Thời chiến, ở miền Bắc có câu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thanh niên ngày ấy xem việc lên đường tòng quân vừa như một nghĩa vụ công dân mà mình phải thực thi, lại vừa như một niềm vinh dự vì được tham gia vào công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang. Nhắc lại vài điều trên đây để thấy rằng, việc thi hành nghĩa vụ quân sự đối với công dân như một phần bắt buộc trong cuộc sống, bất luận ở thời nào, thậm chí thời chiến còn khắc nghiệt hơn.
Đất nước ta im tiếng súng mấy chục năm nay nhưng hằng năm, việc gọi thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự vẫn được tiến hành thường xuyên. Do đặc điểm của thời bình nên cách tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn nhập ngũ cũng rất kỹ càng, từ sức khỏe cho đến trình độ văn hóa. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện nay cũng rút ngắn chỉ còn 24 tháng đối với hạ sĩ quan nên nếu có áp lực nào đó về mặt thời gian thì cũng không quá lớn đối với công dân. Ấy thế mà vẫn có những thanh niên đang tìm mọi cách để “né” việc thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Một trong những cách ấy là… xăm trổ trên người sao đó để “phạm luật”, hội đồng nghĩa vụ quân sự sẽ gạch tên ngay từ khi khám sức khỏe.
Theo đó, tại Khoản 9, Điều 5 của Thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ngày 15/4/2016 quy định tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ không tuyển chọn nhập ngũ những trường hợp như trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ thị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện… Bám vào các quy định này, nếu thanh niên nào có ý định trốn nghĩa vụ quân sự, họ chỉ cần ra tiệm xăm hình, yêu cầu xăm làm sao đó vi phạm những quy định nêu trên là coi như đã đạt được ý đồ của mình.
Thực ra, xăm trổ trở thành mốt của thanh niên hiện nay. Xã hội cũng không còn quá khắt khe để kỳ thị với những ai “xăm trổ đầy mình” như trước đây nữa. Tuy nhiên, trong môi trường quân đội thì lại có những yêu cầu khác, cả về “chính trị” lẫn thẩm mỹ đối với quân nhân. Không thể chấp nhận một quân nhân đứng dưới cột cờ mỗi sáng để thực hiện nghi lễ, tay giơ ngang vành mũ có ngôi sao vàng mà lại vằn vện những dấu vết xăm trổ, lại toàn những hình “nhạy cảm” được! Có thể không kỳ thị ngoài xã hội nhưng trong quân đội, dứt khoát phải “sạch”, cả hình thức lẫn nội dung đối với một quân nhân.
Không có một điều luật nào cấm thanh niên xăm trổ nhưng khi tuyển quân, các nhà tuyển trạch lại gạt ra những ai “xăm trổ đầy mình”. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều người đã đi xăm dù có thể là không thích nhưng mục đích là để không phải thi hành nghĩa vụ quân sự.
Vậy, cơ quan quản lý hiện nay phải giải “bài toán xăm trổ” này như thế nào để vừa mang lại công bằng cho tất cả mọi công dân lại vừa có được một thế hệ quân nhân “sạch” cả đạo đức lẫn thân thể?
Cũng nên có một điều luật sao đó hợp lẽ để xử lý những trường hợp tránh né nghĩa vụ bằng việc xăm trổ này chứ không thể “vận động giáo dục” suông được!