Thời gian gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở địa điểm trên nhiều điều thú vị. Người ta còn cho rằng, nơi đây ẩn giấu kho vàng của Solomon, vị vua giàu có nhất mọi thời đại.
Phồn thịnh và suy tàn
Người Kush đã đe dọa biên giới phía Nam của Ai Cập trong 200 năm, tấn công nước láng giềng này từ thủ đô Napata của họ. Nhưng vào năm 591 TCN, người Ai Cập đã ghi một chiến công vang dội trước vương quốc Kush, và pharaoh Psamtik II đã thẳng tay tàn phá Napata. Tàn binh Kush dưới thời vua Aspelta, trước sức mạnh của Ai Cập, đã phải lùi sâu về phía Nam, chọn Meroe làm thủ đô mới.
Các nguồn tài nguyên phong phú và đất đai màu mỡ bảo đảm cho trung tâm quyền lực mới phát triển mạnh mẽ và người Kush đã tái lập đất nước trong huy hoàng. Họ hình thành các tuyến đường thương mại đến tận Ấn Độ, thậm chí cả Trung Quốc, mang lại sự thịnh vượng cho vương quốc.
Thời điểm đó có hơn 200 kim tự tháp được xây dựng tại Meroe. Phần lớn trong số này hiện trong tình trạng đổ nát, nhưng những gì còn lại cho thấy tỷ lệ và kích thước đặc biệt của chúng, trông rất khác với các kim tự tháp Ai Cập. Chúng cao từ 6 - 30m, được cho là đã được xây dựng từ năm 720 TCN đến năm 300 TCN.
Trữ lượng quặng sắt dồi dào nằm gần đó và vị trí như một cửa ngõ vào miền Nam châu Phi đã biến thành phố Meroe trở thành một trung tâm thương mại phồn thịnh của vương quốc.
Bằng chứng về các lò cao tại địa điểm này cho thấy tầm quan trọng của việc luyện kim loại đối với người Kush. Sắt là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và việc sản xuất đồ sắt được tập trung kiểm soát ở Meroe.
Với những người thợ gia công kim loại có kinh nghiệm và tài năng nhất trên thế giới tập trung ở đây, thành phố Meroe cũng tham gia xuất khẩu đồ trang sức và hàng dệt may.
Gốm cũng là một mặt hàng thương mại quan trọng đối với người Kush và được sản xuất nhiều, trong đó có những chiếc bình và bát bằng gốm trang trí, tinh xảo, được sử dụng cho các nghi lễ.
Chìa khóa cho sự thành công về chính trị, xã hội của Meroe và đế chế Meroitic của người Kush phát triển mạnh mẽ xung quanh nó, là lực lượng lao động sẵn có để khai thác các nguồn tài nguyên. Nguồn lực này đã thúc đẩy sự giàu có của khu vực, dẫn đến sự trỗi dậy quyền lực chính trị ở Meroe. Nhà vua Aspelta đã sáng suốt khi chọn Meroe làm thủ đô mới của mình.
Sự tập trung quyền lực và giàu có này đã dẫn đến những tiến bộ về kỹ thuật và Meroe đã có thể khai thác sông Nile. “Sakia”, một thiết bị nâng nước bằng cơ học, chuyển nước để tưới tiêu và sản xuất cây trồng, mở ra nhiều diện tích đất cho nông nghiệp.
Những người sống ở Meroe cũng có quan điểm riêng về tôn giáo, nhưng các vị thần của Ai Cập đã phủ bóng trong thời gian dài ở đây và các vị thần là Horus, Thoth và Isis cũng được tôn thờ, giống như thời kỳ mà thủ đô còn gần với Ai Cập.
Vào cuối thế kỷ I TCN, Ai Cập bị đế chế La Mã chinh phục và Meroe phải đối mặt với kẻ thù mới. Người La Mã đã đáp trả các cuộc đột kích của quân đội Kush vào Ai Cập, tiến quân về phía Nam và một lần nữa cướp phá thủ đô cũ Napata.
Trong thế yếu, những người ở Meroe cầu hòa với người La Mã, thích ứng với môi trường chính trị mới và duy trì vị trí trung tâm thương mại của thành phố. Tuy nhiên, trong ba thế kỷ tiếp theo, Meroe suy tàn dần.
Sự suy giảm quyền lực này đồng thời với sự trỗi dậy của các cường quốc mới trong khu vực. Một trong số đó là Axum, vương quốc mới nổi ở Ethiopia ngày nay. Uy thế của Meroe với tư cách là một trung tâm thương mại ngày càng giảm sút và Axum đã tận dụng được lợi thế này, phát triển đất nước họ ngày càng giàu mạnh.
Meroe trở thành một trong những mục tiêu của Axum khi họ muốn thống trị khu vực. Vào năm 350 Công nguyên, sau hơn 900 năm là thủ đô của Kush, Meroe bị quân đội Axum tiêu diệt, để lại một tấm bia ghi chiến công của họ. Thành phố phồn vinh một thời không còn nữa.
Kho báu còn ẩn giấu?
Các ghi chép tồn tại từ thời cổ về một thành phố tuyệt vời ở đâu đó trong cát đã mê hoặc các học giả vào thế kỷ 19. Một nhà khảo cổ học người Pháp tên là Frederic Cailliaud đã quyết tâm chứng minh sự tồn tại của thành phố.
Thời điểm đó, Khedive Ismail, người cai trị Ai Cập và Sudan, có tham vọng thâu tóm mọi sự giàu có của Sudan. Vì vậy, Frederic Cailliaud đã tìm cách lôi kéo Ismail tham gia cùng ông ta trong việc tìm kiếm thành phố Meroe.
Ông hoàng này vốn không mấy quan tâm đến lịch sử, khoa học và không hứng thú lắm với đề xuất của nhà khảo cổ, nhưng khi nghe Frederic Cailliaud gợi ý về việc khám phá mỏ vàng của vua Solomon thì ông ta siêu lòng.
Vua Solomon sống vào khoảng năm 965 - 928 TCN, ông là chính trị gia, nhà cầm binh lỗi lạc, đồng thời cũng là một vị quân vương xuất sắc của Vương quốc Israel thống nhất.
Được sự hỗ trợ của Ismail, Frederic Cailliaud đã thực hiện các cuộc hành trình khám phá sâu rộng tới Sudan. Sau nhiều lần tìm kiếm, vào rạng sáng ngày 25/4/1821, ông tìm được lối vào thành phố Meroe đổ nát, xác nhận sự tồn tại và vị trí của nó trong mọi thời đại. Ngập tràn cảm xúc, ông ta ngồi xuống và khóc.
Năm 1944, nhà khảo cổ học có tên CR Lepsius lại khai quật khu di tích. Ngoài việc khám phá thêm các cổ vật, ông cũng tiến hành khảo sát rộng rãi địa điểm này, hoàn thành nhiều phác thảo và bản đồ.
Các cuộc khai quật tiếp tục được tiến hành vào các năm 1902 và 1905. Người ta đã phát hiện dấu tích của các thi thể, đồ đất nung, bình kim loại, tàn tích của các đền thờ và cung điện.
Mặc dù, phần lớn thành phố đã được biết, nhưng đến nay, nhiều điều vẫn còn bí ẩn. Có hay không những kho báu của vua Solomon còn ẩn giấu?