Trả nguyên trạng không gian cho di tích lịch sử quốc gia Thành Điện Hải

GD&TĐ - Đà Nẵng đang chuẩn bị di dời Bảo tàng Đà Nẵng từ khuôn viên Thành Điện Hải đến 42 Bạch Đằng – trụ sở cũ của UBND TP Đà Nẵng và hiện là trụ sở của HĐND thành phố. Theo ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP, các cơ quan có liên quan cần gấp rút để kịp mốc ngày 31/10 sẽ tiến hành giai đoạn 2 Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải sắp tới đây.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện tại đang nằm trong khuôn viên của Thành Điện Hải
Bảo tàng Đà Nẵng hiện tại đang nằm trong khuôn viên của Thành Điện Hải

Nhường trụ sở HĐND cho bảo tàng

Chủ trương chuyển Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Thành Điện Hải về tòa nhà cổ 42 Bạch Đằng (Q. Hải Châu) của UBND TP Đà Nẵng được giới sử nói riêng và người dân hết sức ủng hộ.

42 Bạch Đằng vốn là tòa thị chính do người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước và đến nay vẫn còn nguyên vẹn với những nét kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố. Tháng 2/1937, hàng nghìn người dân đã kéo về đây gặp đại diện chính quyền Pháp để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 26/8/1945, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc tòa nhà này.

Khi quân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Trung đoàn 96 đã ngoan cường đánh trả tại đây. Và ngày 29/3/1975, lá cờ giải phóng lại một lần nữa được cắm trên tòa nhà thị chính. Tòa nhà 42 Bạch Đằng được tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng rồi trụ sở của UBND TP Đà Nẵng và hiện là trụ sở HĐND TP. Cuối tháng 12/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định sử dụng tòa nhà 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng, việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về nhà số 42 Bạch Đằng là hoàn toàn phù hợp vì bản thân tòa nhà này đã là một di tích lịch sử - một bảo tàng ngoài trời với phong cách kiến trúc cho đến nay chưa hề lạc hậu. Và việc di chuyển Bảo tàng Đà Nẵng là vô cùng cần thiết nhằm trả lại cảnh quan vốn có của di tích văn hóa lịch sử quốc gia Thành Điện Hải.

Lâu nay, Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên của di tích Thành Điện Hải, vừa vi phạm Luật Di sản, xâm hại đến di tích quốc gia, kiến trúc của bảo tàng cũng không phù hợp với không gian của Thành Điện Hải. Theo như nhận xét của giới nghiên cứu thì khách tham quan sẽ có cảm giác tường Thành Điện Hải chính là hàng rào bảo vệ của bảo tàng chứ không phải là một di tích đặc biệt cần được bảo vệ nguyên trạng.

Bảo tàng vùng

Đà Nẵng đã quy hoạch Quảng trường văn hóa xung quanh di tích Thành Điện Hải. Theo đó, quy hoạch do Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện sẽ lấy Thành Điện Hải làm “phần lõi”, các công trình văn hóa khác, trong đó có Bảo tàng Đà Nẵng là một phần của quảng trường văn hóa. TP cũng dự kiến sẽ tổ chức thêm các ô đất giới hạn bởi các trục đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Bạch Đằng thành Quảng trường Thành Điện Hải…

Về phương án bố trí các trụ sở liên quan đến việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng, UBND TP thống nhất triển khai trong giai đoạn 2019 – 2020, sử dụng trụ sở HĐND tại 42 Bạch Đằng để cải tạo thành Bảo tàng Đà Nẵng. Giai đoạn từ 2021 – 2022 sẽ mở rộng bảo tàng qua số 44 và 31 Trần Phú, kết nối với Thư viện Tổng hợp thành phố và đầu tư hoàn thành các hạng mục của bảo tàng.

Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho rằng, việc mở rộng không gian bảo tàng là cần thiết vì khi di dời về 42 Bạch Đằng, tổng diện tích của bảo tàng chỉ khoảng 2.230m2, so với diện tích hiện tại là gần 3.500m2; thậm chí nếu xây thêm khu nhà mới vẫn không đủ, trong khi có ý kiến cho rằng nếu xây thêm khu nhà mới ngay tại 42 Bạch Đằng thì sẽ phá vỡ kiến trúc hiện có của tòa nhà. “Việc mở rộng không gian bảo tàng qua số 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú sẽ tạo nên quần thể kiến trúc văn hóa kéo dài từ thư viện đến Thành Điện Hải” – ông Hùng nêu quan điểm.

Trong cuộc họp nghe báo cáo về phương án kiến trúc quy hoạch và trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng vào giữa tháng 8/2018 vừa qua, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Phải xác định tầm quan trọng, vị trí, vai trò của Bảo tàng Đà Nẵng trong quần thể kiến trúc thuộc quảng trường văn hóa; đáp ứng là bảo tàng vùng, điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Đà Nẵng để đầu tư xứng tầm”.

Thành Điện Hải được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long, được gọi là Đồn Điện Hải. Đến năm 1823, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là Thành Điện Hải. Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m.

Bên trong thành có cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn. Thành Điện Hải gắn liền với chiến công của Đà Nẵng trong những năm tháng đầu chống thực dân Pháp, đặc biệt là tên tuổi Nguyễn Tri Phương.

Năm 1988, Thành Điện Hải được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, bị xâm hại nặng nề. Ngày 29/3/2018, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo giai đoạn 1 cho di tích bao gồm các hạng mục: Giải tỏa, đền bù nhà ở, vật kiến trúc, phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước, tạo cảnh quan chung như khuôn viên, cây xanh, bãi đỗ xe…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ