Nan giải bài toán 'xây nhà nhưng không xây trường' (bài cuối)

GD&TĐ - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến Hà Nội, TPHCM gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực về tình trạng thiếu trường, lớp học.

Trường thiếu trong khi đất xây trường bỏ hoang ở Khu đô thị Thành phố Giao lưu (Bắc Từ Liêm).
Trường thiếu trong khi đất xây trường bỏ hoang ở Khu đô thị Thành phố Giao lưu (Bắc Từ Liêm).

Bài cuối: Cần liều “thuốc đắng”

Đây không phải vấn đề mới song nhiều năm qua, chính quyền ở những “điểm nóng” vẫn loay hoay trong việc tìm ra đáp số cho bài toán thiếu trường lớp.

Chủ đầu tư nói “vướng”

ThS Nguyễn Văn Đỉnh (Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản) cho rằng, cơ quan Nhà nước cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay với các chủ đầu tư không hoàn thành tiện ích, hạ tầng xã hội nhưng đã bán nhà cho khách hàng. “Cơ quan chức năng cần phải truy xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, từ khâu phê duyệt dự án cho tới kiểm tra, giám sát triển khai. Bởi đây là vấn đề về tổ chức thi hành pháp luật, không phải vấn đề của các quy định pháp luật...”, ThS Nguyễn Văn Đỉnh cho biết.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thông tin, tại địa bàn quận có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị gồm: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê.

Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án còn rất chậm so với Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư. Việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Đến nay, mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, mới đây trao đổi với báo chí về việc chậm trễ xây dựng các dự án trường học ở địa bàn quận Hoàng Mai dù đã có quy hoạch từ 20 năm trước, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD cho biết, lô đất hiện đang được quây lại và là bãi đỗ xe ngay dưới chân chung cư Linh Đàm, năm 2006 UBND TP Hà Nội quy hoạch là địa điểm xây dựng Bệnh viện thực hành Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 2013, chủ trương này không còn phù hợp nên UBND TP Hà Nội chủ trương xây dựng nhà trẻ và trường học phục vụ dân cư, hiện đang được điều chỉnh quy hoạch và chờ phê duyệt.

Đối với quy hoạch trường học tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, đại diện HUD lý giải nguyên nhân chậm trễ là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di dời mồ mả của các hộ dân. HUD đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân nhưng chưa đạt được kết quả.

Tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, lô đất NT2 đã giải phóng mặt bằng gần 50% diện tích và trồng cây xanh. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt lô đất thành đất trồng cây xanh. Lô đất TH2 còn vướng một phần diện tích là ao đình làng Bằng A. Đại diện HUD cho hay, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt liên quan đến các Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học.

Tại TPHCM, có nhiều “cái khó” dẫn tới việc nhiều chủ đầu tư “quên” xây trường học. Thực tế nhiều chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế, dành quỹ đất lớn trong tổng thể dự án phát triển đô thị của mình để làm và xây dựng hạ tầng giáo dục phục vụ cho cộng đồng dân cư đô thị nhưng vẫn không dễ để triển khai thực hiện.

Khu đô thị Vạn Phúc City (chủ đầu tư là Van Phuc Group) là một ví dụ điển hình cho việc có tiền cũng không dễ xây trường, dù chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo chủ đầu tư này, muốn đầu tư xây dựng trường học hay công viên trong dự án lại phải chờ đấu thầu. Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển đô thị quy định: Chủ đầu tư khi có nhu cầu không được tự đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí, công viên…

Một lô đất xây trường bị bỏ hoang nằm xen kẽ giữa các tòa nhà tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn.

Một lô đất xây trường bị bỏ hoang nằm xen kẽ giữa các tòa nhà tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn.

Gỡ khó cách nào?

Nhìn nhận quy định của luật đang là trở ngại lớn cho không ít chủ đầu tư trong việc thực hiện xây dựng hạ tầng giáo dục, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TPHCM (HOREAR) cho biết, trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi Luật Đất đai, HOREA có kiến nghị bổ sung quy định mới, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí…

Còn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, trong quý I/2023, quận đã đôn đốc chủ đầu tư triển khai việc xây dựng trường học tại các lô đất theo quy hoạch đã bị bỏ hoang nhiều năm. Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai cũng sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Trong tương lai gần, quận sẽ dự kiến xây thêm trường mới cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ.

Tại phiên họp giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố diễn ra vào tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhận trách nhiệm và khẳng định có sự buông lỏng quản lý của các sở, ngành trong thời gian qua. Về các giải pháp cụ thể, ông Thanh cho biết đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu riêng về trường học cho quận Hoàng Mai và một số địa bàn có mật độ dân cư đông đúc.

Trước mắt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, thu hồi các lô đất dự án chậm triển khai để ưu tiên xây trường học, bệnh viện... Sở TN&MT Hà Nội đang cùng các quận, huyện vào cuộc. Kết quả, cơ quan chức năng đã rà soát được 130 dự án phải bàn giao với 314 lô đất, tổng diện tích là 249ha. Các quận, huyện có nhu cầu sử dụng các lô đất này để xây trường học cần báo cáo UBND thành phố để được bàn giao…

Về những giải pháp của Hà Nội để giải quyết tình trạng thiếu trường học trên địa bàn thành phố, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, cho hay, Văn phòng UBND thành phố đã tham mưu với các sở, ngành trình lãnh đạo UBND thành phố về khung tổng thể với nội dung khi xem xét các dự án có quy mô từ 2ha trở lên xây dựng trên địa bàn.

“Theo đó, với các dự án có quy mô từ 2ha trở lên, thành phố phải đặt ra điều kiện với các chủ đầu tư là xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trước sau đó mới được xây dựng nhà để bán”, ông Dũng cho biết.

TS Nguyễn Hữu Dũng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, việc chủ đầu tư xây căn hộ để bán nhưng không xây trường học hiện xuất hiện rất nhiều. Theo ông Dũng đây là chiêu trò chủ đầu tư cố tình làm chứ không phải họ gặp khó khăn gì. “Khi lên phương án, khi trình kế hoạch để được phê duyệt, các chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng hết rồi nên không thể quy cho câu chuyện khó khăn thế này, khó khăn thế nọ. Mấu chốt là người ta không muốn làm do vẫn còn nhiều kẽ hở trong các quy định, luật để họ lách”, ông Dũng nhấn mạnh.

“Trong quy định có một kẽ hở đó là một dự án nhà ở khi đủ số lượng dân số đến ở nhất định thì chủ đầu tư mới phải xây dựng trường học, bệnh viện… Đây là quy định tạo điều kiện cho chủ đầu tư lách luật. Từ đó, quyền lợi của người dân bị chủ đầu tư xem nhẹ” – TS Dũng cho biết.

Về giải pháp, ông Dũng cho rằng các nhà làm luật cần đưa ra quy định tiền đặt cọc của người dân để mua dự án phải được đưa vào một tài khoản do ngân hàng đảm bảo, thậm chí là phong tỏa và chủ đầu tư chỉ được sử dụng khi đã hoàn thành hết nghĩa vụ với người mua cũng như thực hiện hết đề án đã được đưa ra.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TPHCM (HOREAR) thì việc các cụm chung cư, cao ốc không xây trường là do đặc thù quỹ đất nhỏ, không thể “nhét” trường vào vì không phù hợp các quy định của các cơ quan hữu quan về diện tích. Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở... Chính việc Luật Nhà ở 2014 quy định vậy nên gần như các khu chung cư ngoài việc có nhà trẻ, trường mầm non tư nhân ra thì gần như vắng bóng hoàn toàn các khối trường học phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.