Nan giải bài toán 'xây nhà nhưng không xây trường' (bài 1)

Lời tòa soạn: Dân số tăng nhanh nên Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố khác đã và đang có tốc độ phát triển xây dựng mạnh mẽ.

Phụ huynh tham gia bốc thăm giành suất cho trẻ vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Phụ huynh tham gia bốc thăm giành suất cho trẻ vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt. Ảnh: Nguyễn Hưởng

Bài 1: Kẻ khóc, người cười sau lần “bốc thăm lịch sử”

Nhiều khu nhà ở, khu đô thị quy mô lớn được khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng ồ ạt đó lại không đồng bộ bởi nhiều năm qua, nhiều khu dân cư đã và đang đối diện với thực tế là học sinh… không có trường để học. Thực trạng này nảy sinh nhiều hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và quyền được đến trường của học sinh.

Thiếu trường học công lập trong khi mật độ dân số gia tăng qua từng năm dẫn đến hệ lụy là người dân phải dựa vào trò chơi bốc thăm đầy may rủi để có thể giành một suất cho con.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV tâm sự rằng bản thân ông cảm thấy xót xa khi nắm được thông tin báo chí đăng tải về việc người dân phải bốc thăm suất vào học tại trường mầm non công lập.

Người cười

Trong 2 ngày 27/8 và 28/8/2022, tại trụ sở UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã diễn ra một sự kiện hi hữu, đó là việc khoảng 700 phụ huynh phải bốc thăm để có thể giành suất cho con vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt.

Nhớ lại những ngày cuối tháng 8/2022 “gian khổ” đó, anh Nguyễn Văn Cường (chung cư Linh Đàm) chia sẻ với Báo GD&TĐ rằng chưa bao giờ anh thấy việc xin cho con vào học tập tại một ngôi trường mầm non công lập lại khó khăn và “đau tim” như vậy.

Theo anh Cường, khu vực chung cư Linh Đàm nơi gia đình anh sinh sống cũng như trên địa bàn phường Hoàng Liệt có nhiều nhóm trẻ độc lập cũng như trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép nên anh và vợ đều hướng cho con vào học tập tại một trường mầm non công lập trên địa bàn. Trong câu chuyện với Báo GD&TĐ, anh Cường cho biết bản thân hiểu được việc xin cho trẻ vào học tại một trường mầm non công lập ở Hà Nội là rất khó nhưng cái khó ấy lại vượt quá suy nghĩ ban đầu của anh.

8 giờ sáng thứ 7 ngày 27/8/2022, thay vì có mặt ở cơ quan để chuẩn bị vào ca làm, anh Cường cùng 175 phụ huynh khác có mặt tại UBND phường Hoàng Liệt (địa điểm tổ chức bốc thăm) để tham dự buổi bốc thăm với hy vọng giành cho cậu con trai 3 tuổi của mình một suất học tập tại ngôi trường mà đáng ra theo lẽ thường con anh đến tuổi thì phải được nhận.

“Trước đó, vợ chồng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý nếu bốc thăm không được thì sẽ vẫn gửi cháu tại một lớp trẻ độc lập trong chung cư Linh Đàm. Khi đến UBND phường Hoàng Liệt để bốc thăm, thấy họ thông báo 176 phiếu nhưng chỉ có 80 phiếu đạt nên tôi cũng không dám kỳ vọng quá nhiều”, anh Cường nhớ lại.

Buổi bốc thăm hôm đó được tổ chức với quy trình 2 vòng. Trong đó, vòng 1 là bốc thăm số thứ tự. Sau khi đảm bảo đã tham gia vòng 1, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để lần lượt bốc thăm phiếu tuyển sinh. Các phiếu hợp lệ là phiếu có đầy đủ xác nhận của Trường Mầm non Hoàng Liệt với 80 phiếu ghi “chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và số còn lại ghi “rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Anh Cường phấn khích bảo, hôm đó anh là một trong 80 người được thần may mắn gọi tên.

“Cơ sở vật chất của trường khang trang, rộng rãi nên cho đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thầm cảm ơn số phận vì đã ở trong số những phụ huynh may mắn. Với chi phí học tập của cháu mỗi tháng khoảng 800.000 đồng, gia đình tôi cũng giảm bớt được gánh nặng về tài chính”, anh Cường hồ hởi chia sẻ.

Việc bốc thăm để trẻ có suất học tại trường mầm non phản ánh tình trạng thiếu trường học trầm trọng tại Thủ đô. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.

Việc bốc thăm để trẻ có suất học tại trường mầm non phản ánh tình trạng thiếu trường học trầm trọng tại Thủ đô. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.

Kẻ khóc

Không giống như anh Cường, chị Nguyễn Thu Quỳnh (chung cư VP6) nằm trong số hơn 90 phụ huynh không may mắn trong “trò chơi may rủi” để giành suất cho con học tập tại Trường Mầm non Hoàng Liệt. “Số thứ tự bốc thăm của tôi hôm đó là 142 trên tổng số 176 người. Vì số thứ tự nằm gần cuối nên cơ hội để tôi bốc được phiếu trúng tuyển càng ít”, chị Quỳnh chia sẻ.

Người mẹ của cậu con trai 4 tuổi thú nhận rằng đây là một trong số ít lần chị có suy nghĩ hẹp hòi khi mong sao cho những người bốc trước mình bốc được phiếu trúng tuyển càng ít càng tốt. “Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, gia đình tôi cũng có kinh tế không mấy khá giả nên rất mong muốn con được học tập tại một trường mầm non công lập. Nếu những người bốc trước được nhiều phiếu trúng tuyển thì đồng nghĩa với xác suất may mắn đến với những người bốc sau như tôi sẽ ít đi”, chị Quỳnh cho biết.

Gần cuối buổi, may mắn đã không đến với chị Quỳnh khi chị bốc được lá phiếu “rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Với kết quả này, gia đình chị Quỳnh phải để bé Su Hào (tên gọi ở nhà của con trai chị Quỳnh) học tập tại một lớp trẻ độc lập tư thục với chi phí lên đến gần 3 triệu đồng/tháng.

Nhớ lại lần bốc thăm để cho con vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, anh Vũ Bá K. cho biết bản thân anh chẳng biết nên vui hay buồn vì trong lần bốc thăm ấy, anh là người có một nửa may mắn nhưng cuối cùng lại lọt tốp những phụ huynh không may mắn.

Sở dĩ có cơ sự như trên là bởi anh K. sau 2 lần bốc thăm để giành suất cho 2 người con sinh đôi, anh K. bốc được 1 phiếu “chúc mừng” và phiếu còn lại là phiếu ghi dòng chữ “rất tiếc…”. “Nhà tôi là sinh đôi nên vợ chồng cũng mong muốn các cháu được học cùng trường lớp với nhau để tiện đưa đón. Tuy nhiên, sau khi bốc được 1 phiếu đỗ, 1 phiếu trượt, vợ chồng tôi đã quyết định cố gắng thêm để cho 2 cháu đi học tại một cơ sở mầm non tư thục. Chi phí có đắt đỏ hơn nhưng ngược lại môi trường cũng ổn định nên vợ chồng tôi đỡ lo lắng”, anh K. chia sẻ.

Cô Trịnh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt bộc bạch rằng, bản thân không hề mong muốn có buổi bốc thăm đó nhưng do nhà trường nhận được quá nhiều hồ sơ đăng ký nên nhà trường cũng không thể làm gì hơn dù thâm tâm rất muốn nhận tất cả. Và việc quyết định lựa chọn phương án bốc thăm cũng là do không còn cách nào tối ưu hơn.

Từ sự kiện đó có thể thấy trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung đang xảy ra tình trạng “thiếu trường, khát lớp”. Tình trạng này kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng lớn đến nhu cầu học tập chính đáng của người dân.

Ở Việt Nam, việc bố mẹ xuyên đêm xếp hàng chờ mua hồ sơ nhập học cho con không phải chuyện hiếm nhưng nó diễn ra ở những bậc học cao hơn với những ngôi trường tư thục hoặc những ngôi trường công lập chất lượng. Còn chuyện dựa vào những lá thăm để quyết định trẻ có được học tập tại một ngôi trường mầm non công lập hay không lại là chuyện chưa từng xảy ra trước đó.

______________________

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.