Nam sinh khuyết tật tự thiết kế sơ đồ học tập

GD&TĐ - Tại Lễ tuyên dương học sinh giỏi, tiêu biểu Thủ đô năm học 2016-2017, hình ảnh một nam sinh khuyết tật, đôi tay chống nạng, có những đoạn đường khó mẹ phải bế em vượt qua, đã khiến nhiều người xúc động. 

Hai mẹ con em Bùi Minh Đức tại Lễ tuyên dương học sinh giỏi, tiêu biểu Thủ đô năm học 2016-2017
Hai mẹ con em Bùi Minh Đức tại Lễ tuyên dương học sinh giỏi, tiêu biểu Thủ đô năm học 2016-2017

Càng cảm phục hơn khi biết em là một cậu học trò ngoan, lễ phép, luôn có ý thức vượt lên chính mình và có bảng thành tích học tập "khủng".

Tự thiết kế sơ đồ học tập

Đó chính là em Bùi Minh Đức - học sinh lớp 11A2 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội). Suốt từ năm lớp 1 đến nay, Đức luôn là học sinh giỏi toàn diện, xuất sắc; điểm trung bình các môn học luôn dao động từ 9,6 đến 9,7.

Đặc biệt năm lớp 9 và lớp 11, Đức đạt giải nhều giải thưởng tại các kỳ thi cấp trường, cấp quận và cấp thành phố. Đơn cử như năm lớp 9, em đạt giải Khuyến khích cấp thành phố môn Kỹ thuật điện và Giải Toán qua mạng. Năm học 2016-2017, em đoạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp trường môn Vật lý.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Minh Đức cho hay: Em luôn chú ý tập trung nghe các thầy, cô giáo giảng bài, có gì không hiểu thì em sẽ hỏi các thầy, cô và các bạn ngay trên ở lớp để kiến thức không bị trôi đi. Khi về nhà, em luôn học thuộc lý thuyết để nắm chắc bản chất vấn đề và kiến thức trọng tâm của bài học.

Sau đó, em làm bài tập đầy đủ, và có đọc thêm một số sách tham khảo để bổ sung kiến thức sâu rộng hơn. Với các môn Khoa học Tự nhiên, việc nắm chắc lý thuyết và luyện giải bài tập phải được kết hợp nhuần nhuyễn và không được coi nhẹ mặt nào; trong đó lý thuyết là yếu tốt đầu tiên và rất quan trọng để chúng ta "nhập môn" tốt, có chiều sâu. Bởi nếu không nắm vững lý thuyết thì sẽ không làm được bài tập. Cần lưu ý: Càng làm nhiều bài tập thì kiến thức của bài học sẽ được "vỡ" ra. Lúc đó chúng ta sẽ tự tìm được cho mình quy luật trong cách luyện giải cũng như cách học.

Theo kinh nghiệm của Minh Đức, để dễ nhớ, dễ hiểu, sau mỗi môn học e thường viết lại các kiến thức đã học theo sơ đồ. "Chẳng hạn như với môn Sinh học, từ một mục lớn, em có thể chia ra thành nhiều mục nhỏ, từ các mục nhỏ đó lại chia tiếp thành nhiều nhánh riêng, mỗi nhánh là một ý. Khi nhìn vào sơ đồ đấy, mình sẽ thấy các kiến thức đấy rất là trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm" - Minh Đức chia sẻ và cho biết: Môn học mà em yêu thích nhất là Vật lý. Vì thế, môn học này năm nào cũng đạt kết quả xuất sắc với điểm tổng kết luôn đạt hơn 9,0; có năm gần đạt điểm tuyệt đối.

Cũng theo Minh Đức, học Vật lý cho em nhiều kiến thức thực tế và có thể vận dụng để giải thích một số hiện tượng thiên nhiên như: sấm - sét; mưa, lốc; đặc biệt có thể ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, em có thể sửa chữa những hỏng hóc đơn giản về điện, hoặc sửa các thiết bị điện tử cho bố, mẹ như: ti vi, điện thoại, quạt điện.....

Ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ

Mẹ em - chị Bùi Thị Phương kể lại: Khi bác sỹ thông báo kết quả kiểm tra rằng, Minh Đức có vấn đề về chân và sẽ phải dụng nạng làm bạn, vợ chồng chị không tin vào sự thật và cảm thấy đau đớn vô cùng. Hai vợ chồng đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng kết quả cũng không khả quan. Cuối cùng cả hai đành phải chấp nhận sự thật phũ phàng.

Chị Phương bộc bạch và cho biết: Đức là một đứa con ngoan, rất nghe lời bố mẹ. Từ bé, Đức rất có ý thức tự lập và tự giác trong học tập. "Vợ chồng tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở hoặc nặng lời với con về chuyện học hành. Cháu học đều tất cả các môn, nhưng nổi trội hơn cả là môn Vật lý. Đặc biệt, cháu rất yêu thích công nghệ thông tin và tự tìm hiểu mày mò, học hỏi trên mạng các kiến thức về lĩnh vực này. Song điều mà vợ chồng tôi yên tâm và phấn khởi nhất đó là, cháu không hề tự ti về hoàn cảnh và luôn có ý thức phấn đấu, vươn lên để khẳng định mình".

Đức cho biết, ước mơ sau này của em là trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin. Thế nên hết lớp 12, em dự định sẽ thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo đuổi ước mơ của mình. "Em sẽ phấn đấu không ngừng trong học tập không chỉ để đạt kết quả, thành tích cao, mà em muốn chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững vàng để bước vào cuộc sống. Hành trang đó chỉ có thể là tri thức" - Minh Đức trải lòng.

"Chính hoàn cảnh đã tạo động lực để em nỗ lực bằng năm, bằng mười so với các bạn trong học tập. Em muốn sau này có công việc ổn định để có thu nhập, tự nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Hơn nữa em không muốn bố, mẹ phải phiền lòng về em" - Em Bùi Minh Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ