Đó là chia sẻ của các em học sinh sau khi tham gia dự án Năm ngón tay an toàn (Five Safe Fingers) – dự án toàn cầu được phát động từ tháng 3 năm 2017 và hiện nay vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam và hơn 38 quốc gia trên toàn cầu.
Thực trạng việc giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em Việt Nam
Mặc dù, vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ngày càng được quan tâm nhưng dường như tình trạng các em bị xâm hại chưa bao giờ dừng lại. Một số trường học cũng đã chú ý hơn đến việc tổ chức giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn hoặc một số nơi có tổ chức thực hiện nhưng vẫn còn mang tính hình thức, chưa thật sự “đến nơi đến chốn”.
Chương trình Sách giáo khoa Việt Nam vẫn chưa được quan tâm nhiều. Cụ thể, xuyên suốt chương trình Tiểu học, các em chỉ được học một bài duy nhất ở môn Khoa học lớp 5. Nội dung của bài học này cũng khá chung chung nên hiệu quả mang đến chưa cao. Bản thân người dạy (giáo viên) vẫn chưa dành nhiều thời gian cũng như có đủ kỹ năng để hướng dẫn các em học sinh một cách tự nhiên; giải đáp, hướng dẫn đầy đủ thông tin cho các em.
Qua việc làm khảo sát khi thực hiện dự án, tôi nhận thấy các em ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng núi, hầu như không được tiếp cận với các bài học về phòng chống xâm hại tình dục. Từ đó, dẫn đến việc các em không có kiến thức hoặc có sự hiểu biết chưa đầy đủ, chính xác về xâm hại. Đơn cử như việc các em cho rằng xâm hại là khi người khác làm các em đau trong khi thực tế việc xâm hại có thể làm cho một số em có cảm giác thích thú.
Với trẻ, nếu bị xâm hại nghiêm trọng, trẻ tổn thương cơ quan sinh dục, mắc bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, có trường hợp tử vong. Sang chấn tâm lý của trẻ bị xâm hại tình dục cũng không kém phần nghiêm trọng, trẻ lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, xấu hổ, trầm cảm, trở nên sống khép kín, mất tự tin, và tất cả biểu hiện này có thể kéo dài nhiều năm, có khi cả cuộc đời. Với gia đình của trẻ, nỗi đau khó nguôi ngoai, cộng thêm cả sự xấu hổ, dằn vặt. Do đó, việc cần được cung cấp những kiến thức cần thiết và đầy đủ về phòng chống xâm hại tình dục là một nội dung quan trọng trong tình hình giáo dục hiện nay.
Dự án Năm ngón tay an toàn (Five Safe Fingers) được lấy cảm hứng từ “Quy tắc 5 ngón tay dạy con tránh bị lạm dụng tình dục" của Th.s tâm lý Phùng Duy Hoàng Yến cùng sự trăn trở của nhiều giáo viên vì tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn đang diễn ra từng ngày. Nhiều giáo viên đã từng chứng kiến những hậu quả nặng nề về cả thể chất và tinh thần của các em sau lần bị xâm hại.
Pháp luật cũng đã có những biện pháp xử lí dành cho những tội danh này. Tuy nhiên, thay vì trông đợi pháp luật xử lí, tôi quan niệm: nhà trường và gia đình hãy đẩy mạnh việc giáo dục phòng tránh bị xâm hại tình dục cho trẻ là việc làm trước mắt và quan trọng hơn. Xuất phát từ những mong muốn, sự trăn trở đó, dự án đã tìm được sự đồng cảm và đăng ký tham gia của hơn 100 giáo viên từ 38 trường học tại Việt Nam và thế giới.
5 tuần – một mục tiêu
Trong 5 tuần tham gia dự án, các em được hình thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân mình trong các tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Trong tuần đầu tiên, các em được sử dụng công cụ Flipgrid để giới thiệu bản thân mình, trường, lớp với bạn bè cùng tham gia dự án. Tuần 2, các em được khám phá kiến thức thông qua việc tìm kiếm thông tin trên internet hoặc các bài chia sẻ của những đại sứ dự án thông qua công cụ Skype.
Cô giáo Trương Hồ Trâm Anh – một giáo viên tham gia dự án – đã hướng dẫn các bài võ tự vệ giúp cho các em càng thích thú tham gia dự án. Trong tuần 3, các em bắt đầu thực hiện các sản phẩm dự án dựa trên những kiến thức có được trong tuần 2. Được xem qua các sản phẩm rất công phu như phim, bài thuyết trình, games,..mới thấy được sự sáng tạo và đam mê học tập không giới hạn của các em.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuần 4, các em còn hào hứng chia sẻ các sản phẩm của mình với bạn bè khắp nơi qua Skype. Hoạt động này không chỉ giúp các em được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau mà còn hình thành sự tự tin trong giao tiếp cũng như rèn thêm kỹ năng sử dụng tiếng Anh của mình.
Vào tuần cuối cùng, dự án được lan tỏa đến cộng đồng thông qua chiến dịch “Tiếng nói của trẻ em”. Thật xúc động được nhìn thấy niềm vui của các em khi chia sẻ các tờ rơi của dự án đến người đi bộ trên đường Nguyễn Huệ. Một số em còn mạnh dạn chia sẻ kỹ năng phòng chống xâm hại mà các em được học đến những em ở các lớp nhỏ hơn.
Tín hiệu lạc quan từ dự án
Với sự tham gia của hơn 100 giáo viên từ 38 trường tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam và một số nước trên toàn cầu, dự án đã đem đến lợi ích cho hơn 5000 học sinh, có những học sinh đến từ các trường dân tộc miền núi của tỉnh Lào Cai, có những trường có hơn 1000 học sinh/ tổng số 2000 học sinh tham gia. Dự án đã mang đến một hình thức học tập mới, tạo cơ hội cho tất cả học sinh được tiếp cận với những kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Qua chia sẻ, nhiều giáo viên và học sinh cho biết đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận với những kiến thức này và tỏ ra vô cùng hứng thú tham gia. Với việc triển khai trên website, hiện nay dự án vẫn đang tiếp tục nhận được sự tham gia của các giáo viên khắp nơi. Sau quá trình thực hiện, dự án đã vinh dự nhận được giải thưởng Cộng tác sáng tạo toàn cầu của tổ chức ISTE, cũng như được sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước.
Với những kết quả đạt được ban đầu, dự án hy vọng sẽ mở ra con đường mới trong giáo dục xâm hại tình dục trẻ em.