Phạm Mai Phương, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2014:
Kỳ thi Hóa học Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm 2014 đã mang lại cho tôi vô vàn trải nghiệm thú vị và những người bạn ngoại quốc tài năng, dễ mến.
Trái tim như vỡ òa vui sướng khi tôi biết tin mình giành được tấm Huy chương Vàng danh giá. Đó không chỉ là kết quả của rất nhiều cố gắng, nỗ lực mà nó còn tạo điều kiện để tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.
Cuối năm 2014, tôi đón nhận thêm một tin vui -trở thành một đại sứ sinh viên của tập đoàn Microsoft. Tham gia vào Microsoft Student Partner (MSP) là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Tôi đã học hỏi được rất nhiều khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều anh chị rất tài giỏi và năng động tại đây.
Có thể nói, năm 2014 là năm thực sự thành công đối với tôi. Và để có được thành công này, không thể không nói đến việc chúng tôi được hòa mình vào một môi trường giáo dục chủ động và cởi mở hơn; có nhiều thời gian dành cho việc tự học, thảo luận để hiểu sâu về những vấn đề hóc búa.
Thêm vào đó, số lượng bài tập về nhà cũng được giảm tải, độ sâu và độ khó tăng lên giúp cho chúng tôi có thêm thời gian hiểu một cách sâu sắc hơn các vấn đề của mình.
Xin gửi gắm niềm tin, hy vọng đến ngành Giáo dục trong năm tới, tiếp tục có những bước phát triển toàn diện hơn. Với người Việt Nam, thời khắc giao hòa năm cũ- mới thật linh thiêng. Trong thời khắc đặc biệt này, tôi hy vọng sẽ nhận được những kết quả xứng đáng với công sức của mình, có một năm bận rộn và tràn đầy năng lượng. Tôi cũng hy vọng, đó sẽ là một năm đầy thành công đối với những người mà tôi yêu thương.
Nguyễn Việt Dũng - Học sinh Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) -Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á 2014:
Với tôi, năm 2014 mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt nhất. Ngay từ đầu năm học, chiến đấu suốt 5 tháng của học kỳ I lớp 11 cho môn Tin học với biết bao kỳ vọng, nhưng kết quả chỉ đứng thứ 14/32 ở vòng 2 kỳ thi quốc gia.
Điều này đồng nghĩa với việc mất cơ hội tham dự cuộc thi Tin học thế giới. Cảm xúc duy nhất lúc đó là tận cùng thất vọng, bởi tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng: Học chỉ để lấy thành tích, không vì niềm đam mê.
Trước cuộc thi Tin học Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 5/2014, tôi thậm chí đã tuyên bố: Dù kết quả có thế nào thì đây cũng sẽ là trận đấu Tin học cuối cùng của mình. Và rồi kết quả thật bất ngờ, tôi vươn lên đứng thứ 3 Việt Nam để giành Huy chương Bạc.
Chiến thắng đó, một phần vì tôi đã tự loại bỏ mọi sức ép, nhưng quan trọng vẫn bởi công sức học suốt một năm qua không hề uổng phí.
Tôi đã khai thác nó thành công, để rồi lời tuyên bố thay đổi: Tôi quyết định tiếp tục học Tin với niềm yêu thích thực sự, với niềm tin mình có duyên với môn học này.
Tôi gửi đến năm 2015 mong muốn được đi du học để thực hiện ước mơ trở thành chuyên gia bảo mật. Và để tăng cơ hội giành học bổng, tôi phải học thật tốt để có vé tham dự cuộc thi Tin học quốc tế.
Xác định việc này không hề đơn giản, nhưng tôi tin, sự say mê Tin học lập trình sẽ giúp tôi làm tốt hơn những gì mình đã làm.
Tôi cũng xin gửi đến năm 2015 niềm tin có nhiều đổi mới trong dạy và học Tin học trong các nhà trường mà đầu tiên là về khâu đào tạo
trẻ. Hầu hết học sinh Việt Nam thi đấu Tin học tại đấu trường quốc tế đều bắt đầu học Tin vào lớp 10, khá muộn so với các quốc gia phát triển trong và ngoài khu vực. Do đó, kết quả của đoàn Việt Nam chưa thực sự cao, đặc biệt hơi hiếm Huy chương Vàng.
Tôi cũng mong muốn mọi người thay đổi cái nhìn về môn Tin học. Việt Nam đang cần rất nhiều lập trình viên, nhưng nhiều phụ huynh và học sinh đánh giá chỉ xem môn học này là lựa chọn thứ hai khi thi vào trường chuyên. Điều này là không đúng. Tại sao không đúng?
Nếu thực sự học Tin học, người đó sẽ có câu trả lời.
Nguyễn Thế Hoàn - Học sinh Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH KHTN - ĐHQGHN) - Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2014:
Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc mình nhận thông báo đã vượt qua kỳ thi HSG quốc gia với giải Nhì và sẽ được tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc tế tổ chức vào cuối tháng Ba. Vậy là, ngay đầu năm 2014, không nghỉ ngơi, tôi tiếp tục trở lại thế giới diệu kì của những con số, những hình vẽ, thế giới của những định lí, bộ đề.
Rồi sau đó, hàng loạt bất ngờ đến liên tiếp, những bất ngờ lớn đến nỗi, gần như vượt quá sức tưởng tượng. Tấm Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế đến với tôi như một giấc mơ vậy.
Những gì đến với tôi trong năm đặc biệt này như một chứng minh đơn giản cho một câu nói đã đi vào huyền thoại: “Nothing’s impossible” (Không gì là không thể). Tôi tự hào vì đã mơ ước, đã cố gắng, bước đi, và đã đi nhanh hơn mình tưởng, để… có được điều mong ước trong cả thời học sinh. Và tôi cũng biết, còn cả một chặng đường dài phía trước, còn rất nhiều ước mơ hoài bão.
Nhưng, hòa cùng không khí Tết đến, xuân về, ước mơ của tôi lại giản dị vô cùng, được hòa mình vào gia đình, tận hưởng cái Tất niên trọn vẹn và cả nhận lì xì may mắn.
Năm nào, ngày 23 tháng Chạp, tôi cũng cùng mẹ đi thả cá tiễn ông Táo về trời; háo hức cùng bố mẹ đi chợ Tết và được sắm sửa những bộ quần áo mới. Năm nào, tôi cũng ngồi soạn lá dong cho ba mẹ gói bánh chưng, rồi cùng ông bà anh chị, thức ngồi canh nồi bánh chưng to chật bếp. Năm nào tôi cũng háo hức cùng mẹ ra chùa làng hái những cành lộc đầu năm và dành lời chúc tốt đẹp nhất tới những người mình yêu thương.
Điểm khởi đầu cho chặng đường dài trong năm 2015 là kỳ thi chọn đội tuyển, nơi tôi chiến đấu cho ước mơ lần thứ hai, góp mặt trong đội tuyển Toán Việt Nam tham dự đấu trường Quốc tế. Và xa hơn là cánh cửa trường đại học danh tiếng, nơi tôi tiếp tục nỗ lực vươn tới tương lai, trở thành một nhà Toán học cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.
Dấu ấn Việt Nam
Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO 2014) tổ chức tại Việt Nam trở thành một trong 10 dấu ấn giáo dục đáng ghi nhớ nhất trong năm 2014.
Đánh giá về kỳ thi này, PGS.TS Bùi Duy Cam -Trưởng ban Tổ chức IChO 2014 đã nhắc lại lời của ông ông Peter Wothers - Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế: Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 tổ chức tại Việt Nam là một trong các kỳ Olympic thành công nhất những năm gần đây.
Thành công, theo PGS.TS Bùi Duy Cam, thể hiện từ công tác chuyên môn (ra đề thi, chấm thi) - cũng là nội dung làm “đau đầu” Ban tổ chức nhất, đến công tác tổ chức kỳ thi và cuối cùng là thành tích tuyệt vời của đoàn Việt Nam.
Theo quy định của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế, nước đăng cai phải ra toàn bộ đề thi. Việc ra đề thi cho 75 nước và vùng lãnh thổ tham dự, dù lặng thầm nhưng lại mang tính chất quyết định đối với IChO 2014. Trong đó, phần “xương” nhất của đề thi là phần thực hành.
Bởi nếu không được sự đồng ý của Ủy ban Olympic Hoá học quốc tế, chúng ta sẽ trở tay không kịp vì còn liên quan đến chuẩn bị các
thiết bị, dụng cụ thực hành.
Trong khi đó, khâu chuẩn bị, theo đặc thù là không thể dự trữ. Nhưng, cuối cùng, thành quả lao động khoa học đó đã được Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế cũng như các đoàn thi đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, trí tuệ và bản lĩnh khoa học của các nhà Hóa
học Việt Nam.
Nội dung đề thi của IChO 2014 tổ chức tại Việt Nam đã được ngài Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế đánh giá đạt trình độ quốc tế, đưa được những thành tựu nghiên cứu của các nhà hóa học Việt Nam vào nội dung đề thi, tạo được dấu ấn Việt Nam.
Một thí sinh Australia, sau phần thi lý thuyết đã ca ngợi đề thi có nhiều yếu tố mới lạ với các hợp chất, các hiện tượng rất hiếm gặp từ trước tới nay, không chỉ đầy thách thức mà còn vô cùng thú vị.
PGS Bùi Duy Cam cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thi Olympic quốc tế, tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn rất nhiều, vì lần đầu tiên, sự kiện quan trọng này được Bộ GD&ĐT giao cho trường ĐH tổ chức.
“Cuộc thi thành công, cũng là thành công của Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới trong phân cấp quản lý” - PGS Bùi Duy Cam khẳng định.