Động lực thúc đẩy dạy học ngoại ngữ

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Điều này được các nhà giáo cho là phù hợp, giúp học sinh có thêm lựa chọn, tạo động lực thúc đẩy dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.

Tăng thêm tri thức và kiến thức

Cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết: Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi môn học này để xét tốt nghiệp THPT bắt đầu từ năm 2019. Nhiều trường đại học cũng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển.

Điều này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đưa ra, đó là học sinh Việt Nam có thể đạt mức 3 Khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu sau 10 năm học tiếng Anh. Đồng thời cũng là động lực thúc đẩy việc học ngoại ngữ của học sinh theo khung chuẩn Châu Âu - đều cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

“Việc quy đổi, bởi vậy không những phù hợp mà còn có tác dụng thúc đẩy việc dạy học ngoại ngữ trong nhà trường. Tại Lômônôxốp, do xuất phát trường chuyên ngữ nên môn ngoại ngữ được ưu tiên, chú trọng. Ngay từ THCS, học sinh lớp 9 đã được động viên tham gia thi IELTS để xét tuyển vào một số trường THPT.

Với lớp học, học sinh khi nộp hồ sơ vào trường đã được tư vấn vào các lớp OEA để được luyện thi IELTS ngay trong chương trình học… Do đó, gần như 100% học sinh trong trường đều biết đến tác dụng của việc học IELTS, cách thức thi và tham gia thi”, cô Liên cho hay.

Có cùng quan điểm, cô Vương Thị Kiều Nga, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cho rằng: Quy định về quy đổi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT, vì các chứng chỉ trong danh mục là chứng chỉ quốc tế, đánh giá được toàn diện các kỹ năng ngoại ngữ của người học. Mức độ điểm quy đổi cũng phù hợp. Tại trường, một số học sinh quan tâm đến cách xét điểm quy đổi này.

“Học sinh nên học ngoại ngữ vì nó là chìa khóa tăng thêm tri thức và kiến thức trong cuộc sống, không nên chỉ vì các chứng chỉ ngoại ngữ. Đồng thời, việc rèn luyện một ngoại ngữ cần nhiều thời gian, sự chăm chỉ, nỗ lực, không nên có suy nghĩ luyện tập cấp tốc. Điều này có thể tạo thêm sức ép cho chính người học và khi kiến thức nền tảng không vững chắc thì ở giai đoạn cuối học sinh sẽ khó đạt được kỳ vọng, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng”, cô Vũ Thị Khánh Linh lưu ý.

Cô Vũ Thị Khánh Linh, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, quy định về quy đổi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh có thêm lựa chọn; đồng thời là động lực để học sinh lập kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể hơn. Biết trước quy định về quy đổi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, phụ huynh và học sinh đều nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra từ năm đầu của khối THPT.

Mức điểm quy đổi như Bộ GD&ĐT công bố cũng là phù hợp. Cô Linh cho biết, gần đây có quan điểm cho rằng cần tăng điểm quy đổi. Tuy nhiên, quy định này áp dụng trên cả nước, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực các nơi khác nhau. Do đó, điểm quy đổi như hiện tại tạo động lực và khả thi hơn.

Theo thạc sĩ Trần Thị Thu Giang, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mức điểm IELTS 4.0 tương đương B1, là chuẩn đầu ra của THPT. Nên đạt mức này, học sinh được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT là phù hợp. TS Bùi Thị Thanh Hương, giảng viên ĐHQG Hà Nội cũng đồng tình và cho rằng thi IELTS học sinh có kỹ năng toàn diện hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

“Vừa miễn, vừa thi”

Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 17/4, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) lưu ý: Chậm nhất ngày 13/5, thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ thì mới được đăng ký để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27/6 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Thí sinh được đăng ký dự thi môn thi ngoại ngữ giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học ở trường. Đặc biệt, thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT có thể đăng ký thi môn thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Với việc cho phép thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, nhưng nếu có nguyện vọng xét tuyển môn này vào đại học, vẫn được đăng ký thi để lấy điểm xét tuyển, cô Đinh Thị Bích Liên nhận định hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, với cương vị một giáo viên dạy ôn luyện thi trực tiếp cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, cô Liên mong muốn Việt Nam có đủ điều kiện để tổ chức kiểm tra chuẩn đầu ra cho học sinh THPT bằng 4 kỹ năng, để các em không phải chi phí quá đắt đỏ cho kỳ thi IELTS hiện nay.

Cô Vũ Thị Khánh Linh có ý kiến tương tự và cho rằng: Với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, việc tạo ra nhiều lựa chọn sẽ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, năng lực cũng như nguồn lực của gia đình và chính các em. Đồng thời, mỗi kỳ thi có đặc điểm, tiêu chí khác nhau sẽ giúp đánh giá được toàn diện năng lực người học.

Ngôn ngữ và tư duy liên hệ chặt chẽ, vì thế học ngôn ngữ tốt cho thấy khả năng tư duy tốt. Do đó, việc sử dụng ngoại ngữ như một điều kiện để tuyển sinh cũng giúp cơ sở đào tạo tìm được những người học có khả năng tư duy linh hoạt, mang tính phê phán, chất lượng cao…

Cô Vương Thị Kiều Nga lưu ý một số hạn chế khi học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Đó là học phí để ôn thi chứng chỉ khá cao, không phải học sinh nào cũng tiếp cận được. Format đề thi không đồng nhất với đề thi tốt nghiệp THPT. Những học sinh có khả năng theo học chứng chỉ quốc tế thì cùng một lúc phải ôn hai hình thức đề thi khác nhau sẽ không hiệu quả với những học sinh có năng lực tiếng Anh trung bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.