1. Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn
Đến nay, nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là bí ẩn. Đại hãn qua đời vào mùa hè năm 1227. Dòng tộc và binh lính của Thành Cát Tư Hãn được lệnh giữ kín nguyên nhân cái chết của ông. Bởi, đó là giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm với Tây Hạ.
Một giả thuyết cho rằng, Thành Cát Tư Hãn chết vì mất máu sau khi bị đâm bởi công chúa của người Đảng Hạng - bộ tộc ở Tây Bắc Trung Quốc. Giả thuyết khác cho biết, ông qua đời do vết thương ngã ngựa. Hoặc, có thể do trúng mũi tên, dẫn tới nhiễm trùng trong trận chiến cuối cùng với Tây Hạ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho rằng, tất cả giả thuyết trên đều được thêu dệt và không có đủ bằng chứng thuyết phục. Họ nhận định, Thành Cát Tư Hãn có thể đã qua đời do dịch hạch.
Các nhà sử học cho rằng, nhiều năm trước khi qua đời, Thành Cát Tư Hãn mong muốn được chôn cất trong một ngôi mộ không dấu tích ở dãy núi Burkhan Khaldun (Mông Cổ). Sau khi qua đời, thi thể của ông được binh lính đưa về quê hương, như mong muốn. Như yêu cầu, khu vực này không được đánh dấu theo bất kỳ cách nào: Không có lăng mộ, đền thờ, bia mộ.
Theo truyền thuyết, những người lính tham gia vào việc chôn cất đều bị giết để giữ bí mật về địa điểm. Một số truyền thuyết khác cho rằng, người dân tại đây đã thả 1.000 con ngựa trong khu vực để che giấu nơi chôn cất. Họ cũng thay đổi dòng chảy của con sông gần đó để chạy qua mộ của ông. Ngay cả sau nhiều thế kỷ nghiên cứu và khai quật, không có dấu vết của một ngôi mộ nào tại đây.
2. Kho báu của Hiệp sĩ dòng Đền
Hiệp sĩ dòng Đền là một trong những đơn vị quân sự tôn giáo đầu tiên và nổi tiếng nhất ở châu Âu, được thành lập vào năm 1119. Mục đích ban đầu của Hiệp sĩ dòng Đền là hỗ trợ vương quốc mới Jerusalem chống lại các nước láng giềng Hồi giáo. Đồng thời, bảo vệ những người hành hương Cơ đốc giáo đến thăm các địa điểm linh thiêng.
Với những công trạng lập được, các hiệp sĩ được triều đình nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha... ban thưởng vàng bạc, châu báu hay những vùng đất trù phú. Tuy nhiên, Hiệp sĩ dòng Đền dần trở thành một thế lực lớn khiến vua chúa và hoàng tộc châu Âu dè chừng. Năm 1307, những hiệp sĩ có ảnh hưởng này bị kết tội là dị giáo. Nhiều hiệp sĩ bị bắt, tra tấn và giết hại.
Một số hiệp sĩ may mắn thoát chết đem kho báu khổng lồ đã tích cóp trong 2 thế kỷ chôn giấu tại một địa điểm bí mật ở Trung Đông. Theo ước tính, kho báu của Hiệp sĩ dòng Đền trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Trong suốt nhiều năm qua, không ít người đi tìm tung tích kho báu huyền thoại của Hiệp sĩ dòng Đền. Một quan điểm cho rằng, Israel có thể là nơi kho báu được cất giấu bởi đây được cho là địa điểm cuối cùng mà Hiệp sĩ dòng Đền xuất hiện. Tuy nhiên, tới nay, nơi kho báu được cất giấu vẫn là một bí ẩn.
3. Mỏ người Hà Lan mất tích
Mỏ này nằm trong dãy núi Superstition (Mê Tín) gần Phoenix, bang Arizona (Mỹ). Nhiều thông tin cho rằng, đây là mỏ vàng được tìm thấy bởi một gia đình quyền lực Mexico vào đầu những năm 1800. Trong nhiều năm, họ khai thác nhiều vàng và giữ bí mật về nơi cất giấu.
Người cuối cùng đã nhìn thấy mỏ vàng được cho là Jacob Walzer. Người nhập cư Đức này đã tìm thấy vàng vào cuối những năm 1800 cùng với người đồng hành của mình. Sau đó, họ giấu một phần vàng ở trên núi.
Cho đến khi qua đời vào năm 1891, Jacob Walzer chỉ mô tả vị trí của nơi cất giấu cho một người duy nhất là hàng xóm của mình. Đây là người đã chăm sóc Jacob Walzer trong những ngày cuối đời.
Nhiều người đã cố gắng tìm kiếm mỏ vàng nhưng không thành công. Thực tế, khu vực và bản thân kho báu được cho là bị nguyền rủa. Bởi, nhiều người cố gắng tìm kiếm kho báu trong quá khứ và không bao giờ trở lại.
4. Thư viện của Sa hoàng Moscow
Thư viện của Sa hoàng ở Moscow, còn được gọi là “Thư viện vàng”. Đây là một thư viện được suy đoán là do vua Ivan III của Nga tạo ra vào thế kỷ XVI, là nơi chứa một bộ sưu tập sách cổ huyền thoại.
Tuy nhiên, thư viện này đã biến mất sau khi Ivan III qua đời. Thư viện thất lạc của vị sa hoàng này tiếp tục là một thách thức lớn đối với các nhà sử học và khảo cổ học. Đến nay, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nó từng tồn tại.
Thư viện chứa hơn 800 cuốn sách, bao gồm những kiệt tác độc đáo của văn học Hy Lạp và La Mã. Đây là những tác phẩm được Ivan III thừa kế từ bà ngoại Sofia - người ban đầu đã đưa thư viện từ Rome về Moscow.
Sa hoàng, người nổi tiếng là kẻ thống trị tàn ác, không chỉ thừa kế thư viện, ông còn khiến thư viện thêm phong phú với những bản thảo quý hiếm từ khắp châu Âu. Trong đó bao gồm 142 tập Lịch sử thành Rome của Titus Livius mà ngày nay chỉ 35 tập được biết đến.
Ngoài ra, thư viện cũng có phiên bản đầy đủ các chuyên luận của Cicero “De Re Publica”. Đáng tiếc là chỉ có một phần nhỏ của chuyên luận còn tồn tại đến thời hiện đại. Ngoài ra, thư viện cũng là nơi cất giữ nhiều bản viết tay cổ đại khác.
Theo truyền thuyết, Ivan III đã giấu kho báu này ở đâu đó tại Moscow. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời vào năm 1584, không ai biết thư viện này ở đâu và liệu có tồn tại không.
5. Căn phòng hổ phách
Là biểu tượng của những kiệt tác của cả Nga và Đức, căn phòng hổ phách là niềm tự hào của Vương tộc Romanov. Tuy nhiên, căn phòng đã biến mất bí ẩn trong Thế chiến II. Căn phòng hổ phách được vua nước Phổ (Đức) là Friedrich ra lệnh xây dựng. Căn phòng do kiến trúc sư và nhà điêu khắc bậc thầy người Đức, Andreas Schluter phác thảo và xây dựng vào năm 1701.
Căn phòng hổ phách lúc đầu được dựng bên trong tòa cung điện Catherine thuộc Tsarskoye Selo (gần Saint Petersburg). Bức tường của căn phòng được dát toàn bộ bằng đá hổ phách. Năm 1716, nhằm củng cố liên minh Nga - Phổ, Frederick William Đệ nhất đã tặng căn phòng hổ phách cho Peter Đại đế.
Khi Chiến tranh Thế giới II bùng nổ, sau khi chiếm được phần lớn châu Âu, năm 1941, phát xít Đức tấn công vào Liên bang Xô Viết. Quân đội Đức đã cướp đi hàng chục nghìn tác phẩm nghệ thuật, bao gồm căn phòng hổ phách. Từ đó, không một ai biết về tung tích của nó.
6. Hòm bia giao ước
Trong nhiều thế kỷ, con người luôn nỗ lực tìm kiếm những cổ vật và thánh tích linh thiêng từng được đề cập trong Kinh Thánh. Trong số những cổ vật được nhiều thế hệ săn lùng nhất chính là Hòm bia giao ước. Tương truyền, cổ vật này đã biến mất vào năm 587 trước Công nguyên, khi người Babylon chiếm đóng Jerusalem.
Cổ vật huyền thoại là một cái rương được người Do Thái chế tạo cách đây khoảng 3.000 năm. Chiếc rương được tạo để chứa hai tấm bia đá khắc Mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho nhà tiên tri Moses trên núi Sinai.
Theo các thông tin do Kinh Thánh ghi lại, Hòm bia giao ước có kích thước tương tự một chiếc rương của thủy thủ vào thế kỷ 19, bằng gỗ nạm vàng ròng.
Bên trên là hai bức tượng cỡ lớn khắc họa hình ảnh thiên thần. Khi di chuyển, người xưa dùng các cây đòn đưa xuyên qua những chiếc vòng ở các cạnh rương, và nhấc lên.
Hòm bia giao ước có liên quan một số phép lạ trong Cựu Ước. Thánh tích này đã “dọn dẹp” những động vật có độc gây chướng ngại trên đường đi của những người Do Thái trong sách Xuất hành.
Và khi họ băng qua sông Jordan tiến vào Miền đất hứa, Kinh Thánh ghi lại dòng chảy của con sông đã ngừng lại vào thời khắc những người khiêng Hòm bia đi ngang qua.
Một phép lạ khác là khi người Do Thái bao vây Jericho, họ mang theo Hòm bia đi quanh cổ thành này và thổi kèn trong vòng 1 tuần. Ðến ngày thứ bảy, các bức tường thành sụp đổ, cho phép họ dễ dàng vào thành.
Tuy nhiên, đến năm 597 và 586 trước Công nguyên, đế quốc Babylon xâm chiếm Israel. Hòm bia giao ước đã biến mất trong cảnh loạn lạc. Từ đó đến nay, Hòm bia chưa từng lộ diện trong lịch sử. Chẳng ai biết liệu Hòm bia đã bị phá hủy, cướp đoạt hay cất giấu.
Một trong những giả thuyết nổi tiếng là, trước khi người Babylon chiếm đóng Jerusalem, cổ vật thiêng liêng này đã lên đường đến Ethiopia. Đến nay, Hòm bia vẫn được bảo quản tại Vương cung Thánh đường Ðức bà Maria xứ Zion thuộc thị trấn Aksum. Tuy nhiên, chỉ có người bảo hộ Hòm bia mới được phép nhìn thấy cổ vật này và không có ai bên ngoài được tiếp cận.