Nghệ An: 3 người thiệt mạng do lũ

Nghệ An: 3 người thiệt mạng do lũ

(GD&TĐ)-Mưa to kéo dài trong 3 ngày qua đã khiến cho nhiều địa phương bị ngập lụt. Theo thống kê sơ bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó, Nghệ An đã có 3 người thiệt mạng do lũ quét.

fhg
Toàn huyện Con Cuông (Nghệ An) có 31 nhà dân bị ngập

Tại huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, mưa to kéo dài đã làm ngập lụt 11/13 xã, thị trấn trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn tại 3 xã: Thạch Ngàn, Mậu Đức và Đôn Phục đã xảy ra lũ quét làm chết 2 người, nhiều nhà dân bị sập, trôi. Hiện nhiều xóm, bản ở các xã này đang bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ.

Tại xã Thạch Ngàn,  hệ thống cầu, cổng cầu tràn và nhiều đoạn đường bị sạt lở nước chảy xiết gây ách tắc giao thông. Hiện ở xã Thạch Ngàn  có 5 bản bị chia cắt, cô lập là: Kẻ Tra, Kẻ Tắt, Bá Hạ, Thạch Sơn và bản Kẻ Da. Nghiêm trọng hơn là trong cơn lũ quét xảy ra vào sáng11/9 đã làm chết 2 người là chị Vi Thị Mùi 40 tuổi và cháu Vi Thị Dung 12 tuổi ở bản Kẻ Tắt. Thi thể của 2 nạn nhân đã được tìm thấy. Nhằm động viên chia sẻ với gia đình có người bị thiệt hại, Ủy ban nhân dân xã Thạch Ngàn trích 10 triệu đồng để hỗ trợ gia đình có người chết.

Đợt mưa lũ kéo dài cùng với nước nguồn đổ về nhiều đã làm cho 11/13 xã, thị trấn ở huyện Con Cuông bị ngập lụt. Toàn huyện có 31 nhà dân bị ngập, trong đó có 8 nhà bị nước cuốn trôi, đường giao thông bị sạt lở trên 40 km. Phai đập tạm bị cuốn trôi 19 cái, 13 đập kiên cố bị hỏng, kênh mương bê tông bị sạt 1. 200 m. Ước thiệt hại ban đầu do lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện Con Cuông gần 20 tỷ đồng.

Hiện nay, mực nước ở các sông, suối trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang tiếp tục dâng cao, trời chưa tạnh mưa. Để đối phó với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra, huyện Con Cuông đã điều động các lực lượng Công An, Quân đội để cùng nhân dân khắc phục hậu quả.

Tại thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An,  mưa lũ đã làm 7 hồ đập bị sạt lở và 3 hồ đập bị tràn đê, cuốn trôi 1 ngôi nhà, hơn gần 1500 m đường giao thông liên xã bị sạt lở. Nước Sông Hiếu dâng nhanh làm nhiều tuyến đường giao thông và nhiều xóm ở xã Nghĩa Thuận và xã Nghĩa Tiến bị cô lập, tắc nghẽn. Tin từ công an xã Nghĩa Yên cho biết, lực lượng chức năng đã trục vớt được xác ông  Hoàng Văn Quý do hồ đập bị vỡ vì mưa lớn kéo dài.

Tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh):Do ảnh hưởng của mưa lớn trong mấy ngày qua, mực nước tại Sông Cả Nam Đàn (Nghệ An) ở mức báo động 2 và ảnh hưởng trực tiếp đến các xã ngoài đê của huyện Đức Thọ.

Trong đó, 100/150 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch bị ngập nước, chủ yếu tập trung ở các xã như: Đức La 36 ha, Đức Quang 32 ha, Đức Vĩnh 20 ha.

Một số tuyến đường đến trung tâm các xã: Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu cũng bị chia cắt.

Theo dự báo trong 24 giờ tới, lũ hạ lưu trên các sông ở Hà Tĩnh, Nghệ An tiếp tục lên, ảnh hưởng trực tiếp đến 7 xã ngoài đê của huyện Đức Thọ.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 12/9, lãnh đạo huyện Đức Thọ đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ, đồng thời yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án đối phó với tình hình lũ lớn, có nguy cơ sạt lở bờ sông. Trước mắt, huy động mọi nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu.

Cũng trong chiều 12/9, các địa phương bị ngập lụt như: Đức La, Đức Quang, Đức Vĩnh đã huy động cán bộ, hội viên hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên giúp bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu với quyết tâm giảmmức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất hè thu

Tỉnh Thanh Hóa:Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh: tính đến cuối ngày 12/9, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn ha lúa màu bị ngập, trong đó có 6.473 ha lúa mùa có khả năng mất trắng và hơn 6.000 ha lúa bị giảm năng suất do bị ngập trong nước đúng thời điểm lúa đang trổ bông và phơi màu; hơn 110 ha mía bị ngã đổ; 1.128 ha hoa màu các loại bị ngập úng. Một số địa phương bị thiệt hại nặng như: Tĩnh Gia có hơn 4.000 ha lúa bị ngập, Triệu Sơn 350 ha, Nông Cống 300 ha, Như Thanh, Như Xuân trên 100 ha...; ngoài ra còn 714 hộ dân bị ngập; khoảng 3.900 m3 hồ đập và 22.000 m3 đê điều bị sạt lở, 561ha nuôi trồng thủy sản bị tràn…, ước tính thiệt hại khoảng 385 tỷ đồng.

Tại huyện Triệu Sơn, mưa lớn cũng đã khiến gần 400 ha lúa mùa đang vào thời kỳ làm bông của huyện bị ngập lụt, trong đó có khảng 150 ha nằm trong diện mất trắng. Các xã bị thiệt hại nặng nề như: Tân Ninh (50 ha), Thọ Thế (20 ha), Dân Quyền (30 ha), Đồng Tiến (30 ha)… Khó khăn lớn nhất mà huyện đang phải đối mặt hiện nay là khả năng tự tiêu úng của hệ thống kênh mương là rất thấp. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục gây mưa lớn, diện tích lúa bị ngập sâu trong nước sẽ tiếp tục tăng là điều không thể tránh khỏi.

Mưa lớn khiến cho giao thông dọc quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Tĩnh Gia, Hà Trung gặp khá nhiều khó khăn. Tỉnh lộ 512 nối QL1A chạy qua địa bàn Tĩnh Gia đi huyện miền núi Như Thanh, Nông Cống đã bị chia cắt bởi nước lũ. Cũng tại TP.Thanh Hóa, nhiều tuyến đường phố bị ngập cục bộ như: ngã tư Tô Vĩnh Diện-Bà Triệu; ngã ba Phan Chu Trinh-Dương Đình Nghệ; Trường Thi; Nguyễn Trãi...

Mưa lớn cũng khiến cho mực nước ở một số hồ đập lớn trên địa bàn như hồ Cửa Đạt, hồ Asen, hồ Hao Hao, hồ sông Mực… đã ở mức tương đối cao và bắt đầu chu trình xả tràn. Trong đó mực nước tại hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt đã đạt 99,07 m, vượt cao trình xả tràn gần 2 m nước. Hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các công trình đang thi công. Tiến hành sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng ngập lụt đến nơi an toàn, có phương án hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng đói rét.

Sản xuất vụ 3 năm nay không thuận lợi ngày từ đầu vụ đã gặp mưa bão thường xuyên, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, do ảnh hưởng mưa lũ trong những ngày gần đây đã làm ngập úng trên các cánh đồng làm sạt lở tuyến đê bao xã Phú Hữu (huyện An Phú) làm mất trắng 2,4 ha lúa và gãy trụ điện, gây mất điện tại huyện Thoại Sơn nên không thể bơm rút nước kịp thời, làm mất trắng 10.000 ha lúa phải gieo sạ lại. Trong những ngày này trên địa bàn tỉnh An Giang có mưa lớn liên tục, làm mực nước trên các sông rạch đang tiếp tục lên nhanh. Tỉnh An Giang đã huy động toàn bộ lực lượng chiến sĩ quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, dân phòng cùng với ngành nông nghiệp phòng ngừa bảo vệ lúa và hoa màu vụ 3.

Hiện, toàn tỉnh đã cơ bản xuống giống dứt điểm trên 130.900 ha lúa vụ 3 theo kế hoạch, trong đó mở mới 28.653 ha lúa và hoa màu. Nông dân An Giang đang rất lo ngại với thời tiết mưa lũ liên tục hiện nay và còn trình trạng giá lúa đang ở mức cao nên nông dân huyện biên giới Tịnh Biên đã tự phát xuống giống vụ 3 ngoài vùng đê bao không an toàn.

Tỉnh Khánh Hòa đang tích cực chuẩn bị công tác phòng chống bão lụt (PCBL), sẵn sàng đón mùa mưa bão trong năm nay. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã kiện toàn Ban chỉ huy PCBL các cấp, 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã rà soát lại phương án PCBL với phương châm "4 tại chỗ" để phù hợp với từng đia phương và tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.

Ban chỉ huy PCBL tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa nước phải xây dựng phương án PCBL và đảm bảo an toàn vùng hạ lưu cho riêng từng hồ. Đồng thời, bắt đầu từ tháng 9, Ban quản lý các hồ phải báo cáo mực nước hồ, lượng nước xả, lưu lượng nước... từng ngày về cho Ban chỉ huy PCBL cấp tỉnh. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công tích cực tu sửa, gia cố các tuyến đường trước mùa mưa lũ năm nay. Riêng về tỉnh lộ 9 sạt lở nặng ở mùa mưa năm ngoái và đang được tu sửa gần 56 km, đường được nâng cấp từ 1 làn thành 2 làn xe để tránh ách tắc giao thông nếu có sự cố xảy ra. Các cống hộp trên tuyến đường này cũng được nâng khẩu độ, mở rộng, gia cố, khơi dòng. Riêng cầu Sơn Bình nối 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn (Khánh Sơn) bị cuốn trôi trong đợt lũ năm ngoái vẫn chưa khắc phục được, Sở đã chỉ đạo làm một đường tránh để người dân đi lại.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người dân không được chủ quan với mưa lũ, phải cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên; chuẩn bị lương thực, thực phẩm và phương án di dời tài sản; đồng thời các tàu thuyền phải chấp hành hiệu lệnh của bộ đội biên phòng, không ra khơi khi thời tiết xấu.

Các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa và Đức Huệ ( Long An) đã huy động gần 2 tỷ đồng để gia cố đê bao ngăn lũ bảo vệ an toàn cho vùng chuyên canh mía.

Hiện nay, mực nước lũ ở các huyện đầu nguồn của tỉnh là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa cao hơn từ 0,7 -1,7 m so với cùng kỳ. Để chủ động phòng chống lũ, các huyện nằm dưới nguồn lũ là Đức Hòa, Bến Lức, Đức Huệ và Thủ Thừa đã tích cực huy động nhân dân đóng góp, lao động gia cố được gần 500 km đê bao nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để ngăn nước lũ từ các huyện đầu nguồn đổ xuống và triều cường dâng tràn vào bảo vệ an toàn cho hơn 13.500 ha mía. Riêng huyện Bến Lức huy động hơn 1 tỷ đồng, thuê phương tiện cơ giới gia cố hơn 200 km đê bao, bảo vệ an toàn cho gần 9.000 ha trong mùa lũ năm nay.

Hai nhà máy đường Hiệp Hòa và Bến Lức tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 40-50% diện tích để cung ứng phân bón, hỗ trợ vốn cho bà con gia cố đê bao phòng chống lũ, đẩy mạnh thâm canh. Nhờ vậy đến nay bà con đã hoàn thành việc chăm bón phân cho 100% diện tích.

Nguyễn Sơn-Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.