Nghệ An: Bí quyết học tập của những kỳ thủ Ngữ văn xứ Nghệ

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Nghệ An có 188 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên. Trong đó, em Hằng đạt điểm văn cao nhất toàn quốc với 9,75. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ bí quyết học và làm bài thi môn văn của những kỳ thủ văn chương xứ Nghệ.

Nữ sinh người dân tộc Thái – Hà Thị Vân
Nữ sinh người dân tộc Thái – Hà Thị Vân

Thủ khoa 9,75 điểm Ngữ văn: “Văn học dạy con người nhân văn hơn”

Em Phan Thị Hằng – thủ khoa môn Ngữ văn toàn quốc bên cạnh mẹ
Em Phan Thị Hằng – thủ khoa môn Ngữ văn toàn quốc bên cạnh mẹ 

Phan Thị Hằng (HS Trường THPT Đô Lương 2) là một trong 3 thí sinh đạt thủ khoa môn Ngữ văn toàn quốc với 9,75 điểm, không làm tròn. Với Hằng, em mê văn từ nhỏ, cảm thấy văn chương có một sức mạnh kỳ diệu, dạy con người cách sống nhân văn hơn.

Đề thi văn năm nay tạo cho em hứng thú khi làm bài. Vì em thích cái nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Ngoài ra, Cánh buồm ngoài xa cũng là tác phẩm em nắm rất vững kiến thức.

Riêng câu nghị luận xã hội, em cho rằng “Đất nước ta đã khơi dậy được nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều tiềm lực chưa được đánh thức. Nên rất cần sự chung tay của mọi người “đánh thức” phát huy những giá trị còn chưa được khai phá. “Nhưng quan điểm của em là không đánh đồng với việc đánh thức tiềm năng với việc đánh thức các tiềm lực của đất nước và khai thác quá mức các tiềm năng vốn có. Sự đánh thức đó phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, hoàn cảnh của xã hội”.

Bản thân Hằng cũng là một tấm gương tự lỗ lực đánh thức và khẳng định giá trị bản thân. Bố làm thơ xây, mẹ làm nông, hoàn cảnh vất vả, nên việc học của em hoàn toàn tự bản thân mình. Ngoài kiến thức dạy trên lớp, em không đi học thêm bất cứ đâu. Nhưng em vẫn giỏi đều tất cả các môn. Em cũng đăng ký nguyện vọng vào trường Trường Đại học Luật TPHCM và dự định sẽ cố gắng tìm việc làm thêm, giảm gánh nặng kinh tế cho bố mẹ.

Nữ sinh Hà Thị Vân (THPT DTNT số 2 Nghệ An) đạt 9,5 điểm: Tiết chế cảm xúc để bài văn trúng trọng tâm

Hà Thị Vân là nữ sinh người dân tộc Thái, đến từ xã Nậm Nhoóng – xã khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Nhưng từ nhỏ, em đã rất nỗ lực trong học tập và có niềm đam mê với môn Ngữ văn.

Em cũng thích viết truyện, sáng tác thơ, ghi lại những cảm xúc của mình. Điều đó tưởng chừng như là một thế mạnh để em học văn tốt hơn. Nhưng năm lớp 12, em giật mình nhận thấy: Tất cả các bài văn của mình, từ kiểm tra trên lớp, đến các cuộc thi, chưa bao giờ vượt quá 8 điểm.

Các thầy cô giáo cũng đã chỉ ra nhược điểm của Vân: Em bị trôi theo cảm xúc, “phiêu” quá, khiến cho bài văn của mình sa vào chi tiết, thiếu trọng tâm, hành văn trôi chảy nhưng đôi khi sáo rỗng.

Từ đó, em quyết tâm thay đổi cách học, cách viết của mình. Về kiến thức, em đọc kỹ các tác phẩm trong sách giáo khoa, chú ý nghe giảng. Về kỹ năng làm bài, luôn luôn lập dàn ý, có thể lập sơ đồ tư duy trong đầu, nhưng tốt nhất cứ vạch ra trên giấy để khỏi quên, bỏ sót ý.

Đồng thời tiết chế cảm xúc của mình, viết câu văn gọn gàng, súc tích, dùng từ chính xác hơn. Bên cạnh đó, Vân cũng vào mạng Internet, xem báo, cập nhật các tin tức thời sự, vấn đề nổi bật của xã hội, trong và ngoài nước… Từ đó, giúp em có hiểu biết nền tốt cho không chỉ môn Ngữ văn mà cả Lịch sử và Địa lý.

Nói về bài thi của mình, Vân chia sẻ: Em rất thích câu nghị luận xã hội. Tiềm năng đất nước rất quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Quan trọng nhất vẫn phải là yếu tố con người, chính con người là nhân tố hàng đầu để làm nên mọi thành công, trong đó có trách nhiệm của bản thân mình.

Hiểu bài học ngay trên lớp

Em Khánh Linh đạt 9,5 điểm Văn và 26,1 điểm khối D1

Em Khánh Linh đạt 9,5 điểm Văn và 26,1 điểm khối D1

Với Đặng Hoàng Khánh Linh (học sinh lớp 12D1 Trường THPT Anh Sơn 1) đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn là niềm vui quá lớn, vượt qua kỳ vọng của bản thân. ở thôn 6 xã Phúc Sơn, ngay sau khi em biết điểm thi. Bởi Khánh Linh không phải là học sinh chuyên văn, mà tiếng Anh mới là môn thế mạnh của em.

Linh chia sẻ: “Môn Văn là môn tự luận, dù hôm thi em đã cố gắng hết sức mình nhưng không nghĩ là kết quả cao đến thế”!

Linh cho biết phương pháp học tập của mình là chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài. Nắm vững kiến thức, cảm thụ tác phẩm ngay trên lớp. Nếu có vấn đề gì không hiểu, thì tìm đến thầy cô giáo để hỏi ngay.

Với Linh, môn Ngữ văn không phải là môn học thuộc để có thể đạt điểm cao, mà đòi hỏi cả về tư duy khoa học và cảm xúc. Dù có viết mượt mà đến đâu, mà không có ý, thì cũng chỉ là sự lan man không cần thiết.

Nữ sinh chủ yếu rèn luyện kỹ năng viết ở nhà, và qua các tác phẩm, bài viết hay đọc được trên mạng Internet. Thử làm các đề thi theo đúng thời gian quy định, với mỗi câu hỏi cùng mức điểm khác nhau, thì dành lượng thời gian, câu chữ phù hợp.

Nữ sinh cũng cho rằng, bài văn cần thể hiện được suy nghĩ, chính kiến của mình, nhất là ở đề nghị luận văn học. Đó là điều làm nên giọng văn, sự khác biết trong bài văn của mình với các bạn khác.

Được biết, ngoài môn Ngữ văn đạt 9,5 điểm, Khánh Linh còn đạt 8 điểm Toán, và 8,6 điểm tiếng Anh. Với tổng điểm 26,1 em cũng là thí sinh đạt điểm khối D cao nhất huyện Anh Sơn. Khánh Linh có nguyện vọng xét tuyển Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Lớp 12D1 Trường THPT Anh Sơn 1 cũng có đến 25 em xét tuyển đại học khối D điểm từ 20 trở lên; 17 em có điểm xét tuyển khối C từ 20 đến 23 điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ