Đồng cảm với thân phận mô côi
Ở làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh những người nuôi, chăm sóc trẻ em đều được gọi bằng “mẹ”. Sau mấy lần đến thăm làng trẻ, tôi rất ấn tượng với cô nuôi trẻ dưới 2 tuổi được các trẻ nhỏ bi bô gọi “mẹ Ly” với đầy tình cảm yêu thương.
Sinh ra trong một gia đình ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), 4 tháng tuổi Trần Khánh Ly đã mồ côi bố. Lên 4 tuổi, Ly lại mất mẹ, phải về ở với bà nội.
Khi Ly học lên lớp 4 thì bà nội đã quá già yếu nên bà đành gửi em vào Làng trẻ em mồ côi để được chăm sóc, học hành. Một thời gian sau, người thân duy nhất còn lại của em cũng mất. Khánh Ly được nuôi dưỡng và trưởng thành tại làng trẻ mồ côi.
Vốn tính yêu trẻ nhỏ và sự đồng cảm với những hoàn cảnh mồ côi nên ngay từ khi mới học THCS, Khánh Ly đã tự nguyện cùng giúp các mẹ chăm sóc các em nhỏ.
Trong quá trình chăm sóc cô đã được các bà các mẹ hướng dẫn chu đáo cách nuôi dạy trẻ nhỏ như nấu ăn, cho trẻ ăn, tắm cho trẻ, cho trẻ ngủ…
Vì thế, khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Tĩnh, Trần Khánh Ly được Giám đốc nhận làm cô nuôi nhóm trẻ dưới 2 tuổi tại Làng trẻ mô côi SOS Hà Tĩnh dù tuổi đời còn rất trẻ, chưa lấy chồng, chưa sinh con.
Cô nuôi trẻ Trần Khánh Ly cho biết: “Một ngày làm việc chăm sóc trẻ nhỏ bắt đầu lúc 7 giờ sáng và nghỉ đổi ca vào 7 giờ sáng ngày hôm sau.
Nhóm của em gồm 2 - 3 người thay nhau làm việc 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ. Lúc nào có khoảng 4 - 5 cháu nhỏ thì phải thay nhau làm việc, thời gian nghỉ rất ít.
Công việc hằng ngày của một cô nuôi trẻ phải vất và và luôn tay. Đến ngày làm việc sáng sớm tranh thủ đi chợ chọn thức ăn cho trẻ, vệ sinh cho trẻ buổi sáng.
Từ 7 - 9 giờ nấu và cho trẻ ăn, một số trẻ còn nhỏ thì có chế độ ăn sữa, rồi cho trẻ chơi. Vừa chơi vừa trông trẻ cô cũng phải tranh thủ chuẩn bị bữa trưa. Trước 12 giờ phải cho trẻ ăn xong rồi để cho các em ngủ trưa. Thời gian các bé ngủ “cô nuôi trẻ” tranh thủ giặt quần áo, dọn dẹp…
Buổi chiều cho trẻ tắm, ăn uống, và chơi cùng trẻ. Mùa hè thì cho trẻ ra sân chơi khi trời hết nắng, tay quần áo và cho trẻ ăn tối. Khoảng 8 - 9 giờ tối thì cho trẻ uống sữa để đi ngủ. Thường thì trẻ dưới 1 tuổi “mẹ trẻ” phải ngủ cùng. Đến khi trẻ đã ngủ say thì “mẹ” lại tiếp tục lau dọn nhà cửa, giặt dũ quần áo.
Vất vả nhất là khi trẻ nhỏ bị sốt, mất điện, trời nóng mà không có quạt thì trẻ hay khóc quấy. Ban đêm phải thức chăm sóc cho trẻ. Thường thì vào mùa hè chăm sóc trẻ nhỏ ít vất hơn mùa đông”.
Dù công việc chăm sóc trẻ đối với một cô gái trẻ đầy vất vả nhưng trên khuôn mặt cô nuôi trẻ Khánh Ly vẫn toát lên niềm vui và tình yêu trẻ nhỏ.
Trích lương mua thêm thức ăn và quần áo cho trẻ nhỏ
Cô nuôi trẻ Khánh Ly chia sẻ thêm: “Công việc chăm sóc trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh còn rất vả. Nhưng vì tình yêu trẻ nhỏ, sự đồng cảm với những đứa trẻ cùng hoàn cảnh thiếu tình cảm của bố mẹ như bản thân nên mình càng thương chúng hơn.
Mà thông thường với trẻ con ai thương nó thì nó thương lại. Làm công việc này vất vả nhưng bù lại khi nhận được những cử chỉ yêu thương của trẻ Ly hạnh phúc lắm.
Nhiều lúc đi chợ mua thức ăn cho trẻ, khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ nhỏ là 10 ngàn, nhưng đi chợ hầu như “mẹ trẻ”bỏ thêm tiền lương của mình mua thêm thức ăn cho trẻ.
Nhiều hôm thấy quần áo đẹp và dễ thương “mẹ Ly” lại mua cho các bé, thấy vậy mấy cô bán hàng lại hỏi: “Sao chưa lấy chồng, chưa sinh con mà hay mua quần áo trẻ con vậy?”.
Dù thời gian bận bịu với trẻ nhỏ nhưng sau những ngày làm việc ăng vất vả, thời gian nghĩ ngơi cô vẫn tranh thủ để hoàn thành chương trình Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Thực hiện ước mơ một ngày nào đó được làm việc trong môi trường Y tế để vận dụng những kiến thức đã học.
Ông Dương Quỹ Đạo – Giám đốc Làng trẻ mô côi Hà Tĩnh cho hay: “Khánh Ly là một người hiền lành, có trách nhiệm trong mọi công việc. Lớn lên từ Làng trẻ mô côi nên cô ấy rất đồng cảm và người yêu thương trẻ nhỏ.
Hơn nữa, cô lại có kiến thức về y tế nên chúng tôi rất yên tâm giao việc chăm sóc trẻ nhỏ. Với những đóng góp của mình trong việc chăm nuôi trẻ, Trần Khánh Ly đã được nhận giấy khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh”.