Mỹ phủ nhận 'cả kho Tomahawk' bị Iran ép nổi tại Hormuz

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, đóng tại Bahrain vừa lên tiếng về thông tin tàu ngầm lực lượng này bị Iran ép phải nổi lên khi qua eo biển Hormuz.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ.

Trong tuyên bố hôm 20/4, chỉ huy Timothy Hawkins đồng thời là phát ngôn viên của Hạm đội 5, đã phủ nhận sự việc và nói đây là hành động lan truyền "thông tin sai lệch" có mục đích của Iran.

"Tàu ngầm Mỹ không đi qua eo biển Hormuz trong ngày 20/4 hoặc gần đây... Tuyên bố thể hiện nhiều thông tin sai lệch từ Iran không đóng góp cho an ninh và ổn định trên biển tại khu vực", chỉ huy Timothy Hawkins nói.

Vị phát ngôn viên này cho biết thêm, hồi đầu tháng 4, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Florida mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ được điều đến Trung Đông để hỗ trợ Hạm đội 5 trong một số nhiệm vụ. USS Florida có khả năng mang 154 tên lửa Tomahawk.

Cùng ngày, Tư lệnh hải quân Iran Shahram Irani tuyên bố, tàu ngầm nước này đã phát hiện và buộc tàu ngầm Mỹ phải nổi lên mặt biển khi nó đi qua eo Hormuz.

"Tàu ngầm Mỹ đi qua eo biển Hormuz để tiến vào Vịnh Ba Tư trong trạng thái lặn, nhưng tàu ngầm Fateh của Iran đã phát hiện và cơ động để buộc nó phải nổi lên. Tàu ngầm Mỹ cũng tiến vào lãnh hải của chúng tôi nhưng đã điều chỉnh hành trình sau khi được cảnh báo", ông Shahram Irani tuyên bố.

Theo Tư lệnh Irani, tàu ngầm Mỹ đã tìm mọi cách để bí mật đi qua eo biển Hormuz nhằm tránh bị Iran phát hiện. "Chúng tôi chắc chắn sẽ phản ánh với các cơ quan quốc tế về việc họ đã vi phạm hải giới của chúng tôi", ông Irani cho biết thêm.

Hoạt động và hải trình của các tàu ngầm hạt nhân luôn được Mỹ giữ bí mật, do chúng cần ẩn mình tối đa để duy trì khả năng răn đe và sẵn sàng tung đòn phủ đầu vào đối phương. Vị trí và hình ảnh tàu ngầm chỉ được Mỹ công bố trong một số lần hiếm hoi, khi căng thẳng khu vực và quốc tế leo thang.

Hạm đội 5 hải quân Mỹ phụ trách tuần tra eo biển chiến lược Hormuz, cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới, cũng như như eo biển Bab el-Mandeb ngoài khơi Yemen và Biển Đỏ.

Lực lượng Iran và Mỹ từng xảy ra một số cuộc đối đầu trên biển. Đầu tháng này, hải quân Iran cho biết đã xác định và cảnh báo một máy bay trinh sát Mỹ bên ngoài Vịnh Ba Tư. Năm 2019, Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ bị cáo buộc bay qua miền nam nước này.

USS Florida cùng hạm đội tàu ngầm là một bộ phận quan trọng tạo nên sức mạnh của lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ. Hơn 50% trong tổng số 1.744 vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lắp đặt trên các tàu ngầm tên lửa chiến lược.

Hải quân Mỹ đang vận hành 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN). Đây là các tàu SSBN được chuyển đổi thành SSGN vào những năm 2000, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng cho phép chúng mang theo số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk.

Mỗi ống phóng trong số 22 ống phóng của mỗi tàu ngầm hoán cải chứa tới 7 quả Tomahawk, tức tổng cộng 154 tên lửa hành trình. Trong đó, các tên lửa Tomahawk có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân với sức công phá từ 5 – 150 kiloton.

SSGN cũng có thể chuyên chở các quân nhân tham gia những sứ mệnh đặc biệt, bí mật ở các bờ biển xa.

Để tăng cường sức mạnh cho hạm đội ngầm, Mỹ dự kiến sẽ trang bị tổng cộng 12 tàu ngầm thế hệ mới lớp Columbia được ứng dụng những công nghệ và vũ khí hàng đầu hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ