Mục tiêu năng lượng ở các nước nghèo vẫn xa vời

GD&TĐ - Theo một báo cáo mới được công bố, mỗi năm lại có thêm hơn 150 triệu người được cấp điện, giảm đáng kể số lượng người phải sống không có điện, nhưng điều này vẫn không đủ để đáp ứng các mục tiêu phát triển toàn cầu. 

Khoảng 89% thế giới đã có điện vào năm 2017
Khoảng 89% thế giới đã có điện vào năm 2017

Hơn nữa, các nỗ lực cắt giảm ô nhiễm từ nấu nướng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo cho nhiệt và giao thông vận tải cũng thua xa các mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đặt ra trong năm 2015, theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan quốc tế khác đưa ra.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế, cho biết những phát hiện này là một lời kêu gọi hành động.

“Tôi đặc biệt lo ngại bởi sự thiếu khả năng tiếp cận đến các nguồn năng lượng đáng tin cậy, hiện đại và bền vững ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, khu vực mà chúng ta thực sự cần tập trung nỗ lực”, ông Birol nói.

Trong năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững cho năm 2030 trong các lĩnh vực như giáo dục, khí hậu và bình đẳng giới cũng như cung cấp điện. Các mục tiêu kêu gọi quyền sử dụng điện trên toàn cầu, gia tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ đạt được hiệu quả, trong số nhiều mục đích khác.

Nhưng chỉ còn 11 năm nữa là tới thời hạn và theo báo cáo được công bố mới đây, mọi dấu hiệu vẫn chỉ ra rằng chúng ta sẽ thất bại. Khoảng 89% thế giới có điện vào năm 2017, tăng lên từ 83% trong năm 2010, với những tiến bộ đáng chú ý gần đây được thực hiện ở Bangladesh, Kenya và Myanmar, theo báo cáo.

Nhưng nếu các chính phủ trên thế giới không đạt được tiến bộ nhanh hơn, 650 triệu người vẫn sẽ sống trong bóng tối vào năm 2030, 90% trong số họ sẽ là ở châu Phi cận Sahara.

Hơn nữa, khoảng ba tỷ người, phần lớn ở châu Á và châu Phi cận Sahara, không được tiếp cận với thực phẩm được chế biến sạch trong năm 2017, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe - một con số hầu như không thay đổi so với 7 năm trước đó.

Theo xu hướng hiện nay, 2,2 tỷ người vẫn sẽ tiếp tục sống trong tình huống này vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ lệ của các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời trong tổng thể đạt 17,5% trong năm 2016, một mức tăng khiêm tốn từ con số 16,6% được ghi nhận trong năm 2010.

Nhưng chỉ có 9% nhiệt sử dụng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2017 và chỉ 3,3% phần trăm năng lượng được sử dụng trong giao thông vận tải - và tại Mỹ và Brazil, phần lớn trong số này đến từ nhiên liệu sinh học. Báo cáo được đưa ra dưới sự hợp tác với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới và Phòng Thống kê Liên Hợp Quốc.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ