Phóng viên: Thưa ông! Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi theo hình thức “hai trong một”, kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. So với năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có những thay đổi gì?
Ông Trần Thanh Liêm: Kỳ thi năm nay, về cơ bản vẫn thực hiện như năm 2018, nhưng có một số điểm khác sau:
Thứ nhất, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học và cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường Đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Thứ tư, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Phóng viên: Với những điểm mới như ông vừa nêu, thí sinh cần phải lưu ý những gì trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thưa ông?
Ông Trần Thanh Liêm: Từ các thay đổi quan trọng trên, tôi lưu ý các em học sinh tham gia kỳ thi:
Một là, cần phải nắm chắc thay đổi về cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT; chủ động ôn tập, hệ thống hóa kiến thức các môn thi; bình tĩnh, tự tin khi làm bài thi để đạt kết quả cao nhất trong từng bài thi.
Điều quan trọng nhất tôi muốn nhắn gửi đến thí sinh là phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi, không vi phạm dưới bất cứ hình thức nào dù vì lý do khách quan hay chủ quan, lưu ý các em tuyệt đối không được mang điện thoại di động và các vật dụng bị cấm vào khu vực thi.
Hai là, trong việc xác định các nguyện vọng tuyển sinh Cao đẳng, Đại học cần nghiên cứu kỹ việc các trường được Bộ GD&ĐT cho phép có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh để nắm thông tin, xác định chính xác nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Ba là, đảm bảo thời gian ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý để đủ sức khỏe và minh mẫn cho những ngày thi.
Phóng viên: Trước những sai phạm gian lận trong thi cử ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tập trung những giải pháp nào để ngăn chặn tiêu cực xảy ra?
Ông Trần Thanh Liêm: Rút kinh nghiệm từ vi phạm của các địa phương trên, để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD&ĐT đã thực hiện một số biện pháp:
Thứ nhất, lựa chọn những nhà giáo, cán bộ quản lý có năng lực, có kinh nghiệm, đồng thời là những người có trách nhiệm, nghiêm túc, công tâm trong công tác thi để tham gia coi thi, chấm thi. Tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi về tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế thi.
Thứ hai, kiểm tra cơ sở vật chất của các trường nơi bố trí điểm thi và chỉ đạo sửa chữa các hư hỏng; thực hiện lắp đặt hệ thống camera quan sát, giám sát tại các địa điểm theo quy định của Bộ.
Thứ ba, đề nghị lực lượng Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình và diễn biến trước, trong và sau kỳ thi để có phương án giải quyết các vấn đề bất thường có khả năng ảnh hưởng đến việc tổ chức và kết quả kỳ thi; tăng cường công tác bảo vệ tại các Ban của Hội đồng thi, các điểm thi.
Thứ tư, đảm bảo an toàn giao thông thuận lợi, ưu tiên cho công tác thi và cho thí sinh dự thi.
Thứ năm, dự phòng các tình huống có thể xảy ra về an ninh trật tự, các biểu hiện tiêu cực và phương án giải quyết trình Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh thông qua, với quan điểm: “Nắm chắc quy chế; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện; kiểm soát chặt chẽ tình hình, xử lý kịp thời và đúng quy định các tình huống xảy ra (nếu có)”.
Phóng viên: Những năm trước, công tác hỗ trợ, tiếp sức mùa thi được các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh an tâm tham dự kỳ thi. Năm nay, công tác này được tỉnh triển khai ra sao, thưa ông? Nhân đây, ông có nhắn nhủ gì đến học sinh và phụ huynh trong kỳ thi sắp tới?
Ông Trần Thanh Liêm: Thay mặt cho ngành GD&ĐT tỉnh, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh an tâm tham dự kỳ thi các năm qua.
Năm 2019, Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh giao trách nhiệm cho Tỉnh Đoàn chủ trì, tổ chức thực hiện các đội hình thanh niên tình nguyện ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp sức mùa thi để quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện quan tâm công tác hỗ trợ thí sinh trong năm 2019, đề nghị liên hệ với tổ chức Đoàn tại các địa phương để thống nhất cách thực hiện vừa đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và sự lan tỏa trong cộng đồng, không ảnh hưởng đến các hoạt động của kỳ thi.
Trong kỳ thi này, 3 trường THPT có học sinh phải qua sông để đến điểm thi gồm: Thanh Bình 2, Hồng Ngự 2 và Long Khánh A. Sở GD&ĐT đã trao đổi với Uỷ ban nhân dân các huyện: Thanh Bình và Hồng Ngự để chỉ đạo chính quyền các xã, các đoàn thể và các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh đến điểm thi đúng thời gian quy định.
Để có một kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt hiệu quả, tôi đề nghị các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần trách nhiệm. Chúc các em học sinh bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.
Xin cảm ơn ông!