Nhiều vấn đề được đưa ra luận bàn tại Hội thảo “Phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng GV & CBQLCSGDPT” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV & CBQLCSGDPT (ETEP) - Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/11/2017 tại Hà Nội.
Trường sư phạm phải đi bằng “hai chân” – đào tạo và bồi dưỡng
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ GV&CBQLGDPT và trọng trách này đặt lên vai các trường sư phạm – phải có đủ năng lực để có thể đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GV&CBQLGDPT đáp ứng yêu cầu đổi mới.
TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo, các trường sư phạm phải chú trọng hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, phải đi bằng “hai chân”- cả đào tạo và bồi dưỡng - đồng thời quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng để các GV&CBQLGD tăng cường tự học, học cá nhân, học tương tác, học qua mạng. Theo đó, các nội dung bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu của người học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của thực tiễn giáo dục.
Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, PGS.TS Bùi Đức Nguyên, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế, các trường sư phạm phải thực hiện 2 nhiệm vụ đồng thời là đào tạo và đào tạo lại. Theo đó, các trường sư phạm phải rà soát lại nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ nhà giáo, phải xác định thứ tự ưu tiên để đầu tư cho hiệu quả khi tham gia Chương trình ETEP.
Để làm tốt việc này, các trường sư phạm cũng cần có chiến lược phát triển nhà trường, quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản trị nhà trường, năng lực dạy học tích hợp, dạy học trực tuyến, năng lực hoạt động tương tác với trường phổ thông, các cơ quan quản lí giáo dục cho giảng viên và các lãnh đạo nhà trường.
PGS. TS Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Chương trình ETEP, |
Trường sư phạm phải kết nối với các trường phổ thông
“Muốn phát triển trường sư phạm thì việc kết nối với trường phổ thông như là 1 cơ sở vệ tinh là rất quan trọng. Đây là cơ hội để phát triển năng lực của từng giảng viên, đồng thời cũng là cơ hội rất quan trọng để chúng ta tương tác về thực tiễn giáo dục. Một mặt giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn, mặt khác giúp giảng viên của trường sư phạm có điều kiện bắt nhịp và gắn kết chặt chẽ với sự thay đổi của thực tiễn giáo dục phổ thông” – Đó là ý kiến của PGS. TS Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học SP – ĐH Đà Nẵng.
Theo ông Sơn, nếu coi phát triển thực hành nghiệp vụ sư phạm như là 1 giải pháp quan trọng, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên các trường sư phạm thì việc phát triển trường thực hành sư phạm trong lòng trường ĐHSP hay tại các trường đại học đa ngành có khoa sư phạm là một mô hình cần đầu tư nghiên cứu.
Quan điểm của GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại hội thảo nhận được nhiều ý kiến đồng tình: “Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tích hợp và phân hóa và coi tích hợp là cách để giảm tải những kiến thức rời rạc, độc lập, chưa quan tâm đến việc tăng cường năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Chương trình môn học thiết kế theo tích hợp vừa bảo đảm mạch logic nội dung từng đơn môn, vừa có các chủ đề tích hợp một cách logic các đơn môn đó. Các chủ đề tích hợp vừa kết nối được các đơn môn, vừa giúp học sinh hiểu sâu từng đơn môn”. Theo đó, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng sao cho vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề.
Đó là giải pháp lâu dài, bền vững và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế chương trình sao cho người học vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp, vừa được lựa chọn để được đào tạo chuyên sâu các môn tự chọn.
Đại diện trường ĐH Hong Kong chia sẻ tại hội thảo |
Giáo dục kiến tạo và cá nhân hoá
Giáo sư Lee Chi-kin John Phó Hiệu trưởng học thuật, ĐH Giáo dục Hồng Kông cho rằng, xu hướng của trường sư phạm trong thế kỷ 21 là dạy học kiến tạo.
Với dạy học kiến tạo, sinh viên tích luỹ tri thức của chính mình bằng cách kiểm nghiệm các ý tưởng và cách tiếp cận dựa trên kiến thức và kinh nghiệm đã có từ trước, áp dụng chúng trong những tình huống mới và tích hợp tri thức mới. Họ được phép mạo hiểm và kết quả có thể thành công hoặc không thành công. Điều quan trọng là hãy để cho những kế hoạch, mục tiêu, giấc mơ của họ được hiện thực hóa. Sự mạo hiểm này là cần thiết.
Dạy học kiến tạo, giáo viên tích hợp, liên kết kiến thức với kỹ năng sống, biến kiến thức trong sách vở thành vấn đề trong cuộc sống, giúp người học phát triển các năng lực cá nhân và các kỹ năng giải quyết vấn đề.
Về điều này, GS LEE Chi-kin John thông tin thêm, giáo dục cá nhân hóa là xu hướng thế giới. Giáo dục được cá nhân hóa có nghĩa là cần biết đâu là mặt mạnh, mặt hạn chế và các mối quan tâm của người học và phải hiểu rất rõ từng người học để có biện pháp và cách thức hỗ trợ phù hợp.
PGS. TS Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về nghề nghiệp giáo viên (ITSP) năm 2016 tại Đức, giáo viên thành công được định nghĩa là người chuẩn bị cho học sinh những kiến thức về thế giới, trong đó việc có thể nhớ nội dung kiến thức không quan trọng bằng việc có thể sử dụng kiến thức đó trong các bối cảnh cuộc sống có nhiều thay đổi với tốc độ nhanh chóng.
Trong hầu hết các hệ thống giáo dục có hiệu quả cao như Úc, Canada, Phần Lan, Hồng Kông, giáo viên đều được quyền tự chủ đáng kể để quyết định làm thế nào đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Sự tự chủ của giáo viên lại phải được kết hợp bởi những nỗ lực khác để chuyên nghiệp hóa năng lực giảng dạy, để các quyết định của giáo viên được thông tin đầy đủ.
Vì vậy, ITSP năm 2017 tại Scotland, các nước OECD đã chú trọng đến việc “Tăng cường năng lực và trao quyền cho các giáo viên và lãnh đạo trường học trong thực hiện các hoạt động giáo dục để đem lại sự công bằng hơn và cải thiện hơn kết quả giáo dục cho mọi học sinh”.
Những lĩnh vực cốt lõi để nâng cao tính chuyên nghiệp của GV&CBQLGD các nước OECD đang quan tâm cũng là những điểm được giải quyết triệt để trong chương trình ETEP: phát triển nghề nghiệp của GV&CBQLGD dựa trên những năng lực cốt lõi của Chuẩn nghề nghiệp, tăng cường trao quyền và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động, xây dựng sự hỗ trợ làm việc theo nhóm và các network của các GV&CBQLGD thường xuyên, liên tục, ngay tại nhà trường.
Sinh viên sư phạm buộc phải nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng
Nói về năng lực dạy học tích hợp của giáo viên hiện nay, giáo sư Lee Chi-kin John, Phó giám đốc học thuật của ĐH Giáo dục Hồng Kông (EduHK) cho biết, ở EduHK có những khóa học liên môn bắt buộc với sinh viên sư phạm với phương châm lấy nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng làm nền tảng.
Tất cả sinh viên sư phạm bắt buộc làm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Điều này giúp họ có kinh nghiệm thu thập, phân tích dữ liệu, tư duy phản biện, tư duy hệ thống, để sau này đi khi đi dạy biết cách nghiên cứu và thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục phát triển”.
Các báo cáo của các chuyên gia giáo dục tại Hội thảo đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế và trong nước về đào tạo bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT.
Trong giai đoạn tới, với sự hỗ trợ của Chương trình ETEP, 8 trường sư phạm trong chương trình sẽ phối hợp với các trường sư phạm khác của Việt Nam tập trung xây dựng một chiến lược phát triển sư phạm mang tính tổng thể, gắn chặt với việc xác định sứ mạng, tầm nhìn, kế hoạch chiến lược và các hành động cụ thể để nâng cao năng lực từng trường đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và CBQLCSGD phổ thông trong giai đoạn mới.
Bốn lĩnh vực ưu tiên để nâng cao năng lực trường sư phạm trong xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện tại được các trường sư phạm xác định là:
Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường sư phạm; Phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu gắn với thực tế phổ thông và công bố quốc tế; Phát triển nguồn học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của người học.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế. Ngoài đại diện các trường ĐH có khoa SP và các trường ĐHSP trên toàn quốc còn có các tổ chức giáo dục đến từ Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như VVOB, Microsoft.
Đặc biệt có sự tham gia của đoàn chuyên gia của Đại học Giáo dục Hồng Kông (EduHK), đơn vị có bề dày 100 năm kinh nghiệm, xếp thứ 2 khu vực Châu Á và thứ 13 trên thế giới trong bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings) năm 2017. EduHK là đơn vị được lựa chọn để hỗ trợ kĩ thuật cho các trường sư phạm chủ chốt trong khuôn khổ Chương trình ETEP nâng cao năng lực.