Bài 3: Giữa phố thị vẫn “đỏ mắt” tìm chỗ học cho con
Trong khi nhiều trường học rơi vào tình trạng sĩ số vượt xa quy định 35 học sinh/lớp thì nghịch lý tồn tại nhiều năm qua là đất để xây trường lại bị bỏ hoang, hoặc sử dụng sai mục đích…
Đất xây trường thành nơi tập kết phế liệu, trồng rau
“Khu đô thị Đông Tăng Long không có trường học nên việc học tập của con em người dân vẫn phải ‘ăn theo’ hệ thống trường lớp công của cả khu vực. Hiện nay, dân chưa về ở đông, chứ nếu dân mà ở hết tôi nghĩ sẽ không có chỗ cho các cháu học”, chị Lê Phương Trinh nói.
Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), theo khảo sát của Báo GD&TĐ, các lô đất được quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn quận lại đang được sử dụng sai mục đích hoặc được quây tôn bỏ hoang nhiều năm nay. Trong số này, có đến 6 lô đất (F5/TH3; F5/NT5; F4/TH2; C1/TH2; C1/NT3; C1/TH3) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Các lô đất này hiện được tận dụng làm bãi trông giữ xe ô tô, bãi tập kết vật liệu, phế liệu…
Cùng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, dự án đầu tư xây dựng khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư được giới thiệu là một trong những khu đô thị vào loại hiện đại nhất phía Nam Thủ đô. Tuy nhiên, cho đến nay, khu nhà ở thấp tầng là hạng mục nhanh chóng thu lợi thì đã được chủ đầu tư cơ bản hoàn thành. Các phân khu còn lại, công trình xã hội thì vẫn chưa được triển khai, nhiều hạng mục vẫn còn thi công dang dở, công trình ngổn ngang.
Đặc biệt, 2 lô đất với diện tích 10.554m2 và 6.707m2 lần lượt được quy hoạch để xây trường THCS và trường mầm non nhưng hiện vẫn nằm “án binh bất động” nhiều năm qua. Ghi nhận cho thấy, 2 lô đất trên đang được người dân tận dụng để trồng rau. Ông Nguyễn Văn Thắng (cư dân khu đô thị Ao Sào) cho biết với việc không có trường học nên con em của cư dân sinh sống tại khu đô thị chủ yếu phải di chuyển ra các trường gần đó hoặc vào trường tư thục.
Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng hơn 400ha tọa lạc tại các phường Phú Lương, Kiến Hưng của quận Hà Đông và xã Cự Khê của huyện Thanh Oai do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.
Diện tích đất được quy hoạch để xây trường tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai) bị quây tôn, bỏ hoang nhiều năm nay. |
Theo Quyết định số 3229 ngày 13/7/2015 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, trong đó, đã xác định 23 lô đất quy hoạch xây dựng trường học. Trong số 23 lô đất này, có 21 lô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS và 2 lô đất xây dựng trường THPT. Tuy nhiên, cư dân tại đây phản ánh rằng dường như chủ đầu tư đã “quên” xây trường học khác với lời quảng cáo “cơ sở, hạ tầng đồng bộ” như lúc chào bán.
Nằm trên địa bàn 2 quận lớn của Hà Nội là Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, Khu đô thị Thành phố Giao lưu được đầu tư bởi liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế VIGEBA, Bảo Việt, Geleximco cũng được liệt vào một trong những dự án “quên” xây trường học.
Theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2006 của UBND TP Hà Nội, ngoài các khu chung cư, biệt thự liền kề thì khu đô thị trên còn sở hữu khu đất để xây hệ thống trường học từ nhà trẻ tới THPT. Tuy nhiên, khi đã có hàng nghìn căn hộ được bán cho người dân chuyển về ở thì chủ đầu tư vẫn “quên” xây trường học.
Trong đó, lô đất nằm đối diện chung cư Green Star được quy hoạch xây trường tiểu học nhưng nhiều năm trở nên hoang hóa. Còn lô đất đối diện Khu tái định cư Khu đô thị Thành phố Giao lưu được quy hoạch xây trường THCS - THPT nhưng không được sử dụng và trở thành địa điểm trông giữ xe. Trước mặt lô đất, tấm biển đề tên Trường THCS và THPT Phạm Văn Đồng đã bạc màu, hoen gỉ nhưng trường học chưa được xây dựng.
Một lô đất khác thuộc dự án nằm giữa chung cư An Bình City và Green Star được quy hoạch xây trường học nhưng cũng bị bỏ hoang. Trên ô đất này từng có Trường Mầm non Ngôi sao xanh hoạt động nhưng hiện cũng bỏ hoang.
Tấm biển tên trường đã được dựng lên nhưng diện tích đất sử dụng để xây trường nhiều năm nay vẫn bị bỏ không tại Khu đô thị Thành phố Giao lưu (Bắc Từ Liêm). |
Có nhà nhưng … không dám ở
TPHCM đang đối diện với áp lực di dân vô cùng lớn. Nhiều năm trở lại đây, TP thực hiện chính sách giãn dân ra các khu đô thị xa lõi trung tâm. Không ít người dân sinh sống trong các khu đô thị mới, hay chung cư giãn dân phải chật vật tìm chỗ cho con đi học, vì nơi mình ở không có nhiều trường, thậm chí không có trường.
Là khu đô thị kiểu mẫu và được triển khai từ rất lâu, dân cư sinh sống đông đúc, nhưng đến nay sau hàng chục năm triển khai và định hình, hạ tầng giáo dục tại nhiều khu dân cư của đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức vẫn chưa hoàn thiện. Người dân nhiều nơi dù được cấp nhà theo dạng tái định cư hay mua nhà để ở cũng chưa về, vì khó tìm chỗ học cho con.
Dự án Khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có diện tích 38,4ha, với quy mô khoảng 12.500 căn hộ được xây dựng từ năm 2013, hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay sau 10 năm triển khai vẫn không có người dân ở. Hạ tầng giáo dục của cả khu vực này gần như không thể đáp ứng quy mô dân số nếu dân về ở. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy cả khu tái định cư chỉ có 2 trường mầm non, một trường tiểu học, THCS và không có trường THPT. Việc đáp ứng chỗ học cho học sinh thuộc quy mô dân số tái định cư về ở đã khó, khu tái định cư trên lại còn phải “gánh” thêm nhiệm vụ phân bổ chỗ học tập cho cư dân của khu dự án chung cư New City ngay bên cạnh với quy mô khoảng 1.360 căn hộ.
Tương tự, Khu đô thị mới Sala, 150ha với quy mô dân số 22.500 người dù phát triển sau (khởi công 2013) với giá bán căn hộ và nhà phố thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng đến nay sau nhiều năm người dân vào sinh sống, cả khu vực vẫn chưa có nổi một trường học công lập, ngoài Trường quốc tế liên cấp Việt Nam Australia.
Khu đô thị Đông Tăng Long (Quận 9 cũ) thuộc phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức có quy mô 159,36ha, với dân số ước tính khoảng 25.000 người, khởi công từ 2005 nhưng đến nay sau hơn 15 năm hình thành, gần như không thấy một trường học nào được xây dựng, dù dân cư đã về ở khá đông. Chị Lê Phương Trinh, chủ một quán cà phê trong khu đô thị, cho biết chị về đây sinh sống được 3 năm, chuyện học của 2 đứa con chị khá vất vả, khi đứa lớn phải học cách xa nhà khoảng 7 km tại Trường THPT Long Trường.
Nhiều khu đô thị mới tại tỉnh Bình Dương cũng đang có chung tình cảnh xây nhà mà không xây trường như vậy. Dự án Thành phố mới Bình Dương có tổng quy mô khoảng 1.000ha, do Becamex IDC là chủ đầu tư sau 10 năm triển khai vẫn thưa thớt dân cư về ở. Hiện, cả khu vực lõi trung tâm của TP mới Bình Dương ngoài Trường ĐH Quốc tế Miền Đông thì hệ thống trường học các cấp khá thưa vắng.
Anh Nguyễn Cảnh Trung, Giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại khu vực, cho biết hạn chế lớn của TP mới Bình Dương là có vị trí xa trung tâm TPHCM hơn các khu vực Thuận An, Dĩ An. Trong khi đó đô thị này lại thiếu hụt các tiện ích dân sinh, đặc biệt là trường học nên dân không dám về sinh sống.
Tương tự, hàng loạt dự án dân cư khác tại Bình Dương như dự án khu dân cư Thuận An Central Bình Dương, dự án Hồ Gươm Xanh Bình Dương, dự án nhà phố An Phú Residence, khu nhà ở Phú Hồng Khang và Phú Hồng Đạt (TP Thuận An) cũng đều không được chủ đầu tư chăm sóc quan tâm về hạ tầng giáo dục mà chủ yếu thực hiện việc phân tách, chia lô bán nền… Điều này gián tiếp gia tăng áp lực lên hệ thống trường học công xung quanh khu vực khi dân cư ồ ạt đổ về sinh sống.
Nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Khu đô thị Ngoại giao đoàn (có quy mô 62,8ha) do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) được quảng cáo là khu đô thị đáng sống. Tuy nhiên, những lô đất quy hoạch xây trường học vẫn bỏ trống và không biết tới khi nào mới hoàn thành?
“còn nữa”