Khi nhiệt độ Trái đất tăng, các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, lốc xoáy, lượng mưa đột biến, hạn hán và lũ lụt mạnh được dự kiến sẽ trở nên ngày càng tồi tệ và xuất hiện nhiều hơn, gây thêm áp lực lên các chính phủ mang nhiệm vụ biến Hiệp ước khí hậu Paris 2015 thành hiện thực.
Bangkok được xây dựng trên đất lầy cao khoảng 1,5 mét so với mặt nước biển và dự đoán là 1 trong những khu vực đô thị bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới, cùng với các thủ đô Đông Nam Á khác như Jakarta và Manila. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, gần 40% diện tích Bangkok sẽ bắt đầu ngập trong nước biển vào khoảng đầu năm 2030 do mưa lớn kéo dài và xu hướng thời tiết biến đổi.
Tara Buakamsri từ tổ chức Hòa bình Xanh cho biết thủ đô Bangkok đang chìm xuống khoảng 1 - 2 cm mỗi năm và có nguy cơ lũ lụt lớn trên diện rộng trong tương lai gần. Mực nước biển ở Vịnh Thái Lan cũng đang tăng lên khoảng 4mm mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Vào năm 2011 tại Bangkok, mùa mưa đã mang đến những trận lụt tồi tệ nhất trong cả thế kỷ, một phần năm thành phố ngập trong nước và chỉ có khu kinh doanh là may mắn không bị ảnh hưởng nhờ vào các con đê được xây dựng tạm thời. Nhưng những khu vực khác của Thái Lan đã không được may mắn như vậy và số người chết bởi thiên tai khi hết mùa lên tới tận 500 người.
Các chuyên gia cho biết, tình hình đô thị hóa không kiểm soát và bờ biển xói lở sẽ khiến Bangkok và người dân nơi đây rơi vào 1 tình thế vô cùng khó lường. Với các tòa nhà chọc trời nặng nề đang ngày càng đóng góp cho sự nhấn chìm của thành phố, Bangkok đã trở thành nạn nhân của chính tốc độ phát triển điên cuồng của nó.
Các kênh rạch đi qua thành phố bị thay thế bởi mạng lưới đường phức tạp càng làm tình hình tồi tệ hơn, ông Suppakorn Chinvanno, chuyên gia về khí hậu từ ĐH Chulalongkorn tại Bangkok trao đổi. “Những kênh rạch này từng là 1 phần của hệ thống thoát nước tự nhiên” - ông nói thêm và nhấn mạnh rằng đây chính là đặc điểm từng đem lại cho thủ đô biệt danh “Venice của phương Đông”.
Các trang trại tôm và trạng trại phát triển nuôi trồng thủy sản khác đôi khi cũng được xây dựng lên thay thế cho những khu rừng ngập mặn được bảo vệ. Điều này càng làm gia tăng sự xói mòn ở bờ biển gần thủ đô. Và vì vậy, Bangkok đứng trước nguy cơ lũ lụt ở cả hai đầu thành phố, theo như Chinvanno phân tích.
Narong Raungsri, Giám đốc Sở Cấp thoát nước Bangkok cho biết, điểm yếu của thành phố xuất phát từ những đường hầm nhỏ và sự phát triển điên cuồng ở các khu vực lân cận. Hiện tại, chính phủ đang suy tính các phương án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cho lệnh xây dựng 1 mạng lưới kênh đô thị kéo dài tới 2.600 km với các trạm bơm và 8 đường hầm dưới lòng đất sử dụng cho việc thoát nước trong trường hợp thảm họa xảy ra.
ĐH Chulalongkorn trong năm 2017 cũng xây dựng 1 công viên rộng 11 mẫu Anh tại trung tâm Bangkok được thiết kế đặc biệt để có thể rút vài triệu lít nước mưa và phân tán chúng sang các khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các phương án này vẫn có vẻ là chưa đủ.