Cùng dự có bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Võ Kiều Dung, Chuyên gia giáo dục cao cấp, Chủ nhiệm Chương trình ETEP và các thành viên, đại diện các vụ/cục thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện 8 trường ĐH sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chươngtrình ETEP; đại diện một số Sở GD&ĐT.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, 6 trường đại học tham gia ETEP ở các khu vực ngoài Hà Nội và các sở GD&ĐT tham gia cuộc họp theo hình thức online.
Đây là đợt hỗ trợ kỹ thuật định kỳ của Ngân hàng Thế giới nhằm rà soát tiến độ thực hiện Chương trình ETEP, tiến độ tăng cường năng lực các trường sư phạm, tiến độ bồi dưỡng thường xuyên, thực hiện báo cáo TEMIS và việc triển khai bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Chương trình ETEP - cho biết: Tính đến tháng 6/2021, Chương trình ETEP đã đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó, năng lực của các trường đại học sư phạm chủ chốt và các đơn vị quản lý giáo viên cấp trung ương được tăng cường. Các hoạt động phát triển năng lực được tổ chức hiệu quả. Đã có 6 báo cáo tự đánh giá được hoàn thiện, gửi Đoàn kiểm đến độc lập IVA kiểm đếm, xác thực. 51 chương trình đào tạo đang được tiến hành nghiệm thu cấp Bộ. Đã xây dựng và dự kiến ký kết điều chỉnh thỏa thuận thực hiện Chương trình vào 15-20/7/2021.
Về phát triển tài liệu: Hiện Chương trình đang phát triển tài liệu bồi dưỡng các mô đun 4-9, cập nhật các mô đun 1-3. Việc xây dựng tài liệu bồi dưỡng thực hiện theo đúng quy trình và chú trọng đến việc tham vấn các bên liên quan, bảo đảm chất lượng tài liệu. Các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến cho mô-đun 1-2-3 được hoàn thiện thêm dựa trên phản hồi của người học. Hoàn thành kịp thời và chất lượng tài liệu bồi dưỡng/khóa học trực tuyến cho các mô-đun 4, 5 và mô-đun 9. Chương trình ETEP đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng bổ sung giáo viên cốt cán, hướng dẫn bồi dưỡng trong dịch bệnh Covid-19.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS bảo đảm kết nối với hệ thống TEMIS để các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến có căn cứ kỹ thuật triển khai xây dựng hệ thống LMS. Các sở GD&ĐT đã lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp thường xuyên.
Kết quả cụ thể, 31 ngàn cốt cán hoàn thành 3 mô đun (1, 2, 3), đạt 100% khối lượng công việc. Tính đến 30/6/2021, có 23.051 giáo viên, cán bộ quản lý đã hoàn thành 2 mô đun và 431.671 giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành 3 mô đun. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành bồi dưỡng mô đun 4 trước 15/9/2021; mô đun 5 và 9 trước 31/10/2021.
Các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được truy cập các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các nguồn học liệu thông qua hệ thống CNTT. Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, các nhân phát triển hệ thống LMS theo hình thức xã hội hóa.
Đã có 52 sở GD&ĐT đã triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý học tập, bồi dưỡng thường xuyên trên hệ thống LMS, 1 sở GD&ĐT chuẩn bị triển khai. Việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ tuân thủ đúng quy trình bảo đảm chất lượng. 90% sở GD&ĐT đã hoàn thành công bố báo cáo TEMIS năm 2020. Năm 2021, hơn 40% sở GD&ĐT đánh giá trên hệ thống TEMIS - đạt trên 70%.
Khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ETEP là dự án hết sức quan trọng của Bộ GD&ĐT, nhất là khi Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình đề ra các kết quả chủ yếu: Năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của các trường đại học sư phạm/học viện được lựa chọn được tăng cường;
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ;
Các trường đại học sư phạm được hỗ trợ phát triển hệ thống nguồn học liệu mở cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên nền tảng CNTT được thực hiện kịp thời, có chất lượng;
Nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá trên hệ thống TEMIS hiệu quả, chính xác và kịp thời.
Với sự phối hợp sâu sát của Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng đánh giá triển khai Chương trình ETEP trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; công tác kiểm đếm của các trường đại học cũng có bước tiến triển. Tuy nhiên, cũng có những công việc cần đôn đốc mạnh mẽ hơn.
Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong bảo đảm chất lượng giáo dục; vì thế cần đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới cùng đánh giá lại các công việc đã triển khai; thảo luận, rà soát tiến độ thực hiện Chương trình ETEP; việc triển khai xây dựng, sử dụng hệ thống TEMIS và báo cáo TEMIS; từ đó có giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong thời gian tới, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đợt hỗ trợ kỹ thuật sẽ tiến hành từ ngày 12/7 đến 23/7/2021. Thứ trưởng yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường đại học, các đơn vị trường học, đơn vị thụ hưởng Chương trình ETEP chuẩn bị kỹ các nội dung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn giám sát làm việc.
ETEP là tên viết tắt của Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình có mục tiêu phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục (theo từng tỉnh, huyện, trường và cá nhân).