Trốn nghĩa vụ quân sự, công dân có thể bị đi tù

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Hải, công dân đủ 18 tuổi nếu trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính thậm chí là bị phạt tù.

Tân binh lên đường nhập ngũ tại Quảng Nam. Ảnh:Vnexpress
Tân binh lên đường nhập ngũ tại Quảng Nam. Ảnh:Vnexpress

Mọi nam công dân khi tròn đủ 18 tuổi đều thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ chính trị, văn hóa, sức khỏe. Nếu trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính thậm chí là bị phạt tù. Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Quân số - Chính sách, Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam trao đổi PV VOV thông tin về các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

PV: Chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Xin ông cho biết, hiện nay việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được triển khai như thế nào?

Đại tá Nguyễn Quốc Hải: Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình được quy định cụ thể trong Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, chế độ nghĩa vụ quân sự trong thời bình  được quy định cụ thể trong điều 4 của Luật như sau:

Một là: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong QĐND. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội

Hai là: Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này.

Ba là: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Bốn là: Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; công dân thực hiện nghĩa vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo và phong quân hàm sỹ quan dự bị; thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì đều được công nhận là hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ trong thời bình.

PV: Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm cả phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị. Cụ thể là đối tượng nào tham gia phục vụ tại ngũ, đối tượng nào phục vụ trong ngạch sự bị?

Đại tá Nguyễn Quốc Hải: Về nghĩa vụ phục vụ tại ngũ tại điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong QĐND. Về nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị, điều 7 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị thuộc các trường hợp sau: Hết độ tuổi gọi nhập ngũ, nhưng chưa phục vụ tại ngũ; Thôi phục vụ tại ngũ; Thôi phục vụ trong công an nhân dân.

PV: Gần đây trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện dòng title “Luật nghĩa vụ quân sự mới ưu tiên chọn công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đi nghĩa vụ quân sự”. Đại tá có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?

Đại tá Nguyễn Quốc Hải: Tiêu chuẩn công dân gọi nhập ngũ là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong khoản 1 điều 3 của Luật Nghĩa vụ quân sự và được cụ thể hóa tại thông tư 148/2018 của Bộ Quốc Phòng. Theo đó, tiêu chuẩn về văn hóa là tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ lớp 8 trở lên được lựa chọn từ cao xuống thấp.

Những địa phương khó khăn được tuyển chọn đến những công dân có trình độ văn hóa lớp 7. Các xã thuộc vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật và con em đồng bào dân tộc ít người (dưới 10.000 người), được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quân đội thì tại điều 3 Thông tư 148/2018 của BQP quy định về nguyên tắc tuyển quân như sau: Chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, chú trọng tuyển chọn dân tộc thiểu số để góp phần tạo nguồn xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng vững mạnh Tổ quốc Việt Nam XHCN.
tron nghia vu quan su, cong dan co the di tu hinh 2
Bị cáo Phạm Minh Hiếu, trú tại tỉnh Quảng Ngãi lĩnh án 12 tháng tù giam vì nhiều lần trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Ảnh: Dân trí)

PV: Theo Luật nghĩa vụ quân sự, việc tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự được thực hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Quốc Hải: Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình được quy định cụ thể tại điều 41 của Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo đó, đã thu hẹp diện tạm hoãn đối với đối tượng học sinh, sinh viên, chỉ tạm hoãn với công dân được học tại cơ sở giáo dục phổ thông hoặc đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy trong thời gian một khóa đào tạo hoặc một trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, Luật cũng mở rộng diện tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với các đối tượng chính sách. Mở rộng tạm hoãn đối với con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động từ 61-80%.

Công dân có anh chị, hoặc em ruột là hạ sỹ quan, chiến sỹ thực hiện nghĩa vụ quân sự tham gia công an nhân dân hoặc là lao động duy nhất trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được UBND cấp xã xác nhận. Mở rộng, miễn gọi nhập ngũ đối với con của bệnh binh 81% trở lên, hoặc con người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động 81% trở lên và người làm công tác cơ yếu, không phải là quân nhân, công an nhân dân cũng được miễn gọi nhập ngũ.

PV: Đối với những trường hợp không thực hiện nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi nhập ngũ sẽ bị xử lý thế nào?

Đại tá Nguyễn Quốc Hải: Hằng năm, đại đa số nam thanh niên trên mọi miền tổ quốc trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đã hăng hái lên đường nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ vẻ vang của mình đối với tổ quốc. Tuy nhiên, đâu đó còn tình trạng một số thanh niên tìm mọi lý do để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tại khoản 1 điều 59 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã quy định về xử lý vi phạm như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ quân sự thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Về xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại Nghị định số 120/2013 CP. Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến khám sức khỏe mức phạt từ 800.000- 4.000.000 triệu đồng. Sau khi xử phạt hành chính buộc công dân phải thực hiện kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!./.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.