu biểu nhất trong việc đào tạo gắn liền với định hướng thực hành đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn nghề và khuyến khích nhân rộng mô hình này ra toàn hệ thống GDNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.