Cần xem xét một cách khoa học
Theo PGS.TS Nguyễn Thám – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, hiện tại nếu bỏ chính sách không thư học phí sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm sẽ rất khó khăn. Để nâng cao chất lượng giáo viên thì khâu đào tạo ở trường sư phạm rất quan trọng, chúng ta làm sao để cân bằng giữa cung và cầu để tiến tới không bỏ chính sách này.
Một khảo sát về tác động của chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm do TS Trần Lương (Khoa sư phạm - Trường ĐH Cần Thơ), đưa ra tại hội thảo cho thấy: 83% SV cho rằng việc miễn học phí giúp họ có cơ hội học tập trở thành GV và 82,1% cho rằng chính sách miễn giảm học phí tạo động lực học tập cho họ.
Nếu chính sách miễn giảm học phí không được áp dụng đối với SV ngành sư phạm nữa thì có đến 22,1% SV trong tình trạng lưỡng lự với việc tiếp tục học nữa hay không.
Bên cạnh đó, 13,7% SV khẳng định gia đình họ có khả năng đóng tiền học phí cho họ, 18,8% SV khẳng định khả năng có thể tự đóng học phí, 22,1% khẳng định vẫn tiếp học ngành sư phạm dù không còn được miễn học phí.
Từ đó, TS Trần Lương cho rằng nếu chính sách miễn học phí thay đổi sẽ làm giảm số lượng SV theo học ngành sư phạm. Tuy nhiên vẫn còn những SV có đam mê thật sự với nghề, có năng lực phù hợp… Đây là những thực tiễn tích cực cần được xem xét và xử lý một cách khoa học.
Còn theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1998, tuy nhiên đến nay hầu như chưa có công trình nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu nào về tác động của chính sách này đối với động cơ học tập của sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết của SV khi vào học ngành sư phạm dường như bị thả nổi, do cung cầu chưa hợp lý.
"Cần xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc, công bằng và thấu đáo về chính sách này. Khuynh hướng điều chỉnh chính sách bằng những giải pháp khác là điều cần cân nhắc. Tuy nhiên cần đảm bảo hướng đến chính sách cho đầu ra về lương bổng song song với sự chuyển đổi hình thức hay chọn lọc trọng điểm cho nhóm sinh viên có tiềm lực trở thành giáo viên giỏi sẽ có thể là lựa chọn hiệu quả.
Đây là vấn đề quan trọng mà chính sách không thu học phí sinh viên sư phạm ở Việt Nam cần xem xét và định hướng điều chỉnh hay thay đổi cấp thiết" - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đề xuất.
Ban chủ tọa điều hành hội thảo |
Có nên duy trì chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm?
Phát biểu tại hội thảo, TS Khiếu Thị Nhàn - Chánh văn phòng Chương trình khoa học giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho rằng trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển đội ngũ giáo viên, trong đó chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có nhiều tác động tích cực.
Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây một số ngành sư phạm có điểm chuẩn đầu vào tương đối thấp dẫn đến sự lo lắng, băn khoăn về chất lượng đào tạo sư phạm. Vì vậy câu hỏi đặt ra là chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm có thực sự còn hiệu quả trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đề nghị: "Phải bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - phát biểu |
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra ba lý do cho đề xuất này: Thứ nhất, việc cấp bù quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo “ra ngô, ra khoai”. Thứ hai, là bất công khi trường phải lấy học phí của những sinh viên không học sư phạm để "nuôi" những sinh viên theo học sư phạm. Thứ ba, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã khá hơn. Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng , tính trung bình một sinh viên cần 150 triệu đồng để chi học phí và ăn ở trong 4 năm. Khi ra trường, em này đi làm 10 triệu đồng/ tháng, thì chỉ sau một năm đã "gỡ" lại chi phí trên.
Mặt khác, 90% sinh viên ngành sư phạm kỹ thuật ra trường đã có việc làm ngay ở các công ty xí nghiệp. Như vậy, nếu vẫn miễn học phí cho đối tượng này thì cả Nhà nước và nhà trường đều phải bỏ ra một khoản bù cho chi phí đào tạo là không cần thiết.
“Nên thực hiện chính sách thu học phí sinh viên sư phạm như các ngành học khác. Khi sinh viên nào ra trường làm đúng ngành sư phạm, trường sẽ chuyển số học phí mà sinh viên đã nộp về Sở GD&ĐT để Sở sẽ chi trả thêm trong tiền lương hàng tháng cho các em. Cùng với lương và số tiền "trả lại" này sẽ giúp các em ổn định cuôc sống trong những năm đầu đi làm” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất .
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, bày tỏ e ngại cho đề xuất bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Theo PGS Nguyễn Kim Hồng, hiện nay tỉ lệ sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm đang cao hơn rất nhiều so sinh viên nông thôn vào trường khác. Tuy nhiên theo tính toán của nhà trường, học phí không phải là vấn đề quyết định sinh viên có vào sư phạm hay không mà phải là chính sách khác nữa.
PGS.TS. Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, cho rằng đồng tình việc bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình và phải nghiên cứu một cách tổng thể tác động đi kèm.
“Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là các trường phải theo xu hướng tự chủ để phát triển, nhưng nếu vẫn tiếp tục miễn học phí thì các trường sư phạm sẽ vẫn phải chờ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu bỏ chính sách này thì điều kiện tiên quyết là phải tăng lương cho giáo viên…” – PGS.TS. Lê Văn Tiến chia sẻ.