Mở cửa tư duy

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang xúc tiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) cho giáo dục đại học.

Nguồn tài nguyên giáo dục mở giúp ích việc học của sinh viên thêm hiệu quả. Ảnh NTCC
Nguồn tài nguyên giáo dục mở giúp ích việc học của sinh viên thêm hiệu quả. Ảnh NTCC

Nếu được thông qua, đây sẽ là khung pháp lý quan trọng, mở ra kỷ nguyên số trong giáo dục đại học.

Khái niệm TNGDM được thông qua lần đầu tiên tại Diễn đàn UNESCO năm 2002 về tác động của OpenCourseWare (khóa học mở) đối với giáo dục đại học ở các nước phát triển. Năm 2005, UNESCO kêu gọi các chính phủ ủng hộ việc phát triển và sử dụng nguồn TNGDM (OER) trên toàn thế giới và khuyến nghị về OER của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên thông qua năm 2019.

Việt Nam tham gia vào phong trào khóa học mở toàn cầu từ những năm 2005. Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đại học quan tâm xây dựng và phát triển TNGDM. OER và MOOCs (khóa học trực tuyến đại chúng mở) là những thuật ngữ phổ biến ở Việt Nam, thế nhưng đến nay việc hiểu rõ về OER và xây dựng, đưa vào sử dụng trong môi trường đại học ở nước ta còn hạn chế.

Nguồn tài liệu nội sinh của mỗi trường rất lớn, gồm đề tài nghiên cứu các cấp, luận văn, luận án, khóa luận của học viên và sinh viên, bài giảng… Thế nhưng việc tìm luận án, công trình nghiên cứu này không dễ dàng vì dữ liệu phần nhiều chưa được công khai rộng rãi, ngoại trừ một phần giới thiệu vắn tắt. Hầu hết, đơn vị đều có thư viện số, nhưng chỉ phục vụ nội bộ là chính.

Có nhiều nguyên nhân khiến TNGDM chưa phát triển trong trường đại học ở Việt Nam như: Dạy học theo truyền thống vẫn là thói quen, văn hóa “tiền nào của nấy”, “ăn bánh trả tiền” còn đậm nét; thiếu chính sách liên quan đến phát triển TNGDM; thiếu hệ thống TNGDM cấp quốc gia; chưa có tiêu chuẩn về tài liệu mở giữa các trường đại học; thiếu kinh phí cho đầu tư phát triển... Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nhận thức, tư duy chưa theo kịp xu hướng giáo dục chia sẻ.

Với công trình nghiên cứu, phần nhiều giảng viên các trường còn e ngại chia sẻ dữ liệu do chất lượng đôi khi chưa cao, sợ đối mặt với áp lực phản biện, cùng nhiều vấn đề phát sinh. Đối với bài giảng trực tuyến, một số trường đầu tư kỹ càng, công phu, tốn kém, nên chuyện đem cho cộng đồng “xài chùa” không thoải mái…

TNGDM tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp cơ sở giáo dục đại học khai thác tối đa tri thức của nhân loại để giảng dạy, nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập. Vì thế, xây dựng chính sách TNGDM cho giáo dục đại học là cần thiết và cấp bách, để giáo dục Việt Nam không đi chệch hướng với xu thế thế giới, gây cản trở và kéo lùi sự phát triển của quốc gia.

Việc Bộ GD&ĐT khẩn trương xúc tiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng TNGDM cho giáo dục đại học là tín hiệu tích cực cho thấy ngành đã hướng đến hoàn thiện hành lang pháp lý để xây dựng, phát triển, vận hành, khai thác, quản lý nguồn TNGDM một cách hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Để phát triển TNGDM, còn nhiều công việc phải làm trong thời gian tới, trong đó thay đổi tư duy, văn hóa từ đóng/khép kín sang tư duy, văn hóa chia sẻ/mở tri thức đặc biệt quan trọng, cần bắt đầu từ cấp quản lý. Không thể áp dụng tư duy đóng để áp dụng cho thế giới mở, vì thế, song song với chuyển động về mặt chính sách của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên về vai trò, ý nghĩa, giá trị của TNGDM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.