Tương tác với phụ huynh học sinh qua group: Giáo viên làm gì để tránh “stress”?

GD&TĐ - Để thuận tiện việc thông tin với phụ huynh học sinh, nhiều giáo viên tận dụng mạng xã hội tạo thành các group để liên lạc.

Cần có nội quy và chuẩn mực cụ thể cho những trao đổi trên nền tảng CNTT giữa giáo viên và phụ huynh. Ảnh minh họa
Cần có nội quy và chuẩn mực cụ thể cho những trao đổi trên nền tảng CNTT giữa giáo viên và phụ huynh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sự thuận tiện này cũng tạo cho giáo viên không ít phiền toái, thậm chí là stress.

Nhắn tin hỏi mọi lúc

Bắt đầu năm học mới, cô Lê Thị Hoàng Yến - giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TPHCM) kế thừa group Zalo phụ huynh học sinh do cô giáo chủ nhiệm lớp 1 chuyển lại. Từ khi nhận group Zalo này cô rất mệt mỏi, bởi phụ huynh hay thắc mắc, đặt câu hỏi mọi lúc mọi nơi. Một lớp hơn 40 học sinh, chỉ cần mỗi phụ huynh đặt 1 câu hỏi, cô giáo trả lời cũng đủ mệt.

“Tuần đầu dạy online tôi thực sự rất stress. Khi giáo viên gửi thời khóa biểu là nhiều phụ huynh vào group lớp, người thì yêu cầu cô dạy buổi sáng do chiều anh cháu học online, người nói cô dạy buổi chiều do chị cháu học online buổi sáng… Thậm chí có phụ huynh hỏi giáo viên sao không dạy online bằng ứng dụng Zoom mà lại đi dạy trên Google Meet…”, cô Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.

Cô Yến cho rằng, việc dạy trực tuyến thì lệ thuộc nhiều thứ vào kỹ thuật như mạng Internet, cấu hình máy tính… đồng thời, học sinh còn nhỏ nên cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phụ huynh rất nhiều. Thậm chí khi đường truyền bị yếu hay cô giáo bị văng ra khỏi lớp online là nhiều phụ huynh nhắn vào group chất vấn…

Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa tham gia chống dịch, vừa dạy online.
Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa tham gia chống dịch, vừa dạy online.

Khi chưa có group Zalo, mỗi lần có thông báo gấp, cô B.V (giáo viên Trường Kim Đồng, Quận 6, TPHCM) phải ngồi mở danh bạ ra nhắn tin cho từng phụ huynh rất cực.

“Từ khi có group, tương tác với phụ huynh học sinh tốt hơn nhưng nó cũng kéo theo phiền phức. Phụ huynh có thể nêu thắc mắc bất cứ lúc nào thậm chí 23 giờ phụ huynh cũng nhắn tin hỏi. Giáo viên không phản hồi kịp lại bị trách móc. Thậm chí có phụ huynh đưa máy cho học sinh nghịch gửi rất nhiều hình gia đình vào goup…”, cô B.V chia sẻ.

Cô M.Q (giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Thái Hưng, Quận 8, TPHCM) nhiều lần bị rơi vào tình trạng bị hỏi nhiều quá trong group nên năm học này khi nhận lớp cô không sử dụng group cũ của lớp mà tạo một group phụ huynh mới.

“Ở group mới, tôi chỉ trao quyền cho trưởng nhóm và phó nhóm là cô dạy tiếng Anh được quyền gửi tin nhắn trong group, còn phụ huynh chỉ thể hiện cảm xúc bằng các icon…”, cô M.Q chia sẻ.

Một group phụ huynh học sinh của giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM.
Một group phụ huynh học sinh của giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM.

Làm sao để thoải mái?

Theo cô Trần Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3, Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), việc tạo group Zalo phụ huynh học sinh tạo thuận tiện trong việc liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh bùng phát tại TPHCM mấy tháng vừa qua, học sinh không thể trở lại trường và học trực tuyến thì group Zalo với phụ huynh phát huy nhiều tác dụng.

Thông qua nhóm chat, giáo viên tiết kiệm được thời gian khi chỉ cần soạn một thông báo là cả lớp nhận được. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng hỏi đáp dễ dàng hơn. Nhóm chat giúp giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh một cách nhanh chóng. Chỉ cần một người có câu hỏi, giáo viên và các phụ huynh khác nếu biết đều có thể trả lời ngay và cả nhóm nắm được thông tin hữu ích.

Tuy nhiên, theo cô Hà, phụ huynh thì chín người mười ý, do đó để quản lý group mà không bị phiền toái cũng cần tính toán. “Trên thực tế khi tạo group phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm nên có thống nhất chung với phụ huynh của lớp. Khi giáo viên có thông báo phụ huynh chỉ cần like, thả tim, nếu cần hỏi thêm nhắn riêng cho cô, tránh bình luận, trao đổi trực tiếp trên nhóm để trôi tin nhắn các phụ huynh khác không thể xem...”, cô Trần Thị Hà chia sẻ.

ThS Lê Thị Hồng Anh – đồng tác giả Dự án Chuyến xe Trải nghiệm dành cho học sinh thành phố, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt – TPHCM, cho rằng, chúng ta cũng nên xem group thông tin được giáo viên lập ra là để truyền tải thông tin chung một cách nhanh nhất.

Và đây là nhóm chung nên phụ huynh học sinh cũng nên tôn trọng mọi người trong group và chủ yếu là để có thông tin, nếu cần thiết trao đổi nhiều hơn phụ huynh nên hẹn thời gian để trao đổi với giáo viên thay vì chúng ta nói chung vào group. Vấn đề trao đổi, lời lẽ trao đổi cũng nên cân nhắc vì nó sẽ phản ánh tinh thần và thái độ giao tiếp giữa phụ huynh học sinh với giáo viên.

Với giáo viên, ThS Lê Thị Hồng Anh cho rằng: Khi thiết lập hệ thống kênh thông tin đến phụ huynh học sinh cũng cần thận trọng, cân nhắc và nắm được quy tắc quản lý và thực hiện kênh thông tin do mình lập ra sao cho hiệu quả. Giáo viên có thể cấp quyền chỉ có thầy cô mới có thể đưa thông tin vào group, phụ huynh chỉ là người tiếp nhận thông tin.

Hiện nay trên ứng dụng các group đều có chức năng này. Giáo viên cũng nên trau chuốt nội dung, thông tin trước khi đưa vào group “thông tin phải ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu đôi khi còn phải khoa học nữa”. Giáo viên cần phải biết cách xử lý thông tin, các câu hỏi, những thắc mắc của phụ huynh một cách bình tĩnh, chỉn chu, chuẩn mực để tránh tạo áp lực cho phụ huynh và điều không hay cho bản thân mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ