Một đài hoa tráng lệ

Một đài hoa tráng lệ

>>>Cung bậc đa thanh của những "kĩ sư tâm hồn"

Tất cả chúng tôi, các thành viên giám khảo: nhạc sĩ lý luận, phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nghệ sĩ ưu tú, biên đạo Nguyễn Như Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội; nghệ sĩ ưu tú, thạc sĩ, đại tá Ma Thị Bích Việt, giảng viên thanh nhạc Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội; nghệ sĩ ưu tú Phan Muôn - Trưởng Đoàn Ca Nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam; Nhạc sĩ Trần Duy Bình - Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đều chung hoà, cảm nhận ở một không gian nghệ thuật với một cấp độ văn hoá nhiều sức thuyết phục. Ở mỗi Đoàn, dù là ở thủ đô Hà Nội, hay trung du, miền núi đều đã có những chương trình với số lượng diễn viên tham gia đông đảo, dàn dựng công phu, diễn xuất rất tập trung, trang phục đẹp, đã có sức hút "nam châm" với sự hưởng thụ, thưởng thức của người xem. Tất cả, tất cả là những bông hoa tươi thắm, góp phần làm nên một đài hoa tráng lệ của liên hoan.

Đó là cảm nhận có lẽ không chỉ của những thành viên ban giám khảo mà của chung tất cả những ai đã chứng kiến, đã tham dự buổi Liên hoan Tiếng hát giáo viên toàn quốc lần III khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng 4 vừa qua. Với 217 tiết mục hát, múa của 52 đoàn nghệ thuật không chuyên được thể hiện bởi 1.600 diễn viên đến từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của các tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc đã làm nên một không gian nghệ thuật phong phú được kiến tạo bằng những cung bậc âm thanh nhiều cảm mến với vẻ đẹp huyền diệu tràn đầy sức hấp dẫn và thuyết phục. Những cung bậc âm thanh và vẻ đẹp tràn đầy cảm mến ấy được hình thành bởi những nhịp đập trái tim đa cảm của những kỹ sư tâm hồn, chứa đựng tình yêu không bờ bến với quê hương, đất nước, với công việc trồng người- một lãnh nhiệm quang vinh và hạnh phúc.

Thật vậy! nếu không phải là tất cả đã được bắt nguồn từ những nguyên do chân thành và cảm động ấy, sự dâng hiến trọn vẹn và trách nhiệm vô cùng cảm động ấy, thì làm sao có thể có được những vẻ đẹp lấp lánh, cuốn hút lòng người hiện diện trong sâu thẳm cảm xúc của mỗi chúng ta, giữa một không gian tràn ngập tiếng hát, điệu múa, liên tiếp đem đến những hình ảnh hết sức tuyệt diệu và chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm không thể quên.

Màn nghệ thuật tổng hợp
Màn nghệ thuật tổng hợp " Tổ quốc yêu thương" của đơn vị Báo GD&TĐ

Những bài ca đi cùng năm tháng, chứa đựng những giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao cả của các thế hệ nhạc sĩ đã trở thành những tài sản vô giá của nền âm nhạc cách mạng của đất nước, giờ đây lại đang đến với cử toạ bằng sức vóc của nghệ thuật không chuyên, dồi dào sức sống thanh xuân, mang nặng những vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của ngày hôm nay.

Có được những hiệu quả rất khích lệ, xứng đáng được ghi nhận này, thật sự, các diễn viên yêu mến của chúng ta đã phải trải qua những ngày tháng dàn tập công phu, thậm chí có thể nói là rất cam go, quyết liệt. Với những diễn viên chưa một lần bước lên sàn diễn, dĩ nhiên sẽ rất ngượng nghịu, bỡ ngỡ. Làm sao để có thể chủ động, thành thục, đồng hoà trong từng bài ca, từng điệu múa. Phải đạt tới một độ chính xác cao, cả trong hát và cả ở múa. Và lại còn phải khắc phục, sắp xếp thời gian cá nhân, có mặt đầy đủ trong các buổi tập luyện, dàn dựng, điều này chắc chắn có nhiều khó khăn, đặc biệt với các diễn viên nữ có gia đình. Vậy mà, tiếp cận và thưởng thức 52 chương trình, trong số đó nhiều chương trình tập trung sức lực, có nhiều thành viên tham gia, rõ ràng đã có sự cố gắng rất lớn.

*

52 Đoàn nghệ thuật với 52 chương trình, mỗi chương trình có màu sắc riêng, phong thái riêng, rất đa dạng, mang lại cho liên hoan những nội dung nghệ thuật rất khích lệ. Vừa có tính hiện đại, vừa thật sự đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt những Đoàn từ các tỉnh địa đầu đất nước, chính vì vậy, mà không chỉ âm nhạc, còn là trang phục đa dạng những sắc màu. Rất đẹp và hấp dẫn, chính là điều mà với bất cứ ai, dù là không có mặt theo dõi, thưởng thức đầy đủ cả 8 buổi liên hoan, đều có thể có những nhận xét chân thành và mến mộ đó.

Chúng ta chào đón những kiến tạo đã làm nên một liên hoan thành công.

Nếu Đoàn Giáo dục Hà Nội có "Đất nước huyền thoại", chuyển tải những ý tưởng thấm sâu, ngợi ca về một mảnh đất ngàn năm văn hiến, "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", thành kính thiêng liêng, "Trống hội Thăng Long" nồng nhiệt tưng bừng, "Thầy cô và mái trường" thiết tha, trìu mến, và "Người giáo viên nhân dân" những kỹ sư tâm hồn của thời đại, thì Đoàn Giáo dục Thái Nguyên với "Thiên thần đất Mẹ" và "Tre Việt Nam", Đoàn Báo Giáo dục & Thời đại với ca khúc “Tổ quốc yêu thương” với hình ảnh một Việt Nam hào hoa và tráng lệ...thật sự đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ, xúc động.

Những giọng hát hay với các bài hát "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Giáo dục Hà Nội), "Dời đô, ngàn năm vang mãi" (Đại học Bách Khoa), "Lời ru cỏ non" (Giáo dục Cao Bằng), "Ngẫu hứng sông Hồng" (Đại học Kinh tế Quốc dân", "Vịnh xuân đất tổ" (Giáo dục Lạng Sơn), "Trông cây lại nhớ đến Người" (Đại học Sư phạm Hà Nội), "Cô giáo vùng cao" (Giáo dục Thái Nguyên), "Ai xuôi về" (Giáo dục Bắc Ninh), "Người Hà Nội" (Cao đẳng Sư phạm Trung ương), "Người là niềm tin tất thắng" (Giáo dục Quảng Ninh), "Thuyền và biển" (Đại học Hàng Hải); Các giọng hát song ca, tam ca với các bài: "Ôi quê tôi", "Qua thời gian" (Đại học Kinh tế Quốc dân), "Bài ca Hồ Chí Minh" (Đại học sư phạm Hà Nội), "Bụi phấn thời gian" (Giáo dục Vĩnh Phúc), "Vì một ngày mai" (Giáo dục Bắc Giang), "Gặp nhau giữa rừng mơ" (Giáo dục Hưng Yên), "Mong ước" (Giáo dục Sơn La), "Tình ca Tây Bắc" (Báo Giáo dục & Thời đại)...; các giọng hát tốp ca với nhiều tiết mục lay thức, rung động sâu sắc trong lòng khán giả.

*

Đến đây, xin được đưa ra một nhận xét ngắn về những điều cần rút kinh nghiệm trong diễn xuất và dựng chương trình, nhằm có được một tiếng nói chung, đạt tới yêu cầu hoàn hảo hơn.

Đầu tiên, để có một chương trình đa dạng đề tài, dĩ nhiên không nên gồm chỉ một số bài có chung nội dung. Sẽ đơn điệu, không hấp dẫn. Cũng không nên chọn những bài quá sức thể hiện, sẽ xuất hiện nhiều nhược điểm.

Hát đồng ca, hợp xướng là nghệ thuật biết nghe nhau. Phải đồng hoà, bè chính phải rõ. Thực hiện tốt sắc thái: mạnh, nhẹ, to, nhỏ. Cần thực hiện đúng tốc độ, tiết tấu, đảm bảo chính xác ý định của tác giả.

Tác dụng của múa phụ hoạ, là để làm hay hơn, rõ hơn, nhấn mạnh hơn ý tưởng của bài hát. Cần tránh các động tác của múa "không ăn nhịp" với nội dung lời ca. Cũng cần chú ý đặc biệt đến đặt tên điệu múa, phù hợp với các động tác, đội hình.

Không thể không chú ý đến đạo cụ, phục trang. Cần phù hợp và nhất là đúng với thời gian sự kiện mà tiết mục mô tả. Ví dụ: tương đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" là lời tuyên thệ của năm đầu kháng chiến chống Pháp thì chiến sĩ vệ quốc làm gì đã có súng AK.

Phần nhạc đệm cho bài hát và cho múa hết sức quan trọng. Có thể làm cho tiết mục hay hơn hay ngược lại.
Trên đây là một số ý kiến về những nhược điểm xuất hiện trong liên hoan. Nghĩ rằng không khó khắc phục. Chúc các Đoàn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.

*

Cuộc gặp gỡ vô cùng thân mến của chúng ta đã kết thúc. Chắc hẳn trong sổ tay kỷ niệm sẽ có thêm những câu chuyện, những hình ảnh không thể quên. Và có lẽ, trên hết là những âm vang của những giai điệu bài ca, những vẻ đẹp trìu mến và lộng lẫy của những điệu múa sẽ  hiện hữu, đồng hành trên từng bước đi trên con đường dài gắn bó, yêu thương mãi mãi của sự nghiệp sức sống bền lâu của mỗi người.

Thật sự, khi con người còn quan tâm, còn cần đến nhạc sĩ (dĩ nhiên là như vậy rồi!) thì âm nhạc - sợi dây huyền diệu, gắn kết như keo sơn không thể thiếu của cộng đồng, trở thành sức mạnh của niềm tin yêu mãnh liệt, trong cuộc hành trình tràn đầy khát vọng hướng tới tương lai rạng rỡ.

Hồ Quang Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.