Chính vì vậy, bên cạnh sự hành động của cộng đồng, các cơ sở giáo dục cần có những can thiệp mạnh mẽ hơn trong các hoạt động giáo dục nhằm giúp học sinh, sinh viên được an toàn trước quấy rối tình dục.
Tiếng nói khẩn thiết
Từ kết quả khảo sát 394 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, phần lớn học sinh, sinh viên đã có những trải nghiệm nhất định là nạn nhân từng bị, hoặc chứng kiến nhiều hình thức, tình huống quấy rối tình dục nơi công cộng, như: Đụng chạm sờ mó, quấy rối tình dục bằng lời nói và phi lời nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể để khiêu khích, gợi tình, nháy mắt, trêu đùa khiến cho người khác cảm thấy khó chịu… Những địa điểm công cộng có nguy cơ cao là xe buýt/các phương tiện công cộng, công viên, bãi tắm, hồ bơi…
Theo TS Nguyễn Thị Trâm Anh – thành viên nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), kết quả nghiên cứu cho thấy, nhu cầu hỗ trợ các dịch vụ xã hội của học sinh, sinh viên có trải nghiệm với quấy rối tình dục là khá đa dạng. Đa số học sinh, sinh viên có trải nghiệm với quấy rối tình dục mong đợi nhà trường, gia đình và trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Trong đó, số lượng học sinh, sinh viên mong muốn nhà trường là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Kết quả này rất phù hợp với chức năng giáo dục của nhà trường, đồng thời cũng cho thấy kỳ vọng lớn lao của các em học sinh, sinh viên với trường học trong việc trợ giúp cho họ những vấn đề liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục hiện nay. Về các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến pháp lý, nhiều học sinh, sinh viên mong đợi nguồn cung cấp là từ chính quyền địa phương, trung tâm công tác xã hội. Nguồn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế theo mong đợi được phân tán đều cho cả gia đình, nhà trường, trung tâm công tác xã hội và cả chính quyền địa phương.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Chia sẻ về những hiệu quả mang lại khi triển khai nội dung giáo dục này tại một số trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng, TS Nguyễn Thị Trâm Anh cho biết: Nội dung chương trình giáo dục năng lực phòng ngừa và ứng phó với hành vi quấy rối tình dục cho học sinh được xây dựng với các hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ em tiểu học. Qua đó giúp trẻ hình thành và nâng cao khả năng nhận biết được các yếu tố như tình huống, bối cảnh không gian, thời gian có thể xảy ra xâm hại tình dục trẻ em.
Trong hoạt động giáo dục kỹ năng nhận diện nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, học sinh rất hứng thú tham gia bởi chủ đề phù hợp với nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Nội dung chương trình giáo dục đa dạng các hoạt động, giúp chuyển tải nhẹ nhàng và sinh động các nội dung của kỹ năng đến các em học sinh. Kết quả sau khi tham gia chương trình học tập, đa phần học sinh đã có những thay đổi rõ rệt trong hiểu về xâm hại tình dục và nhận diện về các nguy cơ có thể xảy ra xâm hại tình dục trẻ em.