Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đã thông tin tới hơn 160.000 giáo viên tỉnh Hưng Yên về việc triển khai công tác xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và bảo vệ trẻ em trong ngành giáo dục.
Ngành GD đã có cơ sở pháp lí vững chắc
Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV cho biết: Hiện nay, ngành GD đang thực hiện chỉ thị 18 của Thủ tướng ban hành ngày 16/5/2017 về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Sở LĐTBXH là đơn vị chủ trì triển khai tại các tỉnh thành phố. Các sở ngành liên quan cũng thực hiện nội dung này.
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ban hành chỉ thị hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Năm học 2018-2019, tại chỉ thị 2919, Bộ trưởng đã ban hành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trên cơ sở đó các cơ sở GD&ĐT cũng căn cứ cụ thể hóa và triển khai.
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV cũng có tham mưu với lãnh đạo Bộ để kí hướng dẫn nhiêm vụ năm học đối với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV trong vai trò giáo dục toàn diện cho người học.
Vừa qua Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã kí một số văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành phố về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, trong đó có công văn 1259 ngày 5/4/2018 về đảm bảo công tác an ninh trật tự đảm bảo an toàn trường học.
Ngoài ra còn có một số giải pháp được đưa ra như các nhà trường thành lập đường dây nóng và công khai cho XH để HS và người dân cung cấp các vấn đề liên quan.
Bộ trưởng cũng đã kí chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường giai đoạn 2018-2021 trong các cơ sở GDPT, MN và GDTX. Đây là những giải pháp rất quyết liệt và rất thiết thực kịp thời để xử lí chỉ đạo triển khai công tác GD, đảm bảo môi trường GD an toàn lành mạnh thân thiện phòng chống bạo lực học đường cũng như các vấn đề liên quan để đảm bảo an toàn cho HS.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV |
Thầy cô có vai trò nêu gương cho học sinh noi theo
Để khắc phục một số hạn chế, trong thời gian tới, các thầy cô, các nhà trường cần cố gắng một số nội dung mang tính phòng ngừa nhiều hơn là chống. Khi sự việc xảy ra thì chúng ta chống, còn GD phòng ngừa là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ sở GD. Đây được coi là ưu tiên trong hướng chỉ đạo tới đây trong việc GD toàn diện cho HS.
Theo đó, các nội dung về đảm bảo trường học an toàn, lành mạnh thân thiện, tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, lí tưởng cách mạng, kĩ năng sống, hoạt động TDTT, hoạt động tư vấn tâm lí, công tác XH phải được tăng cường và tổ chức thiết thực hiệu quả.
Trên cơ sở các chỉ đạo của Bộ và của Sở, những hoạt động này sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn. HS sẽ tham gia vào và qua đó hoàn thiện nhân cách và hoàn thiện KNS của mình để tránh xa các tệ nạn xã hội và các nguồn lây nhiễm mang yếu tố tiêu cực từ MXH hoặc các trò chơi bạo lực khác.
Ngành GD sẽ phấn đấu để làm sao GV, hiệu trưởng, CBQL có vai trò nêu gương trong cơ sở GD và trong môi trường XH. Nếu các chủ thể này không phát huy trách nhiệm, chức phận của mình và không nêu gương được tốt trong cộng đồng XH, trong nhà trường, nhất là trước mặt các HS thì chúng ta rất khó để đảm bảo yêu cầu GD toàn diện cho HS.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV cũng khuyến cáo lãnh đạo các nhà trường phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức các hoạt động GD. Cần phải nâng cao chất lượng hiệu quả từng hoạt động, chứ không cần làm nhiều hoạt động và lấy nguyên tắc tự giáo dục trong hoạt động GD cho người học.
Ví dụ hoạt động đóng góp đồ dùng sách vở cũ trong chương trình Kế hoạch nhỏ của Đoàn, để làm sao để các em nâng niu trân trọng gửi món quà đấy cho tổ chức cho nhà trường để gửi lại cho các bạn khác. Qua đó sẽ GD được đạo đức, GD được các giá trị sống và các vấn đề mà các thầy cô cần truyền đạt.