Muốn nghỉ việc vì chọn... sai sếp!
Nếu như trước đây, 2 chữ "ổn định" được mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh đánh giá rất cao khi nói đến chuyện công ăn việc làm thì hiện nay không chỉ giới trẻ mà nhìn chung đều có cái nhìn thông thoáng hơn về "nhảy việc".
Đó không phải là một sự khuyến khích, song nếu thấy công việc hiện tại không trả cho bạn xứng đáng với công sức bạn bỏ ra, bạn không tìm được đam mê trong công việc đó, mỗi sáng thức dậy đều ám ảnh với việc đi làm thì hãy nghĩ đến một công việc khác mới mẻ hơn.
Có rất nhiều cách định nghĩa về thế nào là một công việc tốt. Nhiều người cho rằng công việc tốt là khi thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra, người khác lại nghĩ thu nhập cao mà không tìm được đam mê thì cũng... vứt!
Nhìn chung, vật chất và tinh thần luôn phải là những yếu tố song hành cùng nhau. Bạn không thể "hít khí trời" để sống với một công việc khiến mình hứng khởi song cũng chẳng vui vẻ gì nếu cầm đồng lương mà mỗi ngày đi làm đều là những bực dọc, áp lực.
Place (nơi làm việc), People (con người), Pay (tiền lương) và Passion (đam mê) được xem là 4 yếu tố tạo nên một công việc tốt. Nếu bạn thấy công việc của mình không có lấy nổi một yếu tố thuận lợi thì hãy tự tạo cơ hội cho mình. Và thực tế, một trong những lý do khiến các bạn trẻ "nhảy việc" là vì không thích nghi được cách làm việc, quản lý của sếp.
Những trải lòng dưới đây được một cô nàng nhân viên văn phòng chia sẻ trong một hội nhóm. Chuyện là sau 3 tháng làm việc, cô không tìm được sự đam mê trong công việc và đặc biệt là người sếp hay nạt nộ của mình.
"Em đi làm cũng được hơn 1 năm rồi, qua chỗ này thì được 3 tháng. Vị trí em đang làm, trong vòng 1 năm đã thay 3 lần, tính em lần này là người thứ 4. Em chọn chỗ này là vì công ty gần nhà mà mấy hôm nay em nản quá!
Trên em có 1 trưởng phòng, chú ấy lớn tuổi (sinh năm 1961). Tất cả mọi việc nhân sự đều do 1 mình em làm, sếp ngoài việc đến công ty ký giấy chi tiền ra thì thời gian còn lại là ngủ, đánh bài trên máy tính, đọc báo, nghe nhạc...
Sếp em thêm cái bệnh đổ thừa nữa, cái gì cũng đổ lên đầu em cả và rất thích giao việc. Những cái em không biết, em hỏi thì không những không được sếp chỉ giúp mà còn bị nạt nộ như kiểu sỉ vả vậy đó.
Công ty em đang thiếu nhân sự trầm trọng, những vị trí như nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng cũng nhờ đến các bên tuyển dụng nhưng bên họ bảo nghe tới tên công ty em đã lắc đầu, không muốn ứng tuyển. em lại bị lôi ra nói là không tập trung làm việc... Hôm nay là đỉnh điểm khi sếp bảo em vừa làm nhân sự vừa hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Em cảm thấy nản vô cùng, mà công ty em cũng không được đóng bảo hiểm xã hội gì hết".
Ấm ức vì cách hành xử của cấp trên không phải là điều xa lạ gì nên ngay khi vừa chia sẻ, những dòng tâm sự trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo anh chị em văn phòng. Có người bình luận động viên, người thì khuyên cô nàng nên nghỉ việc ngay lập tức và ai cũng có cái lý của mình.
"Sếp mà chỉ biết nạt nộ nhân viên, không khiến cấp dưới khâm phục về nghiệp vụ thì còn gì để vương vấn nữa đâu bạn".
"Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, cái tên khiến giới tuyển dụng phải lắc đầu, một vị trí thay người như thay áo, riêng 3 điều đó thôi đã thấy đây không phải môi trường tốt để cho bạn phát triển rồi".
"Khi ứng tuyển vào vị trí đó và trụ lại đến giờ này, chắc hẳn công ty đó phải có điểm tốt em muốn ở lại chứ. Trước khi đưa ra quyết định gì hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng để cảm xúc dẫn dắt lý trí nhé. Có thể là do em chưa hiểu văn hóa công ty, văn hóa của sếp để thích nghi thì sao?".
Sếp tệ có thể khiến bạn phát bệnh
Công việc với đủ những áp lực về KPI, deadline đã đủ khiến bạn quay cuồng, lại thêm tâm lý áp lực về cấp trên mà không biết phải làm sao để giải quyết, thôi việc là cách "chốt hạ" của không ít người. Một người nhân viên sẽ chẳng dám trút giận lên người trả lương cho mình nên thường chọn bạn bè, người thân hay lên mạng để giãi bày tâm sự.
Cấp trên và đồng nghiệp chính là những người tạo nên yếu tố People trong việc xây dựng nên một công việc tốt. Thực tế đã cho thấy, người sếp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc phát triển một người nhân viên. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một người sếp tệ sẽ ảnh hưởng không ít đến nhân viên của họ.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ chỉ ra rằng có đến 75% số công nhân họ lấy ý kiến cho rằng ông chủ chính là nguyên nhân gây ra những căng thẳng tại nơi làm việc.
Những cái cau mày, lời quát tháo hay việc không tôn trọng cấp dưới khiến người nhân viên bị căng thẳng, đè nén cảm xúc, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ảnh minh họa.
Anna Nyberg, người đứng đầu trong nhóm các nhà nghiên cứu người Thụy Điển tại Viện nghiên cứu về stress tại Stockholm, đã đưa ra nghiên cứu về vấn đề hành vi của người lãnh đạo và sức khỏe của nhân viên.
Sau khi tiến hành nghiên cứu hơn 3.100 người đàn ông trong 10 năm ở môi trường làm việc điển hình, họ phát hiện ra rằng những nhân viên có những người quản lý không đủ năng lực, không quan tâm và không giao tiếp, có khả năng bị đau tim hoặc các bệnh về tim mạch cao hơn hẳn so với những nhân viên còn lại. Theo Nyberg:
"Đối với tất cả những người làm việc dưới sự quản lý mà họ cảm thấy kỳ lạ hoặc theo bất kỳ cách nào họ không hiểu, họ sẽ cảm thấy căng thẳng, nghiên cứu xác nhận điều này có khả năng phát triển thành một mối nguy hại về sức khỏe."
Đơn xin nghỉ việc có thay đổi được vấn đề?
Một người sếp tệ không chỉ khiến nhân viên ức chế mà còn là rào cản để bạn phát triển năng lực. Nhưng khoan hãy nghĩ đến việc viết ngay một lá đơn xin nghỉ việc khi vừa bị sếp mắng. Hãy cho bản thân một cơ hội để phát triển khi công việc hiện tại không phù hợp nhưng nếu chỉ là vì bị sếp mắng mỏ vài câu, hãy bình tĩnh để cân nhắc một cách kỹ càng.
Thứ nhất, việc "tăng xông" khi bất đồng quan điểm với sếp hay thấy ấm ức vì mình không được coi trọng rồi xin nghỉ việc sẽ khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp, không đủ bản lĩnh và quá đề cao cái tôi. Thay vì vậy, bạn hoàn toàn có thể chứng minh năng lực của mình, khiến sếp phải tâm phục khẩu phục và thay đổi cục diện.
Thứ hai, bạn khó chịu vì hôm nay bị sếp mắng, bạn đem chuyện kể lể với bạn bè và "chốt hạ" bằng một lá đơn xin nghỉ cho bõ tức. Nếu bạn nghĩ rằng cấp trên sẽ thay đổi và năn nỉ giữ bạn ở lại thì bạn đã nhầm.
Với vị trí của những người quản lý, họ chỉ giữ những người muốn ở lại. Vị trí của sếp còn có thể thay đổi, huống hồ đó là một nhân viên. Công ty sẽ vẫn hoạt động tốt khi bạn đi. Hãy cân nhắc kỹ càng giữa những điều được và mất, ghi ra giấy những điểm cộng của công ty mình.
Ảnh minh họa.
Thứ ba, đừng nhìn bề ngoài và đánh giá công việc của người cấp trên là nhàn hạ hay "chẳng phải làm gì" như nhiều nhân viên vẫn nói. Không phải tự dưng mà họ có được vị trí như ngày hôm nay. Bị mắng và nảy sinh tâm lý ấm ức là điều dễ hiểu song khách quan mà nhìn nhận thì có phải bạn mắc sai lầm thật không?
Thứ tư, để "sống sót" tốt trong môi trường công sở cần nhiều hơn là nghiệp vụ tốt. Bạn hãy quan sát xem những đồng nghiệp xung quanh có phẫn nộ với sếp như bạn hay chỉ có mình bạn thấy vậy?
Đôi khi chỉ cần một chút để ý, bạn có thể phát hiện ra lý do mình bị sếp "đưa vào danh sách đen" chẳng hạn. Ứng xử khéo léo là điểm cộng giúp bạn gặp thuận lợi trong tất cả các mối quan hệ.
Sau cùng, khi đã cân nhắc kỹ càng về các yếu tố phát triển của công việc, cố gắng thay đổi mối quan hệ của mình và sếp nhưng không hiệu quả, hãy cân nhắc đến việc tìm đến một công việc mới.
Tuy nhiên, dù là vì bất cứ lý do gì, hãy nhớ đến chuyên nghiệp thì cũng đi theo cách chuyên nghiệp nhất. Nói xấu hay trách móc, đổ lỗi chỉ là hành động của một đứa trẻ con, người không chuyên nghiệp. Nhớ rằng, đích đến của bạn là một công việc tốt với người lãnh đạo giúp mình phát huy những tiềm năng vốn có.