TS Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho rằng: Theo cách hiểu như đa số các nhà nghiên cứu đã thống nhất thì tài nguyên giáo dục mở sẽ bao gồm:
Các kho thông tin, các nguồn dữ liệu phục vụ giáo dục; các chương trình giáo dục khác nhau, đa dạng; các loại sách chứa đựng những nội dung thông tin theo tinh thần tự do học thuật, sách giáo khoa điện tử và các loại học liệu mở; các phương tiện dịch thuật để giúp người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ; hệ thống thư viện mở (nhất là thư viện điện tử) dùng chung và các phần mềm kết nối truy cập trong cộng đồng giữa các trường, các đơn vị và tổ chức, kể cả giữa các nước;
Ngân hàng đề thi và các hướng dẫn để tự đánh giá, thi cử, tự kiểm định chất lượng; cấp phép mở và các quy định về trách nhiệm cung cấp, chia sẽ thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả…
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, có một vấn đề khác cũng rất đáng suy nghĩ là khi nói đến tài nguyên giáo dục mở thường gắn với giáo dục đại chúng và văn hóa đọc.
Ngày xưa nhiều lúc không biết đọc gì vì không có gì để đọc. Ngày nay, nhiều lúc cũng không biết đọc gì vì có quá nhiều thứ để đọc. Với một khối lượng thông tin khổng lồ mà thời gian thì có hạn, làm sao để người học có thể tiếp cận được nhanh và nhiều nhất những giá trị tinh hoa.
Ở đây muốn lưu ý đến giáo dục tinh hoa. Giáo dục đại chúng đương nhiên là rất cần. Nhưng mặt khác, trong giáo dục đại học, phần giáo dục tinh hoa là trụ cột hết sức quan trọng, nó khám phá và khai mở đến tận cùng, làm bệ đỡ bền vững và tạo sự lan tỏa sâu rộng cho lâu dài.
Cùng ý kiến ban đầu của TS Vũ Ngọc Hoàng, tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học sẽ cùng thảo luận sâu về xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở; kiến nghị về chính sách, cơ chế, thể chế, khung pháp lý và xây dựng hạ tầng cho vấn đề này.
Hội thảo tổ chức trong một ngày. Buổi sáng là những vấn đề chung, buổi chiều sẽ có 3 phiên đối với các vấn đề chuyên môn cụ thể.