Qua thời hoàng kim
Là người đã có gần 20 năm với nghề phát hành báo, ông Nguyễn Văn Đệ, ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Ngày nắng cũng như ngày mưa, công việc của những người phát hành báo bắt đầu từ 4 giờ sáng.
Họ đi đến các toà soạn, nhà in để lấy báo, công việc nhiều thì chia nhau, mỗi người đi một số điểm để kịp thời lấy báo về, tập trung ở đầu ngã 3 Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng (Bờ Hồ, Hà Nội).
Tại đây, mọi người mới trao đổi, chia các đầu báo ra để đưa đến các sạp báo lúc 6 - 7 giờ sáng, các đơn vị đặt báo dài hạn như cơ quan, ủy ban phường, doanh nghiệp…, sẽ đưa sau cùng, nhưng cũng chỉ tối đa là 9 giờ 30 phút sáng là tất cả các nơi đều nhận được các đầu báo theo đơn đặt hàng. Trước đây, còn có một số báo, tập san, tạp chí được phát hành vào buổi chiều.
Đến nay, ông Đệ chỉ còn phát hành khoảng 400 - 500 tờ báo mỗi ngày, công việc được coi như là tập thể dục, bởi thói quen dậy sớm từ nhiều năm nay. Về cơ bản, số đông người làm nghề phát hành báo giấy đã không thể sống được với nghề, mà phải làm thêm một số công việc khác.
Đỉnh điểm của nghề phát hành báo vào khoảng những năm 2000 - 2010, khi đó, ông Đệ đưa báo cho khoảng 20 sạp báo và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân.
Ngoài ra, báo còn được phát hành bởi đội ngũ bán báo rong, đây cũng là một kênh phát hành rất hiệu quả. Khi có những sự kiện hay vụ án lớn khiến xã hội quan tâm thì số lượng báo phát hành tăng rất mạnh, các tòa soạn còn in thêm bản, đặc biệt là các báo như: An ninh Thủ đô, Bảo vệ Pháp luật, An ninh Thế giới… Sáng phát hành một lượt, sau đó lại quay lại lấy tiếp lần thứ hai. Thậm chí, có số báo sau khi bán hết, có những sạp còn photo lại bài báo “hot” để bán tiếp.
Mặc dù chỉ là một đơn vị phát hành nhỏ, nhưng khi đó mỗi ngày ông Đệ phát hành tới khoảng 1 vạn tờ báo, sau khi trừ phần trăm cho người bán lẻ, người phát hành được hưởng 5 - 6% giá báo, với số lượng lớn báo phát hành mỗi ngày, đây là công việc cho thu nhập cao và ổn định.
Hồi sinh văn hóa đọc
Trong những năm trở lại đây, phát hành báo giấy giảm sút mạnh và liên tục, nhiều báo không còn thấy trên thị trường mà phải đặt mới có. Cùng với đó, hầu hết các sạp báo giải thể do không bán được, người bán báo rong cũng không còn xuất hiện...
Nhận xét về xu hướng đọc báo, ông Đệ cho rằng: Hiện nay, những người còn đọc báo giấy chủ yếu là trên 50 tuổi, thanh niên thì chỉ một số ít muốn tìm kiếm những tin tức như chuyện đời tư của các diễn viên, ca sĩ, cầu thủ… mà trên mạng ít thấy.
Điều dễ nhận thấy là văn hóa đọc báo đã thay đổi sang xem báo điện tử. Tại các quán cà phê, quán nước, thay vì đọc báo giấy, hầu hết mọi người sử dụng điện thoại thông minh lướt qua nhiều trang báo điện tử để xem tin tức.
Việc sử dụng báo điện tử của người xem là xu hướng của thời đại công nghệ 4.0, tuy nhiên khi tiếp cận không gian mở với những thông tin đa chiều trên môi trường mạng, thì ranh giới giữa xem và đọc dường như đã bị xóa nhòa.
Định hướng về các vấn đề giáo dục, nhân văn, xã hội cũng dần trở nên thiếu cân bằng. Đặc biệt, một bộ phận giới trẻ, đang thiếu những kỹ năng trong việc tự “thẩm định” thông tin, không bảo đảm được các yêu cầu về mặt giáo dục. Đây được xem là một vấn đề tiêu cực xã hội đã và đang nảy sinh.
Thực tế cho thấy, thông tin mạng đang chiếm ưu thế rõ ràng về số lượng độc giả. Thế nhưng tin tức trên báo giấy vẫn có sự vượt trội về chiều sâu chất lượng cũng như tính xác thực của tin bài. Từ khâu lấy tin, viết bài của phóng viên, các bài báo còn tiếp tục được biên tập kỹ càng, bởi yêu cầu và trách nhiệm đối với sản phẩm báo giấy là cao hơn nhiều so với thông tin mang tính cá nhân trên mạng Internet.
Vì vậy, việc đọc báo giấy là một văn hóa cần được khuyến khích trong xã hội hiện nay.