Miễn học phí cho sinh viên sư phạm có còn hợp lý?

GD&TĐ - Tham vấn về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, nhiều chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, bởi thực tế cho thấy: Chính sách này đã có một số bất cập.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh minh họa/internet
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh minh họa/internet

Cho rằng đây là vấn đề được bàn đến nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – đề xuất: Lần này chúng ta nên thực hiện.

Trước chúng ta quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành Giáo dục, nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế, chúng ta không thu lại được khoản đó nếu sinh viên không theo sư phạm.

Theo GS.VS Đào Trọng Thi, thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, chúng ta có thể chuyển thành việc cho các sinh viên ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi. Khi ra trường nếu em nào làm trong ngành giáo dục một số năm thì được miễn, không thu lại.

Còn em nào không trong ngành Giáo dục làm thì phải hoàn lại số tiền đã được vay tín dụng ưu đãi. Thực chất, với phương án này chính sách ưu đãi không thay đổi nhưng rõ ràng sẽ giải quyết được vướng mắc như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta còn có cơ chế thu lại số tiền đã cho vay.

GS.VS Đào Trọng Thi: Thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, chúng ta có thể chuyển thành việc cho các sinh viên ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi
GS.VS Đào Trọng Thi: Thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, chúng ta có thể chuyển thành việc cho các sinh viên ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi

Cùng chung quan điểm với GS.VS Đào Trọng Thi, PGS.TS Nguyễn Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính – cho rằng: Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đề nghị nghiên cứu sửa đổi về chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo hướng:

Sinh viên học sư phạm sẽ được vay tín dụng ngân hàng để trang trải học phí. Sau khi học nếu công tác trong ngành lĩnh vực sư phạm đáp ứng đủ điều kiện thời gian theo quy định thì sẽ được miễn hoàn toàn trả phần vay. Trường hợp không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả tiền vay.

PGS.TS Nguyễn Trường Giang – phân tích: Theo quy định hiện hành tại Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, người học là sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong cơ sở giáo dục đại học không phải đóng học phí.

Theo quy định tại Luật Giáo dục Đại học, những người học này sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian đợc hưởng học bổng và chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy một số bất cập: Thứ nhất, sinh viên sư phạm, sinh viên các ngành chuyên môn đặc thù không phải đóng học phí; ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học tương ứng mức học phí của sinh viên.

Thứ hai, khi sinh viên tốt nghiệp, nhà nước không sắp xếp, điều động được việc làm cho sinh viên sư phạm, sinh viên học các ngành chuyên môn đặc thù; sinh viên sư phạm không tìm được việc làm trong các cơ sở giáo dục- đào tạo

Thứ ba, từ thực tế trên dẫn đến lãng phí về nguồn ngân sách nhà nước. Nhà nước bảo đảm kinh phí đào tạo nhưng không được sử dụng kết quả đào tạo, lãng phí nguồn lực xã hội vì sinh viên được đào tạo ngành sư phạm, ngành chuyên môn đặc thù nhưng không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo.

“Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ sửa đổi về chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo hướng: Sinh viên học sư phạm sẽ được vay tín dụng ngân hàng để trang trải học phí là phù hợp với thực tiễn hiện nay” - PGS.TS Nguyễn Trường Giang góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.