Vân Trình - Người làm báo Việt Nam Độc Lập cùng Bác Hồ ở Pác Bó

GD&TĐ - Báo Việt Nam Độc Lập do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tờ báo được phát hành số đầu tiên vào ngày 1/8/1941, mang số báo 101 với ý nghĩa kế tục lịch sử của những tờ báo cách mạng ra đời trước đó. 

Vân Trình - Người làm báo Việt Nam Độc Lập cùng Bác Hồ ở Pác Bó

Mỗi tháng báo ra đều 3 kỳ vào các ngày 1,11, 21. Mỗi kỳ báo in trên 400 tờ. Khổ báo (18 x 30) cm, 2 trang in. Báo Việt Nam Độc Lập xuất bản từ số đầu tiên (ngày 1/8/1941) đến số cuối cùng (ngày 20/8/1945) được 126 số. Đây là công cụ đặc biệt quan trọng để tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng làm cách mạng, là vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong vận động đấu tranh giải phóng dân tộc.

Kể về việc làm báo Việt Nam Độc Lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các đại biểu dự Đại hội lần thứ hai, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959: "Làm báo phải có đá in. Mấy đồng chí đi trộm những tấm bia đá, rồi mài suốt mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục viết chữ trái".

Trong bài viết ngắn này, tôi xin được "kể" về "Đồng chí viết chữ trái lên đá" qua những tư liệu và khảo sát riêng. Đó là đồng chí Vân Trình. Trong bản hồi ký của đồng chí Lê Quảng Ba về thời kỳ hoạt động bên cạnh Bác Hồ (1940 - 1945), lưu tại Viện Lịch sử Đảng có đoạn "Bác chủ trương ra báo Việt Nam Độc Lập. Vân Trình giúp Bác trong việc in báo. Báo có 2 trang, khổ nhỏ, in đá. Mỗi tháng ra ba kỳ. Các bài viết cho báo phải ngắn gọn, có tác dụng cổ động và hướng dẫn phong trào mọi người đọc dễ hiểu. Sau Vân Trình bị ốm nặng, Bác vừa viết bài vừa in báo" (trang 20). Bà Nông Thị Trưng trong hồi ký Được sống gần Bác có nhắc đến một chi tiết: "Lúc ngồi rỗi nói chuyện hay in báo y như là hai bàn tay Bác bóp hai hòn đá. Một hôm, Bác giúp đồng chí Vân Trình in báo. Bác trải tờ giấy vào khuôn in, xong lại cầm hai hòn đá nắn bóp" Bác Hồ về nước Nhà xuất bản Văn học - 2006, trang 261).

Vân Trình là người cùng Bác Hồ làm báo ngay từ những số đầu tiên ở Pác Bó, là người viết chữ trái lên phiến đá in. Sau này, tờ báo chuyển về căn cứ địa Lam Sơn (Hòa An), Vân Trình cùng theo về Lam Sơn, tiếp tục làm báo trong hang đá Lam Sơn. Hồi ký Trong vùng núi đá Lam Sơn của Thúy Bách in trong cuốn Đầu nguồn - Nhà xuất bản Văn học - 1977 "kể" nhiều chuyện về Vân Trình: "Tôi trở về cơ quan báo vào lúc phải nấu bữa cơm chiều. Nhìn vào hang tôi thấy có một người lạ, có râu cằm. Vẻ ngồi, cách ăn mặc hệt người cán bộ Nùng. Đồng chí Vũ Anh đi vắng. Người cán bộ lạ ngồi nói chuyện với Vân Trình trông như hai bố con. Từ ngày sang ăn ở ngay bên nhà báo, Bác làm việc cả ngày, nhưng đêm, Bác cũng không ngủ trọn giấc. Đến giờ ngủ, Bác giục tôi và Vân Trình đi ngủ. Vân Trình nằm trên một cái sàn riêng; Tôi và Bác nằm chung sàn mỗi người một tấm chiên" (trang 449 - 450).

Trong thời gian Bác Hồ ở Lam Sơn, Vân Trình lại được làm báo cùng Bác, rồi Bác sang Trung Quốc, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Vân Trình buồn nhớ, mong cho Bác bình yên trở về nhưng khi Bác về, Vân Trình chưa kịp gặp đã ốm nặng rồi mất: "Khi trở về Vân Trình lên một cái nhọt ở đùi, chữa thế nào cũng không khỏi. Mấy ngày liền Vân Trình nằm liệt, thở thoi thóp, không ăn, không uống được.

Bệnh Vân Trình thêm nặng, khó bề qua khỏi được.

Vào một buổi chiều, trong hang núi giữa rừng sâu, chúng tôi chứng kiến phút cuối cùng của đời anh. Tiếng nói từ một trái tim sắp ngừng đập vẫn hướng về một người mà anh đã gửi gắm cả niềm tin và ước vọng. Vân Trình nói thều thào trong hơi thở yếu:

- Bác về... Thưa Bác giúp... Vân Trình...

Vân Trình lịm dần đi, tắt thở trong bàn tay đồng chí. Đầu gối lên phiến đá Li tô.

Đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng) và tôi đều khóc" (trang 457).

Vân Trình, người con trai Tày sinh tại làng Bản Vạn, (xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) tên khai sinh là Bế Nhật Toa. Lớn lên, Bế Nhật Toa được đi học tại Trường Tiểu học Pháp Việt rồi tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1940, Bế Nhật Toa cùng một số thanh niên huyện Hòa An, Hà Quảng lánh sang huyện Tịnh Tây, nương nhờ vào Trương Bội Công - Viên tướng của Tưởng Giới Thạch đang tổ chức lực lượng chuẩn bị cho "Hoa quân nhập Việt." Bác Hồ về Tịnh Tây đã khéo léo đưa 40 học viên này về làng Nặm Quang tổ chức lớp huấn luyện rồi đưa về nước hoạt động. 40 học viên, 40 cánh chim đại bàng tung bay trong bão tố cách mạng. Vân Trình về Pác Bó cùng ở cùng làm báo với Bác Hồ ở Khuổi Nặm, được Bác rất quý và tin yêu.

Vân Trình - Bế Nhật Toa, Người làm báo Việt Nam Độc Lập, người viết chữ ngược trên đá in báo, tổ chức phát hành báo... đã dành tất cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Tên anh được đặt cho tên một xã thuộc tỉnh Cao Bằng: Xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.