Nan giải bài toán 'xây nhà nhưng không xây trường' (bài 2)

GD&TĐ - Không chỉ phải nghỉ học luân phiên, việc thiếu hạ tầng cơ sở giáo dục còn khiến các trường rơi vào tình trạng sĩ số lớp vượt mức quy chuẩn,

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: INT
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: INT

Bài 2: Học sinh khổ, phụ huynh mệt, giáo viên âu sầu

Không chỉ phải nghỉ học luân phiên, việc thiếu hạ tầng cơ sở giáo dục còn khiến các trường rơi vào tình trạng sĩ số lớp vượt mức quy chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Quá tải sĩ số

Trong báo cáo về công tác tuyển sinh năm học 2022 – 2023, UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, toàn quận có 90 trường (mầm non 49, tiểu học 23, THCS 18) với 2.048 lớp học, tăng 79 lớp so với năm trước. Tổng số học sinh là hơn 98.500 em. Chia theo các cấp học, mầm non có 22 trường công lập và 26 trường ngoài công lập; 370 nhóm, lớp mầm non độc lập. Với số trẻ mầm non khoảng 31.300 trẻ, bình quân một lớp ở trường công lập là 38,5 trẻ.

“Sĩ số lớp con tôi là 57 cháu. Với số lượng như thế, nhiều khi các thầy cô giáo giảng dạy còn áp lực gấp trăm lần phụ huynh ở nhà. Ai cũng muốn ngày cuối tuần được nghỉ ngơi bên gia đình nhưng với lượng học sinh quá đông như vậy, tôi nghĩ đây là cách bố trí hợp lý”, anh Đ. chia sẻ.

Ở cấp tiểu học, toàn quận có 20 trường công lập và 3 trường ngoài công lập. Với khoảng 43.600 học sinh, trong đó, cấp tiểu học công lập là 41.600 (tăng hơn 1.400 học sinh), bình quân có 48 học sinh/lớp. Với THCS, quận Hoàng Mai hiện có 17 trường công lập và 1 trường tư thục. Với gần 24.000 học sinh, trong đó, hơn 23.700 em học công lập, bình quân một lớp có 46 học sinh.

Tại quận Hoàng Mai, Hoàng Liệt là phường duy nhất ở Hà Nội có đến 3 trường tiểu học (Trường Tiểu học Hoàng Liệt, Chu Văn An và Linh Đàm), nhưng do số trẻ trong độ tuổi đi học quá đông nên hạ tầng giáo dục của phường hiện vẫn chưa thể đáp ứng đủ. Không những thế, cả 3 ngôi trường trên đều có số học sinh trong một lớp vượt xa so với quy chuẩn.

Cụ thể, theo Thông tư về Điều lệ trường tiểu học, Bộ GD&ĐT quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Đối với cấp THCS và THPT, do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, một lớp không quá 45 học sinh. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho thấy nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận đều có sĩ số vượt xa so với quy chuẩn.

Có thể lấy ví dụ như tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt có 47 lớp với 23.000 học sinh nhưng chỉ có 37 phòng học, sĩ số mỗi lớp vượt xa tiêu chuẩn (35 học sinh/lớp). Trường Tiểu học Chu Văn An có 55 lớp với 2.778 học sinh, trung bình 51 học sinh/lớp (vượt quá tiêu chuẩn 16 học sinh/lớp). Trường Tiểu học Linh Đàm có 43 lớp, 2.020 học sinh, trung bình 47 học sinh/lớp (vượt quá tiêu chuẩn 12 học sinh/lớp).

Tình trạng quá tải sĩ số lớp diễn ra tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt trong năm 2022 đã kéo theo một sự việc là đơn vị này đã có quyết định chuyển gần 600 học sinh sang trường khác để có thể lên chuẩn Quốc gia. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt bởi hàng trăm học sinh này sẽ “đẩy” về đâu khi tất cả các trường trên địa bàn đều quá tải? Ngay sau đó, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt đã phải rút lại quyết định.

Thực tế, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục quận Hoàng Mai phấn đấu công nhận 2 trường (Trường Tiểu học Hoàng Liệt và Trường Tiểu học Linh Đàm) đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, mong muốn là vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn xa vời. Việc hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt muốn đưa ngôi trường lên chuẩn Quốc gia là nằm trong kế hoạch của quận và là mong muốn chính đáng. Thế nhưng, xét trong hoàn cảnh hiện tại, điều đó không thể thực hiện được.

Còn tại địa bàn quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận cho biết sĩ số trung bình tại các trường tiểu học trên địa bàn là 48 học sinh/lớp. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng này là quá so với quy chuẩn nhưng theo bà Hằng, đây là tình hình chung của tất cả các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội.

Đánh giá về tình hình giáo dục trên địa bàn quận Hà Đông, bà Hằng cho biết trong vài năm trở lại đây, sĩ số học sinh trong một lớp không còn tình trạng quá cao như trước. Nguyên nhân được cho là phía chính quyền quận Hà Đông đã đầu tư xây mới nhiều đơn nguyên phục vụ học tập và nhu cầu của người dân là cho con theo học tại các trường tư thục.

Hình ảnh khai giảng năm học 2022 - 2023 của Trường Mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: INT

Hình ảnh khai giảng năm học 2022 - 2023 của Trường Mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: INT

Đảo lộn cuộc sống vì học sinh phải… nghỉ học luân phiên

Số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sĩ số học sinh tiểu học/lớp trung bình khoảng 42 em. Tuy nhiên, tại một số quận nội thành có quy mô dân số đông, tốc độ đô thị hoá cao luôn xảy ra tình trạng sĩ số gần 50 học sinh/lớp, cá biệt có trường gần 60 học sinh/lớp.

Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, đặc biệt ở một số quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai, do số học sinh đông, thiếu phòng học 2 buổi/ngày nên các trường tiểu học đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng để làm phòng học. Tuy nhiên, việc tổ chức cho học sinh học tập luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần được nhiều bậc phụ huynh đánh giá gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ nói riêng và người dân nói chung.

Anh Nguyễn Hữu Đ. đang có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt. Hiện tại con anh đang áp dụng lịch học nghỉ thứ 5, thứ 6 và học bù vào ngày cuối tuần là thứ 7. Gia đình neo người, nên theo anh Đ., lịch học của con khiến vợ chồng anh nhiều phen khốn đốn.

“Hai ngày giữa tuần cháu được nghỉ trong khi vợ chồng tôi phải đi làm. Cháu lại chưa thể tự chăm sóc được cho bản thân nên những ngày này, tôi phải nhờ gửi cháu ở nhà người quen. Thứ 7, Chủ nhật vợ chồng tôi được nghỉ thì cháu lại phải đi học một buổi. Nhiều khi gia đình có việc muốn tranh thủ thời gian cuối tuần để về quê hoặc đi chơi đâu đó nhưng với lịch học như trên đúng là có nhiều bất tiện”, anh Đ. chia sẻ.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo GD&TĐ, một giáo viên chủ nhiệm tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, việc học luân phiên đang gây ra những khó khăn nhất định cho cả học sinh và phụ huynh. Theo nữ giáo viên này, thời gian đầu, nhà trường áp dụng lịch học luân phiên, không chỉ riêng phụ huynh và các em học sinh mà chính bản thân cô cũng thấy lạ lẫm.

Đánh giá về tác động của việc quá tải sĩ số lớp, nữ giáo viên cho biết trước mắt là việc giảng dạy cũng như tiếp thu bài của học trò. “Với một lớp học sĩ số theo quy chuẩn, việc truyền thụ kiến thức, quản lý lớp của giáo viên cũng sẽ đỡ vất vả hơn. Trong khi đó, giáo viên cũng có thời gian để quan tâm đến từng học sinh. Ngoài ra, trong một lớp học với sĩ số học sinh quá đông, các em cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức từ trên lớp”, nữ giáo viên chia sẻ.

Sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập tại quận Hoàng Mai đều vượt quá mức quy định của Bộ GD&ĐT. Với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập là hơn 79.600, nếu chiếu theo quy định, toàn ngành Giáo dục quận Hoàng Mai còn thiếu 36 trường (mầm non: 22, tiểu học: 13 và THCS: 1).

(còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ