Nghề sửa main máy tính: Thầm lặng và hiệu quả

GD&TĐ - Sửa chữa máy tính từ lâu đã trở thành một nghề khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Có nhiều dịch vụ khác nhau như sửa chữa, khắc phục các vấn đề về phần cứng, phần mềm, dọn dẹp vệ sinh máy tính và rất nhiều công việc liên quan trong đó có sửa main. 

Anh Nguyễn Trung Kiên với nghề sửa main máy tính.
Anh Nguyễn Trung Kiên với nghề sửa main máy tính.

Đây được xem là một công việc thầm lặng nhưng mang đến lợi ích lớn cho người tham gia.

Người bận rộn nhất “chợ”

Nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị, xưởng sửa chữa main của anh Nguyễn Trung Kiên khá bận rộn. Các main hỏng được mang đến từ những cửa hàng sửa chữa máy tính, laptop ở mặt phố Lê Thanh Nghị vốn được xem là “chợ” máy tính ở Hà Nội.

Những người có máy tính bị hỏng rất ít khi mang máy đến đây sửa. Khách hàng của xưởng hầu hết là các cửa hàng sửa chữa, những thợ ở đây sau khi xem xét tình trạng máy, nếu thấy hỏng main họ sẽ chuyển nó về xưởng để sửa chữa.

Bo mạch chủ, hay còn gọi là main máy tính là bản mạch chính trong thiết bị điện tử. Nó phân phối điện cho CPU, RAM và tất cả các thành phần khác thuộc phần cứng của máy tính. Quan trọng nhất là bo mạch chủ tạo ra mối liên kết giữa các thành phần này với nhau. Theo thống kê của chuyên gia, có tới 90% pan bệnh của máy tính, laptop phát sinh trên main.

Anh Kiên cho biết: Sửa main không quá phức tạp, tuy nhiên đây là nghề đòi hỏi sự đầu tư sáng tạo và logic mới có thể mang lại hiệu quả tối ưu.

Bất kỳ một hỏng hóc nào trên main thì máy tính đều không thể hoạt động được. Việc bắt đúng “pan” bệnh là quan trọng nhất, bởi từ đó sẽ đưa ra được giải pháp xử lý tốt nhất.

Các chủng loại main có tới hàng nghìn, nhưng đều có một nguyên lý hoạt động chung, các lỗi của main cũng khá đa dạng như mất nguồn cấp cho CPU, data, lock up…

Có những lỗi phải mất cả tháng trời mới xác định được, có lỗi phải gỡ bỏ linh kiện và thay thế thì main mới chạy được. Xưởng phải bảo đảm, khi khách hàng nhận lại main thì nó đã hoạt động trở lại bình thường.

Dịch vụ sửa chữa mỗi main do các cửa hàng mang đến là khung giá dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, bình quân mỗi ngày xưởng sửa chữa từ 25 - 30 main. Xưởng cũng nhận bảo hành cho các công ty, doanh nghiệp, làm dịch vụ cho các nhà phân phối máy tính…

Tư duy trên nền tảng kỹ năng và kinh nghiệm

Từ năm 1998, sửa main máy tính là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam, lúc đó anh Kiên là nhân viên của một hãng máy tính, tuy vậy việc tiếp cận với nghề cũng có nhiều khó khăn, phải mày mò, tìm kiếm tài liệu nước ngoài, tự học hỏi...

Đến năm 2006, khi cảm thấy đã đủ khả năng, anh Kiên quyết định tự lập xưởng chuyên sửa chữa main. Ban đầu tự làm rồi thuê thêm 2 thợ vừa đào tạo vừa làm và trả lương. Thời điểm nhiều việc, xưởng phải thuê thêm 6 - 7 thợ nữa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Đúc kết về quá trình 20 năm làm nghề, anh Kiên cho rằng, để theo nghề, người học cần phải kiên trì, khả năng tập trung cao độ và sự chuyên nghiệp trong công việc.

Nghề gì cũng có thời điểm, người học cần nắm bắt được những cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt trong thời 4.0, mọi thứ đều thay đổi rất nhanh chóng.

Đối với máy tính để bàn, cơ hội sửa chữa vẫn còn, nhưng đối với laptop, chỉ trong khoảng 3 năm nữa khái niệm sửa chữa sẽ gần như không có, bởi nhà sản xuất gần như không khuyến khích dịch vụ sửa chữa. Tất cả các thành phần được tích hợp trên main rất nhỏ gọn, việc sửa chữa sẽ ngày một khó khăn hơn, đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn.

Ngày nay, máy tính đã đi vào đời sống xã hội như một điều tất yếu trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh tế, giải trí, truyền thông... Trong cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của máy tính đặc biệt quan trọng bởi nó là công cụ để kết nối vạn vật, điều khiển hệ sinh thái mới... Chính vì vậy, xoay quanh chiếc máy tính, sẽ có những nghề cũ mất đi, thay thế vào đó là những nghề mới có sự sáng tạo cao hơn.

Để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng này, người lao động rất cần một tư duy năng động trên nền tảng kỹ năng và kinh nghiệm của nghề cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ