Một vai hai gánh...

GD&TĐ -  Mỗi tuần, các thầy, cô giáo lại sắp xếp thời gian để “phân vai” vừa làm chuyên môn ở trường vừa hoàn thành công việc ở Phòng Giáo dục.

Cô và trò Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: TG
Cô và trò Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: TG

Song hành chuyên môn lẫn chuyên viên

Chiều thứ Tư hằng tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa, thầy Trương Viết Sự, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sơn Thủy, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) lại chạy xe máy từ Phòng Giáo dục lên trường để làm chuyên môn và lên lớp trong ngày thứ Năm và thứ Sáu. Quãng đường từ trung tâm thị trấn huyện lên xã Sơn Thủy chừng hơn 40km. Sau khi kết thúc giờ làm việc chiều thứ Sáu, thầy Sự trở về thị trấn Sơn Lư, nghỉ ngơi cuối tuần và chuẩn bị cho những ngày làm chuyên viên ở Phòng Giáo dục từ sáng thứ Hai.

Quê thầy Sự ở huyện Yên Định (Thanh Hóa), thầy lên công tác ở Quan Sơn từ năm 2004. Sau 17 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, thầy Sự được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Sơn Thủy vào năm 2021. Mặc dù là Phó Hiệu trưởng, nhưng do Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn không đủ định biên, nên đề nghị nhà trường cử thầy Sự về “giúp việc” cho phòng, mỗi tuần 3 ngày.

“Công việc là do cấp trên điều động, song trên thực tế, Phòng Giáo dục rất thiếu người, nên khi lãnh đạo đề xuất với nhà trường và hỏi ý kiến thì tôi vui vẻ đồng ý chia sẻ công việc. Dù phải đi lại khá xa, nhưng là người đã quen công việc ở phòng, nên tôi vẫn có thể cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ”, thầy Sự chia sẻ.

Cô Hà Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lư (Quan Sơn) cũng được “tăng cường” về giúp việc cho Phòng Giáo dục. “Trường Mầm non Sơn Lư cách Phòng Giáo dục không xa, nên cứ mỗi buổi chiều, tôi tranh thủ chạy đi chạy lại. Theo lịch phòng phân công, tôi có hai ngày làm việc ở trường. Nhưng, nếu công việc ở trường nhiều hơn thì tôi linh hoạt sắp xếp thời gian, để làm sao giải quyết tốt công việc được giao ở cả hai nơi”, cô Yến cho hay.

Cũng theo cô Yến, một người phải làm việc ở hai nơi và hai công việc khác nhau khá vất vả. Có những ngày làm ở phòng chưa xong lại phải xử lý công việc chuyên môn ở trường, các thầy cô phải làm gấp đôi lượng công việc.

Những ngày làm việc ở phòng, cô Yến được lãnh đạo đơn vị giao làm công tác văn phòng, văn thư và kể cả những công việc khác. Bởi lẽ, theo định biên thì Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn chỉ có 6 người, trong đó có 3 lãnh đạo phòng, còn 3 người khác làm công tác chuyên môn. Trong khi đó, khối lượng công việc của phòng rất lớn, nên không còn cách nào khác là đề xuất với một số trường điều động hiệu phó về “giúp việc”.

Mặc dù thầy Sự, cô Yến thuộc diện điều động về Phòng Giáo dục để “tăng cường” hay giúp việc nhưng các thầy, cô giáo lại không được hưởng bất kỳ phụ cấp nào. Đây cũng là thiệt thòi cho những người thầy phải làm công việc “một vai hai gánh”.

“Kinh phí của phòng không có để hỗ trợ cho những người làm việc như chúng tôi. Vì vậy, khi lãnh đạo phòng đề xuất về tăng cường, giúp việc cho đơn vị, mọi người cũng vui vẻ chia sẻ khó khăn. Vì thực tế, định biên của phòng hiện tại thiếu rất nhiều so với khối lượng công việc hàng ngày phải làm”, thầy Sự chia sẻ.

Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) – nơi thầy Trương Viết Sự công tác. Ảnh: TG

Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) – nơi thầy Trương Viết Sự công tác. Ảnh: TG

Thiếu nhân sự trầm trọng

Ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - cho biết, đơn vị đang thiếu nhân sự ở mức nghiêm trọng nên lãnh đạo phòng phải đề nghị một số trường hỗ trợ nhân lực.

“Huyện Quan Sơn có 40 trường học ở ba cấp, nhưng phòng chỉ được bố trí 6 biên chế. Khối lượng công việc của phòng rất lớn mà không đủ người phụ trách các lĩnh vực, vì vậy phải điều động một số hiệu phó về giúp việc. Chỉ có điều, những người được điều động về tăng cường cho phòng lại rất thiệt thòi bởi không có chế độ, chính sách hỗ trợ thêm trong khi khối lượng và cường độ làm việc của họ rất áp lực. Dẫu biết vậy nhưng không còn cách nào khác, mọi người chỉ có thể động viên nhau cố gắng chia sẻ khó khăn chung với đơn vị”, ông Hà trăn trở.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, là đơn vị chỉ đạo chuyên môn, đúng ra phòng phải có người phụ trách khối tự nhiên, xã hội và tiếng Anh của bậc THCS. Thế nhưng, do không có người, nên phải nhờ nhân sự từ các trường về hỗ trợ.

“Khi phòng nhờ về hỗ trợ, thầy Trương Viết Sự phụ trách mảng tổng hợp, chế độ học sinh, cơ sở dữ liệu, kế hoạch về cơ sở vật chất, thiết bị... Nói chung, với khối lượng công việc như vậy, để hoàn tất đúng thời gian yêu cầu, thầy Sự phải “gồng” mình làm việc cả ngày lẫn đêm”, ông Hà chia sẻ.

Không chỉ huyện Quan Sơn, mà tình cảnh thiếu nhân lực cũng xảy ra ở phòng GD&ĐT của các huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa. Việc điều động “tăng cường”, biệt phái giáo viên từ các trường học về giúp việc cho các phòng GD&ĐT là chuyện không… hiếm.

Ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước - cho hay: Vấn đề thiếu biên chế ở đơn vị rất nghiêm trọng và diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, hằng năm tỉnh giao biên chế cho các huyện đều có hạn và xu hướng đang giảm dần. Vì thế, huyện cũng không thể phân bổ định biên công chức, viên chức cho các phòng, ban theo nhu cầu công việc được.

“Đơn vị hiện có 4 người, trong đó 3 người làm công tác quản lý và một chuyên viên. Trong khi đó, huyện Bá Thước có 70 đơn vị trường học ở ba bậc học, nên khối lượng công việc rất lớn. Nếu theo kế hoạch của Sở GD&ĐT đề xuất, chúng tôi phải có 10 biên chế. Trong khi đó, có một số huyện ít trường hơn, nhưng lại cũng có số định biên như Bá Thước, thậm chí nhiều hơn”, ông Nhiên cho biết.

Cũng theo ông Nhiên, do thiếu người làm việc ở đơn vị, nên lãnh đạo phòng phải đề xuất các trường hỗ trợ người giúp việc. “Chúng tôi cũng đề nghị các trường bố trí người lên giúp phòng, nhưng với điều kiện khi ở trường rỗi việc. Còn chế độ, chính sách cho những người ở trường lên phòng cũng không có phụ cấp gì. Đó cũng là điều đáng quan tâm, vì những thầy, cô giáo diện tăng cường phải chịu nhiều thiệt thòi”, ông Nhiên nói.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại phòng GD&ĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Bởi, hiện nay công tác quản lý Nhà nước về GD-ĐT chưa thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, số lượng công chức làm việc tại phòng GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.