Bằng chứng là Văn - Sử - Địa… tôi học trên mức tốt, luôn được khen. Ngược lại, đến các tiết có con số và công thức, tôi trở thành trò đùa của chúng bạn và nỗi bực dọc của giáo viên vì sự dốt thâm căn cố đế của mình.
Đến giờ nhớ lại vẫn... sợ những điểm số 1 - 2 - 3 liên tu bất tận. Cũng có chút lý do chính đáng: Mắt tôi cận thị sớm, nhìn bảng rất kém.
Thôi, không dông dài, tôi muốn nói đến kỷ niệm với môn Hóa học khó nuốt. Các phương trình phản ứng với tôi thật nan giải để cân bằng, rồi hóa trị, bảng tuần hoàn hóa học… Nếu tôi làu thông nguyên nhân - ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ bấy nhiêu thì tối tăm với các phương trình phản ứng hóa học y như thế, với chiều ngược lại. Thầy dạy Hóa cao lớn, lâu quá tôi không nhớ họ, nhớ tên thầy… Khải (xin lỗi thầy). Thấu hiểu sự khó của tôi, thầy luôn tìm một cách nào đó để tôi có chút điểm còm. Tất nhiên, về nguyên tắc như thế là không đúng, những cái tình tôi hiểu được.
Cho đến cuối học kỳ II năm lớp 9, thầy cho một bài kiểm tra về nhà: Trình bày theo cách riêng của em những nguyên tố hóa học mà em “thích”. Thầy dành chỗ cho sự sáng tạo, đấy là một ý tưởng hay ngay cả với bây giờ.
Qui luật người ta đã tổng kết không sai: Cần cù bù thông minh. Tôi nhận ra cơ hội để có bàn thắng danh dự ở phút 89. Tụi bạn làm một nhoáng là xong, tụm năm tụm ba đi đá bóng, tôi hì hụi rất lậu, cả tuần! Vẫn nhớ “công trình” về Hóa học của học trò cuối cấp II của tôi khi ấy: Trên một miếng bìa cứng lớn kiếm được, tôi công phu trình bày từng nguyên tố hóa học được chọn. Với ti tan, ngoài ký tự bằng bút lông viết lớn đập vào mắt, tôi ghi cẩn trọng “thuộc tính” của hắn - trọng lượng riêng, ký hiệu hóa học, nhiệt độ nóng chảy… và “độc” nhất - theo ngôn ngữ bây giờ - tôi đính bên cạnh đấy một bức ảnh tư liệu mà tôi… cắt ra từ sách mượn của thư viện! Ảnh ấy là gì, một chiếc Mig-21 tiêm kích quân sự do Liên Xô chế tạo. Cậu học trò hí hoáy viết chú thích: “Trong thành phần tạo nên thân chiếc máy bay này có nguyên tố titan”. Tương tự, với helium, là ảnh khinh khí cầu to đùng “helium được bơm vào để nâng thiết bị bay này”…
Và giờ G ngày N đến, tôi trịnh trọng mang công trình của mình vào lớp, tiết 2, thầy Khải cao lớn đẹp trai đi vào, sau nghi thức đứng lên, tôi tự tin “đệ” kết quả một tuần cật lực của mình lên bàn giáo viên. Điều gì đã xảy ra sau đấy, khi thầy công bố điểm số kiểm tra? Điểm 10 các bạn ạ! Điểm số cao nhất và duy nhất tôi được nhận cho môn Hóa học, hay nói cho rộng ra, điểm 10 duy nhất của đời học sinh - lại là đạt được ở môn khó nhất. Kỷ niệm là vậy…
Bây giờ qua lại Phòng GD&ĐT huyện Giá Rai, tôi vẫn thường gặp thầy Khải hiện là công chức ở đấy. Thầy trò nhìn nhau gật đầu, không nói gì, song tôi hiểu với thầy, có lẽ kết quả ngoạn mục mà tôi có được năm xưa, thầy vẫn nhớ?
Điểm 10 Hóa học ấy động viên tôi rất nhiều, mãi đến sau này, như vượt qua một ngưỡng tâm lý vô hình, cho thấy điều gì cũng có thể. Và kết quả ấy cho thấy nghệ thuật sư phạm của giáo viên trong một đề đầy sáng tạo, linh hoạt, tạo điều kiện cho học sinh dốt và ngán Hóa học nhất cũng có thể thấy sự hấp dẫn, hứng thú như tôi đã làm - một tuần dùi mài với các nguyên tố.
Cám ơn thầy đã cho em một kỷ niệm đẹp đẽ khó quên. Mong ở cương vị mới, nhiệt tâm và cái nhìn thấu cảm của thầy sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, thầy nhé!