Nếu đỗ, em cũng không có tiền đi học tiếp!
Nguyễn Ngọc Hoài Phương, học sinh Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM. |
Nguyễn Ngọc Hoài Phương, học sinh Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM 11 năm liền đạt học sinh giỏi đang lo lắng không thể học tiếp vì... không có tiền.
Bố bị tai biến liệt nửa người, mẹ của Phương phải làm việc vất vả để nuôi cả gia đình với 6 người.
Mẹ Phương vừa lo chạy chữa cho chồng vừa lo cho hai chị em ăn học và ông bà ngoại già yếu. Mới đây, ba Phương lại phát hiện bị thêm bệnh tiểu đường, ông ngoại thì ung thư phế quản, cuộc sống đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.
Cả gia đình 6 thành viên chỉ được chi tiền ăn trong cả tuần là 200.000 đồng khiến cuộc sống rất khó khăn.
Thấu được những vất vả của mẹ, Phương luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình cho việc học, nhiều năm liền Phương đạt học sinh giỏi và là cô lớp trưởng gương mẫu để bạn bè trong lớp noi theo.
Ở trường, Phương là học trò năng nổ, tham gia nhiều hoạt động đoàn hội; về đến nhà, Phương đảm đang và chu toàn việc nhà cho mẹ.
Vì muốn phụ giúp mẹ, nhiều lúc Phương hy sinh những ngày tết, ngày hè để đi làm thêm. Hằng ngày, thấy mẹ dậy từ sớm nhịn ăn sáng rồi đi làm, cô gái ấy chỉ mong sau này sẽ học thật giỏi, kiếm được nhiều tiền giúp đỡ gia đình thoát nghèo.
Thế nhưng, có thể cổng trường Đại học còn xa với Phương bởi em lo nếu thi đỗ, em lấy tiền đâu để học tiếp.
Ước mơ làm cô giáo để đỡ chi phí học tập
Nguyễn Ngọc Phương Thảo học sinh lớp 12A10 Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM |
Nguyễn Ngọc Phương Thảo học sinh lớp 12A10 Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM mồ côi cha nhưng em luôn vượt qua hoàn cảnh vươn lên trong học tập với hàng loạt những giấy khen trep trên tường. Có lẽ, đó cũng chính là thứ quý giá nhất trong căn nhà của em.
Bố của Thảo mất cách đây 2 năm do tai nạn giao thông. Trước đây, bố là trụ cột gia đình nhưng vai trò này bây giờ mẹ là người lo cho hai chị em Thảo ăn học. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đồng tiền kiếm được do may vá của mẹ, nhưng công việc như đi “câu”, không phải lúc nào cũng có khách. Thu nhập bấp bênh khiến ba mẹ con rất vất vả.
Biết được hoàn cảnh của 3 mẹ con quá khó khăn nên tiền học phí của Thảo trong 2 năm qua do các cô giáo trên trường đứng ra bảo lãnh đóng cho. Còn tiền học của bé gái nhỏ học lớp 4 thì các cậu dì và bà ngoại đóng giúp.
12 năm liền là học sinh giỏi, Thảo còn đạt danh hiệu học sinh 3 tích cực cấp thành phố năm 2018; huy chương bạc Olympic tháng 4 môn văn cấp thành phố liên tục trong 2 năm lớp 10 và lớp 11; giải nhì học sinh giỏi môn văn TP.HCM năm học 2018 - 2019...
Mong muốn được trở thành sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vì ước mơ lớn nhất của em là trở thành cô giáo đứng trên bục giảng để giảng dạy, thuyết trình cho học sinh mỗi ngày. Bằng những nỗ lực của mình, Thảo hi vọng sẽ trở thành giáo viên dạy Văn và có thể đi làm thêm để trang trải cuộc sống.
Mong mẹ đỡ khổ!
Phan Đình Long Nhật học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) |
Phan Đình Long Nhật học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) thực sự là 1 học sinh giàu nghị lực khiến nhiều người khâm phục.
Lớn lên trong vòng tay của mẹ mà không biết mặt cha, Long Nhật thương mẹ vất vả bao nhiêu thì càng quyết tâm học tốt bấy nhiêu.
Mẹ làm đủ nghề mưu sinh từ buôn bán lặt vặt tới phụ hồ, trộn vữa. Hai mẹ con tá túc trong gian nhà trọ 8 m2. Mỗi ngày Nhật bắt xe buýt đi cả tiếng đồng hồ để đi học.
Nhật thường xuyên đi phụ hồ cùng mẹ, bán thẻ điện thoại, làm thuê,…bất cứ việc gì có thể làm được, em đều nhận cùng mẹ để có tiền tiếp tục đến trường.
Biết Nhật khó khăn nhưng ham học, có chí, nhiều thầy cô ở Trường THPT Tây Thạnh đã cho em ôn thi đội tuyển và ôn thi ĐH miễn phí. Nhật học giỏi, nhất là môn toán, mới đây em giành giải 3 học sinh giỏi cấp TP môn giải toán bằng máy tính Casio.
Nhật đang trong những ngày ôn luyện căng thẳng nhất trước kỳ thi THPT quốc gia, em nhắm tới ngành robot và trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đây là lĩnh vực Nhật yêu thích từ nhỏ và trong suốt những năm học phổ thông, em luôn tìm hiểu sách báo để có thông tin nhiều nhất, chuẩn bị cho mình cơ hội học tập và nghề nghiệp tốt nhất.
Nhớ lại những ngày tháng mẹ phải nhường cơm canh cho mình để ăn rau luộc, em càng mong muốn đỗ ĐH, sau này đi làm kiếm tiền để mẹ được nghỉ ngơi và bớt nguy hiểm.