Tài nguyên giáo dục mở: Cần giải pháp đồng bộ

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục nói chung và Giáo dục đại học nói riêng đã có những sự thay đổi tiến bộ và được mở rộng nhiều so với giai đoạn trước.

Cần các giải pháp tháo gỡ để phát triển tài nguyên giáo dục đại học mở. Ảnh: TG
Cần các giải pháp tháo gỡ để phát triển tài nguyên giáo dục đại học mở. Ảnh: TG

Thực tế cho thấy, tài nguyên giáo dục mở đã được bàn từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, hạn chế, rất cần giải pháp tháo gỡ.

Các trường chủ động

Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, ngay từ năm học đầu tiên khi thành lập, nhà trường đã xác định vai trò quan trọng của tài nguyên giáo dục, đặc biệt khi theo mô hình lớp học nhỏ (không quá 30 sinh viên/lớp), một môn học nhiều thầy dạy, hướng tới số lượng sinh viên đông và hướng tới mô hình multi-campus. Mục tiêu của Trường ĐH FPT là tất cả các môn học đều có đủ tài nguyên và mỗi sinh viên có một bộ sách giáo khoa có bản quyền để sử dụng trong quá trình học tập. Việc này được thực hiện ngay từ khóa đào tạo đầu tiên cho đến nay.

Nhấn mạnh, các tài nguyên học tập có từ 3 nguồn, TS Lê Trường Tùng trao đổi: Từ nước ngoài, có sẵn trong nước và tự xây dựng. Đến nay, với Trường ĐH FPT tài liệu từ nước ngoài vẫn là nguồn chủ yếu (90%). Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, cùng với textbook giấy (thế hệ 1) và ebook (thế hệ 2), Trường ĐH FPT chuyển sang sách giáo khoa thế hệ 3: Thay cho sách giấy, thay cho ebook – sách giáo khoa chỉ còn là một địa chỉ truy cập trên Internet từ các nguồn tài nguyên trực tuyến mở có phí hoặc miễn phí (MOOC Based, MOOC: Massive Open Online Courses) và từ các trường đại học khác trên thế giới.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên, số lượng người sử dụng trực tiếp các dịch vụ truyền thống ngày càng giảm đi. Thay vào đó là xu thế tăng cường sử dụng tài liệu điện tử. Số lượt truy cập tài liệu điện tử trong toàn ĐH Thái Nguyên đạt gần 950.000 lượt/năm, lượt truy cập trang web đạt trên 5.600.000 lượt. Điều này cho thấy, tài liệu điện tử, cơ sở dữ liệu, học liệu E-learning ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục buộc phải chuyển đổi hình thức giảng dạy để thích ứng với tình hình mới.

GS Phạm Hồng Quang cho biết, ĐH Thái Nguyên có 102 máy chủ, hơn 4.400 máy trạm, 324 bộ thiết bị mạng, 10 bộ thiết bị lưu trữ và 63 đường truyền Internet. Đa số các đơn vị đều quan tâm, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin… Từ năm 2016, ĐH Thái Nguyên trang bị 2 phòng studio chuyên dụng cho việc sản xuất học liệu E-learning đặt tại Trung tâm Số với các trang bị đồng bộ và chuyên nghiệp như: Phòng sản xuất học liệu E-learning (studio), hệ thống LMS/LCMS và đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ năng tốt nhằm hỗ trợ các đơn vị đào tạo thành viên xây dựng bài giảng E-learning phục vụ đào tạo trực tuyến. Tổng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin của toàn ĐH Thái Nguyên đạt gần 20 tỉ đồng/năm.

Dạy học trong trường quay của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG
Dạy học trong trường quay của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG

Vẫn còn khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên theo GS.TS Phạm Hồng Quang vẫn còn một số hạn chế trong phát triển tài nguyên giáo dục mở. Chẳng hạn như: Một số cơ sở giáo dục thành viên chưa thực sự quyết liệt trong việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ truyền thống sang hình thức đào tạo trực tuyến. Do vậy, nhu cầu xây dựng học liệu chưa nhiều và mức độ ưu tiên kinh phí dành cho hoạt động này chưa cao.

Quá trình tạo lập các nguồn tài nguyên giáo dục mở gặp khó khăn về quy trình xây dựng và thẩm định. Trong đó, quy trình xây dựng và thẩm định của các đơn vị trực thuộc ĐH Thái Nguyên chưa có sự thống nhất, chưa định hình rõ. Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất tài liệu điện tử, học liệu E-learning của nhiều trường thành viên còn khiêm tốn so với đầu tư cho các hoạt động khác...

TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – nhìn nhận: Từ năm 2005, Việt Nam đã tham gia chính thức vào phong trào khóa học mở toàn cầu. Chương trình được đưa ra với mong muốn các cơ sở giáo dục, đội ngũ giảng viên và người học có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao và xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở (OER) tiếng Việt. Tuy nhiên, chương trình chưa thu được nhiều thành công do thói quen dạy học theo truyền thống, chưa hình thành thói quen chia sẻ là các thách thức không nhỏ trong việc sử dụng rộng khắp nguồn OER ở Việt Nam.

Theo TS Trương Tiến Tùng, mặc dù OER và MOOCs (các khóa học đại trà trực tuyến mở) là những thuật ngữ rất phổ biến ở Việt Nam; song việc hiểu rõ về OER và xây dựng, đưa vào sử dụng thực tế trong môi trường đại học ở Việt Nam cũng vẫn còn rất hạn chế. Ít trường đại học đã đưa ra các hệ thống OER, chủ yếu là hệ thống MOOCs nhưng số lượng tài nguyên còn hạn chế và thực tế còn bao gồm cả các tài nguyên mở và đóng trên cùng một hệ thống. Việc chưa có các tổ chức đứng ra xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng cho các OER cũng làm các trường đại học nghi ngại về chất lượng và không sẵn sàng trong việc khai thác sử dụng các tài nguyên này.

Những vấn đề trên dẫn tới tình trạng các trường đại học tại Việt Nam chưa thực sự vào cuộc trong việc đẩy mạnh phát triển các hệ thống OER của trường. Khi không có nhiều nguồn tài liệu chất lượng thì OER càng khó thu hút người tham gia khai thác và đóng góp thêm các tài liệu mới.

Xây dựng tài nguyên giáo dục mở cần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của công dân học tập. Ảnh minh họa: TG
Xây dựng tài nguyên giáo dục mở cần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của công dân học tập. Ảnh minh họa: TG

Cần có hệ thống OER cấp quốc gia

TS Trương Tiến Tùng đề xuất, cần xây dựng và ban hành các chính sách liên quan tới việc phát triển OER trong các trường đại học nói riêng và phát triển OER tại Việt Nam nói chung. Vì vậy nên có các quy định liên quan tới việc coi OER là một tiêu chí trong kiểm định chất lượng. Coi như đây là một phần trong trách nhiệm xây dựng và phát triển cộng đồng của các trường đại học. Chính sách cũng cần xác định rõ vai trò đầu tàu của các trường đại học trong việc phát triển hệ thống OER của Việt Nam.

Ngoài ra, ban hành các tiêu chuẩn về tài liệu mở giữa các trường đại học và cần có một hệ thống OER cấp quốc gia kết nối và phân phối chung cho các trường đại học tại Việt Nam. Hệ thống này không dừng lại phục vụ các trường đại học, mà còn đóng vai trò xây dựng xã hội học tập, giáo dục người lớn tại Việt Nam. Các trường đại học tham gia hệ thống cần có cam kết về công nhận tài liệu của nhau, chịu trách nhiệm về việc kiểm định các tài liệu mở được phát hành bởi trường mình.

Mặt khác, cơ chế đánh giá, chấm điểm các OER trên hệ thống quốc gia thông qua tình trạng khai thác sử dụng, trích dẫn, truy cập. Đưa kết quả này vào đánh giá chất lượng trường đại học hoặc tiêu chí trong kiểm định chất lượng trường đại học cũng sẽ giúp thúc đẩy việc phát triển hệ thống OER quốc gia.

Nhấn mạnh, phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giai đoạn hiện nay là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia; GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, phát triển mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học hiệu quả cần sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội; trong đó các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên và người học là trung tâm.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cùng với đó, cần có các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng các quy định về xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, lựa chọn và phát triển tài nguyên giáo dục mở phù hợp; đồng thời lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp, đăng ký giấy phép về sở hữu trí tuệ, công tác đào tạo và truyền thông. Khai thác được tri thức của nhân loại, của cộng đồng thông qua khai thác tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp chúng ta “đứng trên vai những người khổng lồ” hướng tới mục tiêu học tập đa dạng của xã hội, tiến tới xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Để phát triển tài nguyên mở cho giáo dục đại học, TS Lê Trường Tùng đề xuất, Việt Nam cần có cách tiếp cận không làm riêng, mà tập trung khai thác sử dụng nội dung tài nguyên mở quốc tế, tham gia làm phụ đề, dịch sang tiếng Việt các tài nguyên quốc tế và đưa nội dung tài nguyên tiếng Việt lên các nền tảng MOOC quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tài nguyên mở quốc tế, việc các trường đại học Việt Nam dùng tiếng Anh như công cụ chứ không như môn học, là chuẩn đầu vào chứ không phải chuẩn đầu ra - vẫn là then chốt.

Cũng theo TS Lê Trường Tùng, tài nguyên mở không chỉ là việc quay video một bài giảng rồi đưa lên mạng, không chỉ đơn giản là thay sách giáo khoa giấy bằng tài nguyên điện tử, mà cuối cùng sẽ thay đổi mô hình dạy - học đại học truyền thống, hệ thống giáo dục đại học trở nên chất lượng hơn, hiệu quả hơn, sử dụng được công nghệ giáo dục mới hơn, tương tác tốt hơn và hội nhập tốt hơn.

Ngoài ra, cũng cần thay đổi nhận thức, tư duy để “mở” về bản quyền với nguồn tài nguyên mở, và “mở” hơn các quy định quản lý đại học còn cứng nhắc theo mô hình truyền thống hiện nay như: Định mức giảng viên/sinh viên, mét vuông đất, mét vuông sàn xây dựng để mở đường cho phong trào tài nguyên giáo dục mở phát triển trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Điều quan trọng là, bản thân giảng viên và trường học – tác giả của các nguồn tài nguyên mở - cần phải nắm các chuẩn mực xây dựng tài nguyên giáo dục mở theo thông lệ quốc tế.

GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực – cho rằng, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phải theo hướng số hóa, đồng bộ với việc mở ra những khóa học trực tuyến ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mặt khác, mỗi trường THPT, cao đẳng nghề và đại học phải có được kho tàng học liệu đủ lớn, luôn cập nhật tri thức mới để phục vụ đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Yêu cầu cơ bản nhất đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở là đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của công dân học tập. Giai đoạn trước mắt (2021 - 2025), công dân học tập là những công dân số trong quốc gia chuyển đổi số, sống trong môi trường số. Xa hơn, công dân học tập sẽ là những công dân tri thức khi nền kinh tế tri thức ở nước ta đã phát triển tới một quy mô nhất định. Tiếp theo, trong số công dân tri thức, nhiều người sẽ là công dân toàn cầu.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, trước hết, Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan chủ trì tập hợp và liên kết các trường đại học, các học viện và các doanh nghiệp lớn xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở; Chuyển tải linh hoạt tài nguyên giáo dục mở vào những khóa học ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Tài nguyên giáo dục mở được hình thành cần đồng bộ với việc cấp phép mở.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, số hóa tài nguyên giáo dục mở và nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị số để truy cập tài nguyên giáo dục số cho người dân là 2 việc phải được phát triển song hành. Mặt khác, các lớp học, khóa học trực tuyến được mở ra tại các cơ sở đại học sẽ tạo nên một phương thức học tập thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Trong thế giới hiện đại, việc học tập tại nhà và tại nơi làm việc đang là một xu thế được nhiều quốc gia quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ