Nan giải bài toán 'xây nhà nhưng không xây trường' (bài 4)

GD&TĐ - Tốc độ đô thị hóa khiến dân số tăng quá nhanh gây áp lực lên hạ tầng GD là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng thiếu trường học...

Mật độ chung cư dày đặc trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh không chỉ gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, mà còn khiến trường lớp khu vực quá tải.
Mật độ chung cư dày đặc trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh không chỉ gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, mà còn khiến trường lớp khu vực quá tải.

Bài 4: Mắc kẹt giữa… chốn phồn hoa

Sức ép quá lớn!

Theo ông Hồ Tấn Minh, việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế, làm tăng nguồn chi của ngân sách TP. Hiện nay, nhiều quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, (công bố tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12) Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TPHCM), tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/năm. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.

Trong số 30 quận, huyện của Thủ đô, quận Hoàng Mai được biết đến là đơn vị hành chính có số dân đông nhất với dân số tính đến năm 2022 là 532.450 người, phân bổ trên diện tích 4.104,1ha. Tốc độ phát triển nhanh nhất trên địa bàn quận Hoàng Mai phải kể đến phường Hoàng Liệt với 85 chung cư cùng dân số trên 92.000 người. Đây là phường có số lượng dân cư đông nhất tại Hà Nội. Theo số liệu thống kê, trước khi chuyển lên phường, xã Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ, với gần 7.000 người thì nay dân số đã tăng hơn 10 lần.

Ngành Giáo dục quận Hoàng Mai hiện có 90 trường (58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập), 2.048 lớp (công lập có 1.697 lớp), 370 nhóm, lớp mầm non độc lập, hơn 98.500 học sinh. Bình quân 4 năm liên tiếp trở về đây mỗi năm quận Hoàng Mai tăng gần 4.000 học sinh. Tính riêng năm học 2022 - 2023, quận có thêm 5.430 học sinh, tương đương khoảng 100 phòng học.

Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội sau sự việc bốc thăm để vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, đại diện quận Hoàng Mai cho biết, với tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hằng năm, nên sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường này là rất lớn. Sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập tại quận Hoàng Mai đều vượt xa quy định của Bộ GD&ĐT.

Đơn cử như ở bậc học mầm non có 22 trường công lập và 26 trường ngoài công lập; 370 nhóm, lớp mầm non độc lập. Với số trẻ mầm non khoảng 31.300 trẻ, bình quân một lớp ở các trường công lập có 38,5 trẻ. Ở cấp tiểu học, toàn quận Hoàng Mai có 20 trường công lập và 3 trường ngoài công lập. Với số học sinh khoảng 43.600 em, trong đó, tiểu học công lập là 41.600 (tăng hơn 1.400 em), bình quân có 48 em/lớp. Với bậc học THCS, quận hiện có 17 trường công lập và 1 trường tư thục. Với số học sinh gần 24.000, trong đó hơn 23.700 học công lập, bình quân 1 lớp có 46 học sinh.

Đặc biệt, trong báo cáo của quận Hoàng Mai nêu rõ, với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học 2022 – 2023 là hơn 79.600, nếu chiếu theo quy định của toàn ngành Giáo dục thì quận còn thiếu 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1).

Hà Đông cũng là một quận có sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập vượt xa so với quy định của Bộ GD&ĐT. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sĩ số học sinh trung bình là 49,7; bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Với số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, quận Hà Đông khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2022, tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất với chỉ 55%.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, quận có dân số gần 500.000 người, mỗi năm tăng từ 6.000 - 7.000 học sinh. Bà Hòa cho rằng, với tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hóa như hiện nay mà số trường học không được xây dựng hoàn thành thì dự báo trong 5 năm tới, quận Hà Đông sẽ thiếu trường học trầm trọng.

Cầu lớn hơn cung nên Trường Mầm non Hoàng Liệt phải sử dụng những lá thăm may mắn để chọn học sinh.

Cầu lớn hơn cung nên Trường Mầm non Hoàng Liệt phải sử dụng những lá thăm may mắn để chọn học sinh.

Chưa có lối thoát

Tại TPHCM, việc gia tăng mật độ cư dân nhanh chóng cũng đã tạo áp lực khủng khiếp lên hệ thống trường lớp khối công lập. Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết chỉ tính riêng năm học 2021 - 2022, số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 343.894 em. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.

Quận Bình Tân là một trong những quận gặp áp lực rất lớn về nhập cư. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT, số học sinh Bình Tân năm học 2022 - 2023 là 116.236 học sinh, tăng 4.278 em. Có nhiều phường rất đông công nhân ở các chung cư như: An Lạc, Tân Tạo, Bình Hưng Hòa B… Các chung cư dưới 2.000 căn được bố trí trường, lớp mầm non kèm theo, nhưng những khu trên 2.000 căn chỉ có một trường tiểu học. Các trường đã tận dụng cải tạo các phòng khác để làm phòng học và nâng sĩ số lớp học cao hơn so với quy định.

“Thực tế, phần lớn học sinh cấp bậc tiểu học trở lên sống tại chung cư nhưng vẫn phải học ở các trường công lập trên địa bàn phường, chứ rất hiếm trường được xây ngay tại chính nơi các em ở. Vì vậy, địa phương này đã có giải pháp bố trí chỗ học cho học sinh tại các phường lân cận, giảm số buổi học 2 buổi, bán trú để tiếp nhận học sinh.

Đồng thời, quận nâng sĩ số lớp học cao hơn so với quy định, vận động phụ huynh có điều kiện tài chính gửi các cháu vào học tại các trường ngoài công lập. Hiện, quận Bình Tân cũng đã xây dựng Đề án số về thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025 xây mới và cải tạo mở rộng thêm 831 phòng với 40 dự án”, ông Tuyên cho biết.

Hiện nay, các trường ở nhiều khu chung cư, hay đô thị mới nếu có, phần lớn là các trường tư thục và trường quốc tế nên mức học phí rất cao. Nhiều gia đình đã “mắc kẹt” trong chính lựa chọn thay đổi chỗ ở của mình khi không tính toán kỹ bài toán kinh tế sinh hoạt, học phí cho con em, bởi trường quốc tế, tư thục gần nhà mức học phí từ vài triệu đồng/tháng cho đến hàng trăm triệu/năm.

Chị Trần Thị Nhung, một cư dân mới của Khu đô thị Sala, TP Thủ Đức, cho biết chuyện thay đổi chỗ ở với chị là nhu cầu thật sự của gia đình, cần một không gian kinh doanh phù hợp hơn. Tuy vậy, tới thời điểm này, điều chị trăn trở nhất chính là tìm trường để chuyển cho 2 đứa con, bởi gia đình không thể gánh mức học phí gần 700 triệu đồng/năm/mỗi cháu.

“Khu đô thị tôi ở hiện không có trường tư thục nào ngoài Trường liên cấp quốc tế Việt Nam Australia. Trong bán kính gần nhất khoảng 10 km có trường công lập THCS, THPT bên phường An Phú nhưng không dễ xin chuyển qua, vì rào cản chuyển từ khối tư thục về công lập. Còn học trường tư thục khác (không có yếu tố quốc tế) thì con tôi phải đi Quận 4 hoặc Bình Thạnh để học, quãng đường di chuyển là rất xa. Rõ ràng các khu đô thị mới không có hạ tầng giáo dục phát triển song hành và đồng bộ khiến cư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm trường cho con đi học”, chị Nhung nói.

Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết, theo quy định, mỗi phường chỉ cần 1 trường công lập ở mỗi cấp học nhưng tại quận Hoàng Mai, chỉ riêng phường Hoàng Liệt hiện đã có tới 3 trường tiểu học công lập nhưng vẫn rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.