* Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Từng là chuyên gia tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng; PGS có nhận xét gì về phổ điểm năm nay? Với phổ điểm này PGS dự đoán điểm xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng sẽ thay đổi như thế nào?
- Phổ điểm năm có sự phân hóa rõ nét. Mặc dù phổ điểm nằm cơ bản ở điểm trung bình; nhưng những điểm cao từ 8 trở lên cũng khá phổ biến. Điều đó cho thấy, kỳ thi đã đạt được 2 mục đích là: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Như vậy cơ hội xét tuyển cho các trường vẫn đảm bảo.
Xét riêng về phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển, chẳng hạn tổ hợp A0, A1, thì điểm năm nay của từng môn thấp hơn điểm trung bình của những năm trước, dẫn đến phổ điểm của tổ hợp cộng lại thấp hơn vài ba điểm. Do đó, ngưỡng xét tuyển của một số trường có thể giảm, đơn cử như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có thể sẽ giảm từ 2 đến 2,5 điểm.
Nếu căn cứ vào điểm trúng tuyển và ngưỡng xét tuyển của các trường năm ngoái, thì thí sinh có thể sẽ băn khoăn. Ví dụ như năm ngoái một số ngành của Bách Khoa Hà Nội lấy 28 điểm mới đỗ, điển hình như ngành Công nghệ thông tin, nhưng năm nay ngành này có thể sẽ giảm 3 điểm.
Từ tình hình thực tế, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến đưa ra ngưỡng xét tuyển thấp hơn năm ngoái.
Theo tôi, với những thí sinh được 23 đến 24 điểm hoàn toàn có thể tin tưởng đăng ký vào các ngành nằm trong top cao của các trường đại học có uy tín.
* Hiện nay, các thí sinh đã biết điểm của mình và các em sẽ được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Vậy PGS có lời khuyên gì cho các thí sinh?
- Thực ra cơ hội vào đại học của các em năm nay rất nhiều. Vấn đề là các em có chọn được đúng ngành nghề mong muốn hay không? Giờ muốn vào đại học thì dễ nhưng chọn được ngành nghề, trường học mình yêu thích hay không để sau này có cơ hội xin việc làm mới là quan trọng. Do đó các em cần cân nhắc thật kỹ.
Các em cần căn cứ vào điểm của mình, căn cứ vào điểm xét tuyển của những năm trước. Dự báo so với năm ngoái thì năm nay điểm chuẩn của các trường sẽ giảm khoảng 3 điểm.
Vì vậy, theo tôi, việc đầu tiên là các em phải dựa trên ngành nghề mà các em thích và sở trường của các em. Giả sử ngành mình thích nhưng điểm đầu vào lại cao mình không đủ điểm để vào. Lúc này các em sẽ phải cân đối giữa sở thích, nguyện vọng của mình với năng lực hiện có (tức là căn cứ vào số điểm thực tế của mình).
Thứ hai là phải căn cứ vào điểm và căn cứ vào tình hình xét tuyển của các trường. Hiện nay, thông tin về tuyển sinh của các trường khá là rõ ràng minh bạch; đặc biệt là công tác tư vấn tuyển sinh được các trường rất quan tâm, chú trọng.
Vì thế các em có thể tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau đó mới xem xét thay đổi nguyện vọng hoặc đăng ký bổ sung. Tôi khuyên các em hãy chọn các nguyện vọng phù hợp nhất với bản thân.
Ví dụ: Các em thích ngành công nghệ thông tin, hiện nay có rất nhiều trường tốp cao đào tạo ngành này. Vì vậy các em có thể chọn ngành mình thích nhưng ở các trường khác nhau để đăng ký xét tuyển.
* Theo dự đoán của PGS, năm nay điểm đầu vào của các trường top đầu có thể giảm từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái. Điều này có khó khăn cho các trường top dưới trong công tác tuyển sinh hay không – thưa PGS?
- Những trường tốp dưới cũng không phải lo ngại về nguồn tuyển, vì năm nay Bộ không đưa ra “điểm sàn” xét tuyển. Hơn nữa, năm nay nguồn tuyển xác định khoảng 400 nghìn thí sinh nhưng không có nghĩa là các trường tốp trên hạ điểm vét hết thí sinh của các trường tốp dưới.
Trường tốp trên cũng chỉ tuyển một số lượng nhất định các thí sinh ở tốp trên và các trường tốp dưới vẫn sẽ tuyển được những thí sinh phù hợp. Bộ chỉ yêu cầu các trường không “vơ bèo vạt tép” và tuyển sinh bằng mọi giá.
Như vậy các em có thể chọn một trường các em yêu thích hay chọn một ngành các em yêu thích theo phổ điểm rất khác.
Xin cảm ơn PGS!