Chương trình do Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự chương trình có đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Đồng chí Nguyễn Phi Long – Bí thứ Trung Ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam;TS Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long,...
Nối tiếp viết lên trang sử vẻ vang của ngành Giáo dục
64 giáo viên cắm bản được tuyên dương gồm có 20 thầy giáo và 44 cô giáo; 32 thầy, cô là người dân tộc Kinh và 32 thầy, cô là người dân tộc thiểu số (Chăm H’roi, Cống, Hà Nhì, H’Mông, Hre, Mường, Nùng, Tày, Thái); Giáo viên lớn tuổi nhất là thầy Lò Văn Xuân (sinh năm 1957), dân tộc Thái - Giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo, (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) với 35 năm giảng dạy;
Giáo viên ít tuổi nhất là cô Đàm Thị Thu Thủy (sinh năm 1990), dân tộc Kinh, giáo viên trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), với 4 năm giảng dạy và cô Phùng Thị Hường (sinh năm 1990), dân tộc Mường - giáo viên trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), với 4 năm giảng dạy.
Các thầy cô giáo đều đến từ những nơi khó khăn nhất của đất nước, chỉ cần nhắc đến những cái tên như Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Mường Nhé, Nậm Pồ, Si ma cai, Mù Căng Chải, Mường Tè, Quan Sơn, Quan Hóa, Quế Phong, Ba Tơ, Nam Trà Mi, Kon Plông .... hình dung thôi đã nản chí, mà các thầy cô đã cống hiến cả cuộc đời ở nơi đây.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hà Thị Khiết vô cùng xúc động khi được lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của các thầy cô và chân tình chia sẻ: Cảm ơn những người làm công tác giáo dục bám bản, bám trường, bám lớp như những tấm gương ngày hôm nay.
Đây thực sự là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm góp phần động viên các thầy cô giáo đang công tác trong điều kiện khó khăn. Hi vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều chương trình, nhiều mạnh thường quân hơn nữa để các em học sinh, các thầy cô giáo vơi bớt đi nhọc nhằn.
Người đi "gieo chữ trên mây"
Chương trình có đoạn phóng sự nói về cuộc sống vất vả, khó khăn của cô giáo Nguyễn Thị Thêu (quê Ninh Bình) đã có 20 năm gắn bó với điểm trường lẻ, với hàng nghìn học sinh xứ sở đá tai mèo tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Giữa trập trùng núi đá, nơi chỉ có tiếng vang vọng của những ngọn đồi, gió hú từng đêm lạnh buốt, cô giáo người Kinh phải làm quen với cuộc sống biệt lập thiếu thốn và xa lạ với ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân cư đa phần là người dân tộc Mông. Đời sống đồng bào nghèo khó, dân trí thấp và còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu nên nhiều gia đình không cho trẻ đến trường. Ngay đời sống của giáo viên cũng thiếu thốn khi chợ mở theo phiên và cách xa cả ngày đường, do đó, mỗi lần mua, phải tích trữ cả tuần.
Cô giáo ấy đã gắn bó và đóng góp sức mình gieo từng con chữ trên vùng mây mù sương Hà Giang suốt gần 20 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, bởi cô quá yêu học sinh vùng dân tộc đầy thiếu thốn này. Cô sẽ chính là người bù đắp những phần nào thiệt thòi cho các em.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phi Long - cho biết: Vượt lên tất cả, bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo đã vượt qua chính mình, đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Chúng tôi xin được bày tỏ sự cảm phục trước sự hy sinh to lớn của các thầy, cô giáo và luôn cầu chúc cho các thầy, cô giáo cùng gia đình có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình yên.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức trao bằng khen và quà gửi tặng các thầy cô thay cho lời tri ân nhân ngày 20/11 đang đến gần.