Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết đại dịch đã khoét sâu bất bình đẳng trong giáo dục, gây ra cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tế nhất trong một thế kỷ qua.

Trường học đóng cửa khiến tỷ lệ trẻ bỏ học tăng cao. Ảnh: INT.
Trường học đóng cửa khiến tỷ lệ trẻ bỏ học tăng cao. Ảnh: INT.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đề xuất những khuyến nghị dành cho chính phủ, nhà hoạch định chính sách các nước tăng cường hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

70% trẻ em học tập sa sút

Tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo phân tích kết quả học tập và tác động của Covid-19 lên việc học của trẻ em thế giới. Kết quả cho thấy khoảng 70% trẻ em 10 tuổi ở các quốc gia thu nhập trung bình, thấp, không thể hoàn thành đọc một văn bản cơ bản, tăng so với trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Con số này là kết quả của tình trạng đóng cửa trường học kéo dài, kết quả học tập kém mặc dù chính phủ các nước đã nỗ lực tổ chức học tập từ xa. Ở nhiều nước trong nhóm thu nhập trung bình, thấp, trường học đã đóng cửa 200-250 ngày; số khác chưa mở cửa trở lại.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong những tháng cuối năm, tỷ lệ trẻ em học tập sa sút tăng 17% so với đầu năm (10%). Trước đại dịch, tỷ lệ trẻ em sa sút trong học tập đạt 53%, ước tính tăng lên 63% vì dịch Covid-19 nhưng con số thực tế là 70%.

Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: INT.
Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: INT.

Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Hàng trăm triệu trẻ em đã mất ít nhất một năm học trực tiếp do Covid-19. Đại dịch đã tạo nên sự mất mát lớn cho nguồn nhân lực và gây ra cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tế nhất trong một thế kỷ qua”.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khẳng định việc trẻ em, đặc biệt các em ở lứa tuổi tiểu học, được đến trường là vô cùng quan trọng. Hậu quả của việc đóng cửa trường học có thể kéo dài nhiều thập kỷ, góp phần khoét sâu bất bình đẳng như khoảng cách giữa nam và nữ.

Ngân hàng Thế giới đã tìm thấy nhiều bằng chứng thực tế từ các quốc gia trên thế giới. Đơn cử, tại bang Sao Paulo, Brazil, học sinh lớp 3 lên lớp 5 trở lại trường sau gần 2 năm học trực tuyến chỉ có trình độ học lớp 3. Những kết quả ảm đạm tương tự được ghi nhận ở tỉnh Western Cape, Nam Phi và bang Karrnataka, Ấn Độ.

Ngoài ra, ước tính 350 triệu trẻ em trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng Covid-19 không được tiếp cận bữa trưa học đường. Từ đó, gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tổn hại đến sự phát triển nhận thức, ngôn ngữ cũng như thể chất của các em. Giữa các nhóm tuổi khác nhau, tác động nặng nề nhất là đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học.

Nhiều học sinh vĩnh viễn tụt hậu vì các em không trở lại trường học sau dịch. Ở quốc gia Đông Phi, Kenya, từ tháng 2/2021, 1/3 trẻ em gái vị thành niên và 1/4 trẻ em trai vị thành niên, trong độ tuổi 15-19, bỏ học. Xu hướng này cũng được ghi nhận ở châu Phi khi dịch Ebola hoành hành.

Học sinh, phụ huynh cần được hỗ trợ tâm lý trong thời gian học trực tuyến. Ảnh: INT.
Học sinh, phụ huynh cần được hỗ trợ tâm lý trong thời gian học trực tuyến. Ảnh: INT.

Khuyến nghị cho các nhà trường

Để đối phó với cuộc khủng hoảng giáo dục ngày càng sâu rộng, Ngân hàng Thế giới đã tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển với các dự án tiếp cận ít nhất 432 triệu học sinh, 26 triệu giáo viên, lần lượt chiếm 1/3 số học sinh, 1/4 giáo viên ở các quốc gia đối tác. Trong 2 năm vừa qua, nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới lên tới 11,5 tỷ USD.

Bên cạnh giúp đỡ trực tiếp, các chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới đã họp bàn, thảo luận và đưa ra những khuyến nghị dành cho chính phủ, các nhà trường trong việc tổ chức học trực tuyến hiệu quả.

Ông Amer Hason, Nhà kinh tế cao cấp và thực hành giáo dục toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, cho biết: Một số chính phủ tổ chức học tập trực tuyến nhưng nhiều học sinh không thể tiếp cận giải pháp này do thiếu thiết bị, hạn chế kết nối Internet. Điều này dẫn đến giảng dạy thiếu đồng đều hoặc làm trầm trọng thêm bất bình đẳng hiện có.

Theo ông Amer, hơn 18 tháng qua đã cung cấp một số bài học làm căn cứ để phát triển giáo dục trực tuyến cho tương lai. Ông Amer khuyến nghị chính phủ, các nhà trường, các nhà hoạch định chính sách trong giáo dục chú trọng 5 lưu ý.

Đầu tiên, học trực tuyến là việc thiết lập tương tác hai chiều có ý nghĩa. Việc ứng dụng công nghệ trong dạy và học phải phù hợp với bối cảnh địa phương. Chương trình giảng dạy phải điều chỉnh để tạo nên sự tương tác hiệu quả giữa học sinh và giáo viên.

Nhấn mạnh việc học từ xa phải phù hợp với mục đích, chuyên gia cho rằng các quốc gia phải tính đến khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ của giáo viên, học sinh, bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật số. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải lưu ý khả năng truy cập Internet, cơ hội của giáo viên để phát triển các năng lực kỹ thuật và sư phạm cần thiết cho việc giảng dạy từ xa.

Học sinh trở lại trường sau 18 tháng học trực tuyến. Ảnh: INT.
Học sinh trở lại trường sau 18 tháng học trực tuyến. Ảnh: INT.

Nhà trường thu hút, hỗ trợ phụ huynh, học sinh với tư cách đối tác trong quá trình dạy và học. Bị cô lập do trường học đóng cửa, gia đình phải phối hợp cùng nhà trường hỗ trợ học sinh tiếp cận cơ hội học tập từ xa, đảm bảo việc học tập liên tục, không bị gián đoạn. Gia đình không nên giao khoán việc học từ xa của con em cho nhà trường.

Đồng thời, giáo viên, học sinh và phụ huynh rát cần được hỗ trợ xã hội, hỗ trợ tâm lý để đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất. Từ đó, cùng nhau đạt được những kết quả học tập tích cực.

Cuối cùng, các chương trình tái trang bị, chương trình học tăng tốc giúp học sinh củng cố kiến thức thiếu hụt do học trực tuyến cần được giám sát, tổ chức cẩn thận, hướng đến từng đối tượng, trình độ của học sinh. Không chỉ trang bị kiến thức, nhà trường cần theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, đánh giá nhu cầu, trải nghiệm của học sinh.

Bà Mamta Murthi, Phó Chủ tịch Phát triển Con người tại Ngân hàng Thế giới, đánh giá: “Những mất mát trong giáo dục đảo ngược nguồn vốn nhân lực, đe doạ sự phát triển của thế giới trong tương lai. Các quốc gia phải xây dựng kế hoạch tham vọng, quyết liệt trên quy mô lớn để khắc phục những tổn thất này. Đặc biệt, cần tập trung vào nhóm dân cư thiệt thòi nhất như trẻ em gái, trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.