Mở “cửa” kiến thức với câu hỏi mở

GD&TĐ - Trong giờ học, hệ thống câu hỏi của giáo viên có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định chất lượng bài dạy. Đó là nhận định của cô giáo Lê Thị Hồng (Trường THPT Triệu Sơn 4, Thanh Hóa).

Mở “cửa” kiến thức với câu hỏi mở

Nhận biết câu hỏi mở

Theo cô Hồng, thay cho việc thuyết trình, đọc, chép, sẽ rất hiệu quả nếu giáo viên đưa ra chuỗi những câu hỏi liên quan tới nội dung bài học để học sinh tự suy nghĩ phát hiện kiến thức, phát triển nội dung học, đồng thời khuyến khích học sinh động não suy nghĩ tham gia thảo luận xoay quanh nội dung trọng tâm của bài học theo trật tự logic.

Hệ thống câu hỏi còn nhằm định hướng, dẫn dắt học sinh từng bước phát hiện ra bản chất của sự vật, quy luật của hiện tượng, kích thích tính tích cực tìm tòi, sự ham hiểu biết.

Trong quá trình đàm thoại, giáo viên là người tổ chức, học sinh chủ động tìm tòi sang tạo, phát hiện kiến thức mới, đồng thời qua đó học sinh có nhiều niềm vui, hứng thú của người khám phá và tự tin khi thấy trong kết luận của thầy có phần đóng góp của mình.

Kết quả là học sinh vừa lĩnh hội được kiến thức đó, vừa biết được cách thức đi đến kiến thức đó, trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy.

Việc thiết kế hệ thống câu hỏi theo cấp độ tư duy như vậy rõ ràng mất rất nhiều thời gian hơn là thuyết trình giảng giải, nhưng nó có tác dụng khắc sâu kiến thức và phát triển tư duy của học sinh.

Theo cô Lê Thị Hồng, trong các tiết dạy, đôi khi giáo viên đưa ra những câu hỏi khó, rồi sau đó phải tự trả lời; hay đưa ra câu hỏi sau đó lại gợi ý quá nhiều khiến học sinh không phát huy đươc khả năng tự khám phá, tính độc lập suy nghĩ như vậy đã hạn chế khả năng tự học của học sinh.

Cũng có tiết học, giáo viên đưa ra quá nhiều câu hỏi vụn vặt, cùng một nội dung nhưng giáo viên lại đưa ra nhiều câu hỏi nhỏ, làm như vậy có thể học sinh cảm thấy dễ hiểu hơn nhưng lại không hệ thống hóa được kiến thức một cách logic và không phát được khả năng tư duy của học sinh.

Hay, giáo viên chỉ đưa ra những câu hỏi mà học sinh không cần phải suy nghĩ sâu mà vẫn trả lời được như vậy sẽ tạo cho học sinh cảm giác cái gì cũng biết nên không chịu tìm tòi để học hỏi thêm.

Hoặc giáo viên vừa đọc xong câu hỏi đã gọi ngay học sinh lên trả lời, nhằm tránh tình huống “cháy” giáo án trong các bài mà nội dung kiến thức dài.

Đặc điểm của những câu hỏi mở tốt, theo cô Hồng là phải ngắn gọn, đơn giản, tránh vòng vo, khó hiểu hoặc giải thích quá nhiều, không đi thẳng vào vấn đề.

Câu hỏi phải rõ ý không nên đặt câu hỏi quá chung chung; bắt đầu câu hỏi bằng từ hỏi đúng vào nội dung cần hỏi và câu hỏi đưa ra phù hợp với nội dung, chủ đề học tập, với hoàn cảnh, tâm lí, vốn từ, trình độ của người được hỏi.

Để có được những câu hỏi thực sự mở

Muốn có được những câu hỏi thực sự mở, cô Lê Thị Hồng cho rằng, giáo viên cần đọc nội dung bài học thật kỹ, nắm đúng kiến thức trọng tâm của bài, nắm rõ điều gì học sinh cần biết, phần nào cần mở rộng, phần nào cần giảm tải bớt.

Sau đó, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với nội dung bài dạy đáp ứng được các yêu cầu như: Độ khó, dễ của câu hỏi sao cho phù hợp với năng lực của người học, vừa phải kích thích được tính tự suy nghĩ, tự tìm tòi để phát hiện và tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Xây dựng câu hỏi theo cấp độ tư duy: Biết, hiểu, vận dụng tức dễ, vừa, khó.

Lựa chọn số lượng câu hỏi sao cho phù hợp với thời lượng 45 phút của một tiết học cũng rất quan trong, thông thường trong một tiết học chỉ nên có từ 4 tới 5 câu hỏi trong đó có một tới hai câu hỏi lớn, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức của học sinh.

Nếu học sinh khá giỏi việc đưa ra câu hỏi lớn sẽ phát huy được khả tư duy của học sinh và kích thích tính tự tìm tòi để trả lời câu hỏi, bên cạnh việc đưa ra lượng câu hỏi phù hợp cũng tạo được thời gian cho học sinh tự suy nghĩ.

Nếu học sinh yếu, kém và trung bình thì sẽ gặp khó khăn, lúc này chúng ta lại phải đưa ra những câu hỏi nhỏ và một tiết học lúc này có lên tới cả chục câu hỏi.

Giáo viên cũng cần lựa chọn cách đặt câu hỏi cho phù hợp, với nội chính của bài nên sử dụng dạng câu hỏi mở, cho tới khi cũng cố bài chúng ta sẽ dùng câu hỏi đóng.

Khi sử dụng câu hỏi phải khéo léo. Với những câu hỏi lớn, cách tốt nhất là dùng phiếu học tập phát tới học sinh vì học sinh nghe một, hai lần sẽ không ghi nhớ được nội dung câu hỏi.

Môn Hóa học, với phần tính chất vật lý và phần điều chế, dùng câu hỏi ở mức độ biết hoặc hiểu để giành thời gian phân tích sâu vào phần tính chất hoá học. Phần tính chất hoá học cần có những có hỏi thuộc vào cả ba mức độ: Biết, hiểu, vận dụng.

Tham khảo những câu hỏi mở và cách sử dụng câu hỏi được cô Lê Thị Hồng sử dụng trong bài học về Clo (Hóa học lớp 10) TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ