Ngành “hot” ở thì hiện tại

GD&TĐ -Cuộc sống ngày càng hiện đại, công nghiệp ngày càng phát triển thì những áp lực về tâm lý và xã hội mà con người phải chịu đựng ngày càng nhiều. Những chứng bệnh của thời hiện đại như trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… đã không còn quá xa lạ nữa. 

Ngành “hot” ở thì hiện tại

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta tìm đến các chuyên gia về tâm lý, nhờ họ tư vấn và cho lời khuyên, giúp ta giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Đó cũng là lý do để tâm lý học trở thành một trong những ngành “hot” nhất trên thế giới, nhất là đối với các nước phát triển.

Bạn có phù hợp với ngành học này?

Ở các nước phát triển, tâm lý học đã xuất hiện từ rất lâu. Để trở thành người tư vấn tâm lý, bạn phải học các chuyên ngành về tâm lý học hoặc những ngành gần với tâm lý học như tâm lý học sư phạm và xã hội học. Nghề tư vấn tâm lý ngoài chuyên môn, còn cần phải: Có khả năng lắng nghe và động viên người khác bộc bạch tâm sự; Có khả năng cảm nhận và phán đoán tình huống; Có khả năng diễn đạt vừa tình cảm vừa thuyết phục…

Bạn đam mê việc tìm hiểu về mọi người? Bạn thích thú việc lý giải tại sao chúng ta lại hành xử thế này mà không hành xử thế kia? Nếu vậy thì học ngành Tâm lý là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Tuy nhiên, một khóa học Tâm lý học không chỉ đòi hỏi phải có đam mê với môn học, mà còn cần những kĩ năng phân tích, hiểu và biết cách áp dụng các lí thuyết tâm lí vào thực tế cuộc sống. Sinh viên ngành Tâm lí học sẽ có tố chất chăm chỉ, năng động, có khả năng tự học độc lập và thực hiện những nghiên cứu cá nhân ngoài giờ học.

Nếu thực sự đam mê và có mong muốn làm việc trong môi trường giao tiếp giữa người với người, ngành Tâm lý học là cơ hội tuyệt vời có thể đưa bạn đi đến tất cả mọi nơi, tất cả mọi ngóc ngách của cuộc sống để có thể trải nghiệm, tự khẳng định mình, lắng nghe và chia sẻ, nhận được sự chú ý và chào đón của nhiều người, mang đến cho cuộc sống nhiều điều tốt đẹp. Thực tế cho thấy, tâm lý học ứng dụng đã và đang ngày càng phát triển, giúp cho nhiều người có thể hoàn thiện bản thân mình hơn, thấu hiểu được tâm lý người đối diện và người cùng giao tiếp là chìa khóa vàng để bạn có thể thành công trong tất cả các lĩnh vực: Tâm lý lâm sàng; Nhận thức tâm lý học: bộ nhớ; Nhận thức tâm lý học: trí thông minh; Tâm lý học phát triển; Tâm lý học tiến hóa; Tâm lý học y tế; Bác sỹ tâm lý; Tâm lý học, Xã hội.

 

Đòi hỏi và thách thức của nghề

Bất cứ ngành nghề nào cũng có những đòi hỏi những kỹ năng nhất định. Với nghề tâm lý lại càng cần phải khắt khe và chuyên biệt hơn như: Có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày.Trung thực, tôn trọng người khác, khách quan, không nhận xét, đánh giá đối với những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm, cởi mở. Phải chịu được áp lực cao trong công việc, rèn luyện tính kiên nhẫn, biết lắng nghe, có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề… Và còn rất nhiều những yêu cầu khác mà một người phải đáp ứng đủ nếu muốn trở thành một chuyên gia tâm lý.

Bên cạnh ánh hào quang khi được nhiều người ngưỡng mộ, những bạn trẻ mới vào nghề tâm lý học nếu không biết tự nâng cao, hoàn thiện chính mình, chịu khó học hỏi những anh chị, thầy cô đi trước, không tập trung chú ý quan sát những hiện tượng của xã hội và cuộc sống, không có đủ sự nhạy cảm, trí thông minh cảm xúc, không có sức khỏe tốt, và một chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ bị tự đào thải ngay với nghề. Bên cạnh đó, một giọng nói chuẩn, tròn vành rõ chữ, một ngoại hình ưa nhìn, sự nhạy bén, linh hoạt, tư duy logic, khả năng thấu hiểu, là những điều kiện cần với những ai muốn thành công trong lĩnh vực tâm lý học.

 

Cơ hội nghề nghiệp

Tâm lý học đường chính là một trong những ngành sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. Thế nhưng hiện nay mỗi năm các trường có đào tạo ngành Tâm lý chỉ tuyển một số lượng nhỏ sinh viên vào khoa này vì cơ bản đây là một ngành kén người học, đòi hỏi cao, đặc biệt là người học phải đáp ứng những kỹ năng mềm cần có… Bởi vậy, rất có thể chuyên viên tâm lý sẽ trở thành một trong những nghề “hot” trong vài năm tới.

Trong nhận thức của nhiều người, người học tâm lý sau khi ra trường chỉ có thể trở thành bác sĩ tâm lý (chuyên gia tư vấn tâm lý). Nhưng thực chất tâm lý là một ngành học có đầu ra rất rộng, những người được đào tạo cơ bản về tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực như: Trong các cơ sở đào tạo (làm giảng viên giảng dạy tâm lý học tại các trường cao đẳng, đại học..), trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các viện tâm lý học, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước…), trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý (làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu...).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ